1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những thương vụ thâu tóm tiền tỷ của các thiếu gia, ái nữ 9x

Thời gian gần đây, có không ít đại gia trẻ tuổi lộ diện qua những thương vụ “thâu tóm” với túi tiền hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, tất cả những thương vụ thâu tóm tiền tỷ của đại gia 9x đều liên quan tới ngân hàng và bất động sản.

2 thương vụ nghìn tỷ thâu tóm VPB

Một trong những thương vụ thâu tóm đình đám nhất trong thời gian vừa qua phải kể đến là thương vụ 1 đại gia 9x đã bỏ ra 1.700 tỷ để sử hữu lô cổ phiếu VPB của ngân hàng TMCP Viêt Nam Thịnh Vượng.

Theo đó, vào giữa tháng 6, gần 34,5 triệu cổ phiếu VPB đã được “sang tay” từ Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm cho một cá nhân là ông Nguyễn Mạnh Cường.

Với giá đóng của tại thời điểm chuyển giao ở mức 49.500 đồng/cổ phiếu VPB, thương vụ này có giá trị lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.

Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm được thành lập ngày 20.7.2017 với vốn điều lệ hơn 345 tỷ đồng. Công ty này có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Sau 8 tháng hoạt động, chủ sở hữu của Tín Tâm đã ra quyết định ngừng hoạt động kinh doanh và tiến hành thủ tục giải thể công ty từ đầu tháng 3.2018 do công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không thể tiếp tục duy trì hoạt động.

Chủ sở hữu và người đại diện tại Tín Tâm cũng chính là ông Nguyễn Mạnh Cường, đại gia sinh năm 1995 tại Hà Nội.

Đáng chú ý, chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của Công ty Tín Tâm cũng mang tên Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1995 tại Hà Nội.

Những thương vụ thâu tóm tiền tỷ của các thiếu gia, ái nữ 9x - 1

Đây không phải lần đầu tiên VPB có giao dịch thoả thuận hàng nghìn cổ phiếu và người nhận chuyển nhượng lại là những đại gia 9x

Trước đó, ngày 11.4.2018 một đơn vị khác là Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Trang Thành đã sang tay hơn 22,7 triệu cổ phiếu VPBank cho ông Trần Quốc Anh Thuyên.

Theo trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư Trần Quốc Anh Thuyên đã nhận chuyển quyền sở hữu 22,7 triệu cổ phiếu VPB từ Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Trang Thành. Giá trị lô cổ phiếu này có giá 1.500 tỷ đồng

Đáng chú ý, ông Anh Thuyên có tuổi đời còn khá trẻ. Doanh nhân họ Trần sinh vào cuối tháng 10.1992 và có địa chỉ thường trú tại TP. Huế.

Công ty Trang Thành được thành lập ngày 25.7.2017, có trụ sở tại tầng 16 Daeha Business Centre, 360 Kim Mã, Ba Đình Hà Nội, có vốn đăng ký là 227 tỷ đồng.

Điểm trùng hợp là ông Trần Quốc Anh Thuyên, người nhận chuyển quyền sở hữu 22,7 triệu cổ phiếu VPB, cũng là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Trang Thành. Sau khi thực hiện chuyển nhượng cổ phần, Trang Thành tiến hành giải thể.

Đại gia 9x chi 66 tỷ mua 6,6 triệu cổ phần VietBank

Tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín, HĐQT ngân hàng này vừa thông qua phân phối gần 6,6 triệu cổ phần cho 1 cổ đông cá nhân.

Thời gian nộp tiền mua cổ phần là từ ngày 11.12.2018 đến ngày 14.12.2018. Cá nhân nhận số cổ phần này là Nguyễn Phan Hoài Hiệp, sinh năm 1994.

Những thương vụ thâu tóm tiền tỷ của các thiếu gia, ái nữ 9x - 2

Theo tìm hiểu, ông Hiệp là chủ sở hữu/người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Đầu Tư THT Phú Trì; Công ty TNHH Đầu tư 29A Phú Trì; Công ty TNHH Đầu tư NDC Phú Trì và Công ty CP Đầu tư Phú Trì. Các doanh nghiệp này đều có địa chỉ nằm tại 02 Thi Sách - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP Hồ Chí Minh.

Như vậy, với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phần, 9x này dự kiến chi gần 66 tỷ đồng để mua 6,6 triệu cổ phần VietBank của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.

VietBank được biết đến là một trong những ngân hàng thuộc nhóm nhỏ của hệ thống và vợ chồng Bầu Kiên là một trong những cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Bầu Kiên đã rục rịch thoái vốn khỏi ngân hàng này. Cụ thể, cuối tháng 8 vừa qua, Bầu Kiên này đăng ký thoái toàn bộ 66.132 cổ phần với mệnh giá 1 triệu đồng (tương đương 6,61 triệu cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng), tương đương 2,035% vốn điều lệ VietBank. Kết quả của giao dịch này thế nào không thấy được công bố

Ái nữ 9x giàu có Bùi Tú Phương

Thông tin từ TCT Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam - Vneco (VNE) cho biết, tháng 6 vừa qua, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 99,86% vốn nắm giữ tại CTCP Du lịch Xanh Huế, đơn vị đang sở hữu khách sạn tiêu chuẩn 4 sao Xanh Huế.

Theo đó, VNE đã ký hợp đồng chuyển nhượng 99,86% vốn điều lệ của công ty con Du lịch Xanh Huế VNECO, tương đương 20,77 triệu cổ phiếu. Với giá chuyển nhượng 13.499 đồng/cp, số tiền mà VNE thu về hơn 279 tỷ đồng. Như vậy kể từ 18.6, Du lịch Xanh Huế VNECO không còn là công ty con của VNE.

Đối tác nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Khách sạn Silk Path, nữ doanh nhân 9x Bùi Tú Phương và nhà đầu tư cá nhân Tạ Đàm Hưng.

Những thương vụ thâu tóm tiền tỷ của các thiếu gia, ái nữ 9x - 3

Trong đó, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path nhận 20,384 triệu cổ phiếu, bà Phương nhận 208.000 cổ phiếu, ông Hưng 178.000 cổ phiếu.

Điều đáng lưu ý là nữ doanh nhân Bùi Tú Phương (sinh năm 1992, 26 tuổi) cũng chính là giám đốc và người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Khách sạn Silk Path - doanh nghiệp quản lý chuỗi khách sạn Silk Path 4-5 sao, từ Hà Nội cho tới Sapa và giờ là Huế.

Như vậy, trong thương vụ này bà Bùi Tú Phương phải chi tổng cộng 277 tỷ đồng để thâu tóm quyền điều hành khách sạn lớn nhất Thừa Thiên Huế.

Nữ đại gia 9x Đào Ngọc Bảo Phương mua lại 2 toà lâu đài của KhaiSilk

Gần đây nhất, thông tin khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm, 2 tòa nhà đình đám một thời của Tập đoàn Khaisilk của ông Hoàng Khải, sẽ thuộc sở hữu chính thức của công ty Chloe Hospitality và có tên gọi mới là Chole Gallery cũng khiến không ít người ngỡ ngàng.

Cả 2 dự án đình đám là khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm đều thuộc về “đế chế” hùng mạnh một thời của ông chủ Khaisilk, doanh nhân Hoàng Khải.

Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm của tập đoàn Khaisilk tại số 2 - 6 Phan Văn Chương (khu vực Cầu Ánh Sao - Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7).

Giá trị chuyển nhượng không được công bố tuy nhiên hai công trình trên từng được Tập đoàn Khaisilk đầu tư hơn 30 triệu USD.


Khách sạn TajmaSago về tay Đào Ngọc Bảo Phương.

Khách sạn TajmaSago về tay Đào Ngọc Bảo Phương.

Điều đáng chú ý, 2 toà lâu đài trị giá 30 triệu USD của Khaisilk đã được mua lại bởi một nữ đại gia 9x Đào Ngọc Bảo Phương.

Theo thông tin trên Cổng đăng kí doanh nghiệp quốc gia, Công ty TNHH Chloe Hospitality chủ sở hữu mới của khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm mới thành lập ngày 6.9.2018, có vốn điều lệ 36 tỷ đồng. Trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM.

Người đại diện theo pháp luật của Chloe Hospitality ban đầu là bà Bùi Thị Vân Anh, tổng giám đốc, sinh năm 1970. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12, doanh nghiệp này công bố thay đổi thông tin. Theo đó, bà Đào Ngọc Bảo Phương, sinh năm 1994 thay bà Bùi Thị Vân Anh là người đại diện pháp luật và cũng là tổng giám đốc của Chloe Hospitality.

Không chỉ việc tiếp nhận 2 toà nhà của Khải Silk, hiện tại Chloe Hospitality đang đầu tư một vài toà nhà tại quận 7 và một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc.

Theo Huyền Anh
Dân Việt

Những thương vụ thâu tóm tiền tỷ của các thiếu gia, ái nữ 9x - 5

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm