Người dân ảnh hưởng vì Covid-19, Bộ Tài chính lập Tổ công tác đặc biệt
(Dân trí) - Một trong những nhiệm vụ của Tổ công tác là rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra "giấy phép con".
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1951/QĐ-BTC thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tổ công tác của Bộ do đích thân ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng thường trực. Ngoài ra, Tổ còn có 3 tổ phó và 9 thành viên là lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác là chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19", tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.
Trên tinh thần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Tổ công tác đặc biệt này của Bộ Tài chính cũng được giao lưu ý rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra "giấy phép con" làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra…
Theo Quyết định thành lập, Tổ công tác của Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện tiếp nhận, tổng hợp, ghi nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; chuyển nội dung kiến nghị đến các đơn vị chức năng thuộc Bộ xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Bộ nếu vượt thẩm quyền, đôn đốc, xử lý, báo cáo Tổ trưởng - Bộ trưởng các trường hợp vướng mắc, khó khăn để chỉ đạo xử lý.
Quyết định này cũng nêu rõ về nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các thành viên Tổ công tác và chế độ báo cáo. Theo đó, các thành viên Tổ công tác tiếp nhận, tổng hợp ghi nhận phản ánh, kiến nghị, chuyển ngay trong ngày kiến nghị đến các vụ, cục, tổng cục chức năng (qua Tổ công tác/Văn phòng Bộ) xử lý theo thẩm quyền hoặc giao cá nhân, tập thể/đầu mối xử lý ngay theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Tổ cũng triển khai việc xử lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, nêu rõ các nội dung đã xử lý, nội dung đang xử lý theo thẩm quyền, cơ chế chính sách đã ban hành; đề xuất các giải pháp, nội dung xử lý vượt thẩm quyền.
Cơ chế phối hợp, hoạt động của các thành viên Tổ công tác được thực hiện thông qua việc họp trực tiếp, trực tuyến hoặc bằng văn bản giữa các thành viên Tổ công tác. Các thành viên Tổ công tác cử cán bộ đại diện thuộc đơn vị làm đầu mối phối hợp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác.
Định kỳ hàng tuần, hàng tháng hoặc đột xuất, các thành viên Tổ công tác kịp thời tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân tại đơn vị, nêu rõ nguyên nhân chậm trễ chưa xử lý, kiến nghị xử lý từng trường hợp vượt thẩm quyền (nếu có), gửi Tổ phó Thường trực Tổ công tác để tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, chỉ đạo/kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các trường hợp vượt thẩm quyền Bộ Tài chính.
Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ban hành trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực hồi phục sau khi trải qua quý III với tăng trưởng GDP âm 6,17%.
Theo kịch bản tăng trưởng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, để GDP cả năm đạt 3% thì quý IV phải đạt 7,06% trở lên còn muốn GDP cả năm đạt 3,5% thì quý IV phải tăng trưởng trên 8,84%.
Trong báo cáo gần nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 9, cả nước có 5.355 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có 2.240 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh; 2.509 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và 606 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số liệu này có thể chưa phản ánh đúng thực tế số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp mặc dù đã ngừng hoạt động nhưng không thể thực hiện các thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường.
Cụ thể, doanh nghiệp không họp được hội đồng thành viên, không ký được các giấy tờ, không xử lý được các vấn đề về thủ tục thuế, thanh lý tài sản,... và nhiều doanh nghiệp chỉ ngừng rất ngắn hạn khi thực hiện giãn cách xã hội (1 - 2 tháng) nên không làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh.