1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nợ công của Việt Nam 3,7 triệu tỷ đồng, lo ảnh hưởng vì GDP quý III âm

Bích Diệp

(Dân trí) - Trường hợp GDP năm nay không đạt mức dự báo sẽ có tác động đến bội chi ngân sách và các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.

Nợ công của Việt Nam 3,7 triệu tỷ đồng, lo ảnh hưởng vì GDP quý III âm - 1

Quy mô nợ công của Việt Nam ước tính khoảng 3,7 triệu tỷ đồng trong năm nay (Ảnh minh họa: VGP).

Chính phủ dự kiến huy động trên 500.000 tỷ đồng trong năm nay

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây đã thay mặt Chính phủ có văn bản gửi Đại biểu Quốc hội khóa XV về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022.

Tại báo cáo này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương; trong đó có cả các địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung đông dân cư và hoạt động công nghiệp, dịch vụ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động lớn đến tăng trưởng, tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN). Trong bối cảnh đó, công tác vay, trả nợ công cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Năm nay, kế hoạch vay của Chính phủ là 624.221 tỷ đồng, trong đó vay cho cân đối ngân sách Trung ương (NSTW) 579.772 tỷ đồng (gồm vay để bù đắp bội chi 318.870 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc 260.902 tỷ đồng) và vay về cho vay lại 44.449 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã thực hiện huy động 298.758 tỷ đồng, trong đó vay đưa vào cân đối NSTW là 291.505 tỷ đồng (gồm vốn vay trong nước 277.714 tỷ đồng, vay ODA, ưu đãi nước ngoài cấp phát khoảng 13.791 tỷ đồng), vay ODA, ưu đãi nước ngoài cho vay lại khoảng 7.253 tỷ đồng.

Dự kiến tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm khoảng 514.297 tỷ đồng, bằng 82,4% so với kế hoạch. Trong đó, vay trong nước khoảng 463.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 87,8% tổng huy động của Chính phủ. Vay nước ngoài từ nguồn ODA và ưu đãi 51.297 tỷ đồng, chiếm khoảng 53% so với kế hoạch (cấp phát 33.898 tỷ đồng, cho vay lại 17.399 tỷ đồng).

Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) tập trung vào kỳ hạn từ 10 năm trở lên, kỳ hạn phát hành bình quân dự kiến đạt khoảng 12,5 năm, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 9-11 năm tại Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP khoảng 9,08 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân khoảng 2,26%/năm.

Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã ký kết 2 hiệp định vay với tổng trị giá khoảng 97,4 triệu USD với Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Áo.

Bộ Tài chính cho biết, dưới tác động khó lường của dịch bệnh Covid-19, với các khó khăn, vướng mắc về pháp lý và chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư phục vụ đàm phán, năm nay dự kiến chỉ ký được 9 điều ước quốc tế, thỏa thuận vay cụ thể với tổng trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Nợ công khoảng 3,7 triệu tỷ đồng

Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng đầu năm là 289.328 tỷ đồng, khoảng 73,3% kế hoạch cả năm, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 270.793 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 18.534 tỷ đồng.

Tổng trả nợ của Chính phủ dự kiến khoảng 365.932 tỷ đồng (92,8% kế hoạch). Việc thực hiện nghĩa vụ các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, dự kiến không quá 25% thu NSNN theo mức trần Quốc hội cho phép.

Với kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm như trên, Bộ Tài chính dự kiến đến cuối năm nay, nợ công khoảng 3,71 triệu tỷ đồng, bằng 43,7% GDP.  Nợ Chính phủ khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, bằng 39,5% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 24,8%. Nợ nước ngoài quốc gia khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, bằng 38,8% GDP. Trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm trả nợ gốc ngắn hạn) khoảng 5,8%.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của lãnh đạo Bộ Tài chính, với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là thách thức.

Trường hợp GDP năm nay không đạt mức dự báo sẽ có tác động đến bội chi NSNN và các chỉ tiêu an toàn nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2021.