Những việc quan trọng Việt Nam cần làm để Mỹ gỡ bỏ mác "thao túng tiền tệ"
(Dân trí) - Ông Trương Văn Phước cho rằng Việt Nam sẽ kiên trì thông tin với Mỹ để dỡ bỏ mác thao túng tiền tệ; Chủ tịch SSI nói Việt Nam cần một FTAs với Mỹ để giải quyết nhiều vấn đề này.
Chia sẻ với báo giới, ông Trương Văn Phước - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho rằng phía Mỹ chưa áp thuế ngay đối với hàng xuất của Việt Nam và vẫn còn thời gian để Việt Nam cung cấp các thông tin khách quan, chi tiết để thuyết phục họ dỡ bỏ nhãn mác này như đã từng làm với Trung Quốc.
Được biết, từ tháng 6/2019, phía Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi các quốc gia có nguy cơ thao túng tiền tệ khi hai tiêu chí là xuất siêu sang Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai vượt ngưỡng. Tháng 12/2020, phía Mỹ chính thức gắn nhãn "thao túng tiền tệ" đối với Việt Nam.
Theo ông Phước, quy định "thao túng tiền tệ" của Mỹ dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có 3 tiêu chí là: Thặng dư thương mại, thặng dư cán cân vãng lai và việc các nước khác đẩy mạnh mua ngoại tệ.
Vì sao Mỹ cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ?
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thông tin: "Để hạn chế thâm hụt thương mại giữa Mỹ và đối tác trên thế giới dựa trên chính sách "nước Mỹ trên hết hay nước Mỹ trước tiên" của Tổng Thống Donald Trump, Mỹ đặt ra 3 tiêu chí, nếu đối tác nào vượt quá các tiêu chí này sẽ bị dán mác "thao túng tiền tệ", chịu trừng phạt về thuế hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường này".
Cụ thể: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của một nước đối với Mỹ không được vượt quá 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 2% GDP và ít nhất 6 trên 12 tháng, tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương không quá 2% GDP.
Ông Trương Văn Phước cho rằng, nguyên do phía Mỹ dán mác Việt Nam thao túng tiền tệ là ở chỗ thặng dư thương mại với Mỹ của Việt Nam khá lớn. Tuy nhiên, thặng dư thương mại cũng do là giá lao động Việt Nam quá rẻ, từ đó giá hàng hóa xuất đi rất rẻ.
Về cán cân vãng lai, theo ông Phước, các năm trước Việt Nam có xuất siêu nhưng không nhiều, chỉ vài tỷ USD mỗi năm. Vài năm trở lại đây, giá trị xuất siêu cao hơn, năm 2020 có thể xuất siêu của Việt Nam lên đến 20 tỷ USD.
"Khác với các nước, cán cân vãng lai do thương mại tạo nên, cán cân vãng lai của Việt Nam chủ yếu là do lượng tiền kiều hối từ nước ngoài gửi về, nhiều khoản tiền được chuyển về để trợ cấp cho người thân trong nước" - ông Phước nói và cho biết: Kiều hối chảy về là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp, người gửi tiền về cũng không căn cứ tỷ giá cao, không gửi, thấp là gửi ồ ạt, mà đây là do nhu cầu của mỗi người. Việt Nam không hề có động tác giữ đồng tiền thấp để kích thích kiều hối chuyển về nhiều hơn.
Về can thiệp thị trường ngoại hối, ông Phước cho rằng hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước ề mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối. Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán; các nhà đầu tư vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng. Nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ để thực hiện chức năng chuyển hóa các đồng ngoại tệ, giúp người dân dùng tiền đồng, điều này là bắt buộc.
Theo ông Phước, Mỹ từng dán nhãn Trung Quốc "thao túng tiền tệ" nhưng họ đã gỡ bỏ sau một năm, bây giờ vẫn diện theo dõi. Với Việt Nam, không phải Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ là họ áp thuế ngay vào hàng xuất khẩu mà cần một thời gian. Việt Nam còn thời gian đàm phán, giải thích với họ để gỡ mác "thao túng tiền tệ". Vì vậy, không nên quá bi quan, Việt Nam sẽ cung cấp các thông tin khách quan, chi tiết với họ.
Cần một FTAs để giải quyết căn cơ vấn đề
Chia sẻ nhanh với PV Dân trí, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT của Công ty chứng khoán SSI - cho rằng: Để giải quyết vấn đề về nhãn mác "thao túng tiền tệ" của Mỹ, Việt Nam cần đàm phán với Mỹ một hiệp định thương mại tự do song phương.
Cơ sở của việc này là trước đó Mỹ đã tham gia TPP dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhưng sau đó rút chân. Tuy nhiên, với một thỏa thuận FTAs, vấn đề tỷ giá hay giá trị xuất nhập khẩu với Mỹ và Việt Nam sẽ hoàn toàn có thể giải quyết được. Vấn đề tỷ giá, thâm hụt thương mại từng được các nước Bắc Mỹ giải quyết trong khuôn khổ Hiệp định USMCA giữa Mỹ với Mehico, Canada (thường được gọi là NAFTA 2.0).
"Nếu Việt Nam với Mỹ ký kết FTAs mới với các điều khoản đàm phán về tỷ giá, điều này vừa giúp cho Việt Nam không phải lo ngại Mỹ dán mác thao túng tiền tệ, vừa giúp thương mại song phương cân bằng, thông qua cơ chế bỏ thuế hàng hóa Mỹ vào Việt Nam" - ông Hưng nêu rõ.