Bộ Tài chính nói gì về thông tin "ngân sách Trung ương gần như không còn"?

Bích Diệp

(Dân trí) - Bộ Tài chính đã lên tiếng "nói lại cho rõ" thông tin cho rằng ngân sách khó khăn, ngân sách Trung ương gần như không còn, hiện chỉ còn chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoản đang trình dự toán.

Bộ Tài chính nói gì về thông tin ngân sách Trung ương gần như không còn? - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: VGP).

Ngày 16/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã xem xét dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo Bộ Tài chính, về nội dung này có nhiều thông tin báo chí nêu: Ngân sách rất khó khăn, ngân sách Trung ương gần như không còn, hiện chỉ chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoảng 14.620 tỷ đồng đang trình UBTVQH điều chỉnh dự toán thì mới chi được.

Được biết, thông tin báo chí dẫn phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi báo cáo với UBTVQH.

Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi của Bộ Tài chính được phát hành ngay chiều nay (17/9), cơ quan này cho rằng thông tin trên làm độc giả hiểu sai tình hình ngân sách Nhà nước.

Nói lại một lần nữa cho rõ, Bộ Tài chính cho biết, tại cuộc họp UBTVQH ngày 16/9 với nội dung bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo UBTVQH là hiện nay ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết. Trong khi đó, nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như công an, quân đội và các địa phương là rất lớn.

Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ đồng điều chỉnh vào dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trao đổi thêm với phóng viên Dân trí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, hiện tại, đề xuất này đã được trình lên UBTVQH và có thể trong tuần tới sẽ được xem xét thông qua. Trong thời gian chờ phê duyệt và trong bối cảnh ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết thì các địa phương và các đơn vị vẫn sử dụng nguồn tài chính đã chi từ trước để cân đối.

Về tình hình cán cân ngân sách, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh vĩ mô bất lợi song thu ngân sách vẫn ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, đạt gần 75% kế hoạch thu cả năm nay, và tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt trên 820.000 tỷ đồng (tăng 12% so cùng kỳ).

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đánh giá kết quả thu ngân sách trên là tích cực nhờ nguồn thu tăng đột biến tại các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô.

Tại phiên họp hôm qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tính chung các giải pháp đã được UBTVQH, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140.000 tỷ đồng. Ông chia sẻ, hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, doanh nghiệp cũng đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa.

"Vào lúc khó khăn này, đây chính là 'một miếng khi đói bằng một gói khi no' để hỗ trợ doanh nghiệp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói. Về một số nội dung cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, khó quản lý, NHNN đã đề nghị không triển khai. NHNN cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24.000 tỷ đồng.

Liên quan đến việc quản lý thuế GTGT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thoát, có biện pháp để đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách là người tiêu dùng hàng hóa.

Được biết, sau khi xem xét, thảo luận, UBTVQH đã thống nhất thông qua việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Dự kiến sau khi các cơ quan tiếp thu hoàn thiện, Nghị quyết sẽ được ký ban hành trước ngày 1/10.