Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ

(Dân trí) - Tập đoàn đồ uống InBev của Bỉ đang hoàn tất thủ tục mua lại thương hiệu bia Budweiser của Mỹ. Đây là một tin khá chấn động trong giới kinh doanh, nhưng không phải là trường hợp đầu tiên một tên tuổi lớn của Mỹ bị doanh nghiệp nước ngoài “thôn tính”.

Có một điều khá thú vị là mặc dù đã có hàng chục thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, gắn liền với hình ảnh nước Mỹ, như American Idol (Thần tượng âm nhạc nước Mỹ), không còn thuộc sở hữu của người Mỹ mà đã được sang tay các tập đoàn nước ngoài, nhưng trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng thậm chí không hề biết điều đó, và doanh số không những không giảm mà còn tăng sau hợp đồng chuyển nhượng.

 

Dưới đây mà một số thương hiệu Mỹ nổi tiếng đang thuộc sở hữu của các tập đoàn nước ngoài:

 

Kem Ben & Jerry's

Chủ sở hữu hiện tại: Unilever
Quốc tịch: Anh-Hà Lan

 

Năm 1978, Ben Cohen và Jerry Greenfield, người Long Island (Mỹ), đã mở cửa hiệu kem ngay tại một trạm xăng mới sửa chữa ở Burlington, chỉ với số vốn 12.000 USD. Không lâu sau, hiệu kem nhỏ đã phát triển thành một doanh nghiệp toàn cầu, và ngày nay nổi tiếng với các hoạt động xã hội và môi trường.

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 1
 

Trong một thương vụ gây nhiều tranh cãi hồi năm 2000, Ben & Jerry's đã được chuyển nhượng cho tập đoàn Unilever của Anh và Hà Lan với giá 326 triệu USD. Từ đó, nhãn hiệu kem này mở rộng mạnh mẽ mạng lưới phân phối trên toàn thế giới.

 

7-Eleven

Chủ sở hữu hiện tại: Seven & I Holdings

Quốc tịch: Nhật Bản

 

7-Eleven là tên hệ thống cửa hàng tiện ích bán xúc xích chạy nhất Washington DC, bán cà phê chạy nhất Long Island, và bán bánh khoai tây rán chạy nhất Colorado. Là thương hiệu đi tiên phong trong lĩnh vực cửa hàng tiện ích, 7-Eleven ra đời năm 1927 bởi công ty Southland Ice ở Dallas (Mỹ).

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 2
 

80 năm sau, 7-Eleven có mạng lưới 34.000 cửa hàng ở 14 nước trên thế giới. Năm 2005, thương hiệu 7-Eleven được tập đoàn Seven & I Holdings của Nhật Bản mua lại. Đây chính là tập đoàn điều hành hệ thống cửa hàng bách hoá Seibu và nhà hàng Denny's nổi tiếng tại Nhật.

 

Gerber

Chủ sở hữu hiện tại: Nestlé

Quốc tịch: Thuỵ Sĩ

 

Sản phẩm thức ăn trẻ em Gerber có mặt tại các quầy hàng thực phẩm của Mỹ t năm 1928, sau khi Dorothy Gerber, một bà mẹ doanh nhân Fremont, tiểu bang California, phát mệt với việc phải lọc cháo cho con gái, đã gợi ý chồng dùng nhà máy đóng hộp của gia đình để giúp cô giảm gánh nặng này.

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 3
 

Bằng một chiến dịch marketing thông minh, thương hiệu bột Gerber cho trẻ em ăn dặm đã phát triển ra 190 sản phẩm khác nhau, tiêu thụ ở 80 nước trên thế giới. Công ty này đã trở thành sở hữu của tập đoàn dược phẩm Novartis (Thuỵ Sĩ) vào thập niên 90, và đến tháng 9/2007 lại được sang tay cho tập đoàn thực phẩm Nestlé ở Vevey, Thuỵ Sĩ.

 

Everlast

Chủ sở hữu hiện tại: Sports Direct

Quốc tịch: Anh quốc

 

Bắt đầu như một nhà sản xuất đồ bơi vào năm 1910 tại Bronx, New York, thương hiệu Everlast dần phát triển hướng tới môn thể thao đấm bốc - trò thể thao được hầu hết người dân Mỹ yêu thích. Ngày nay, Everlast đã trở thành hình ảnh thương hiệu gắn liền với môn thể thao này.

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 4
 

Tháng 9/2007, Everlast đã bị Brand Holdings, công ty con của tập đoàn kinh doanh đồ thể thao Sports Direct của Anh, mua lại. Đây chính là tập đoàn sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Dunlop, Slazenger, và LA Gear.

 

Trader Joe's

Chủ sở hữu hiện tại: Aldi

Quốc tịch: Đức

 

Chuỗi cửa hàng thực phẩm tư nhân Trader Joe's thành lập năm 1958 tại Californina, nhằm cạnh tranh với 7-Eleven. Năm 1967, Joe Coulombe, người được lấy tên đặt cho công ty, bắt đầu mở rộng quy mô cửa hàng, đồng thời đưa những loại thực phẩm cao cấp và khó tìm vào quầy hàng.

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 5
 

Trader Joe's ngày nay có mạng lưới 300 cửa hàng ở 23 bang của nước Mỹ. Từ năm 1979, thương hiệu này đã được bán cho tập đoàn siêu thị chuyên bán hàng giảm giá - Aldi - nổi tiếng của Đức do hai anh em tỷ phú họ Albrecht lập ra.

 

Brooks Brothers

Chủ sở hữu hiện tại: Retail Brand Alliance

Quốc tịch: Ý-Mỹ

 

Trong suốt 190 năm, Brooks Brothers là thương hiệu thời trang yêu thích của giới thượng lưu Mỹ, từ các chính trị gia, quan chức quân đội đến các đời tổng thống. Abraham Lincoln khi bị ám sát cũng đang mặc chiếc áo khoác hiệu  Brooks Brothers.

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 6
 

Thương hiệu thời trang này đã được tập đoàn bán lẻ Marks & Spencer của Anh mua lại vào năm 1998, và sau đó lại được nhượng cho Retail Brand Alliance vào năm 2001.

 

Motel 6

Chủ sở hữu hiện tại: Accor

Quốc tịch: Pháp

 

Motel 6 là hệ thống khách sạn bình dân được thành lập tại Mỹ từ năm 1962. Đến nay, Motel 6 có mạng lưới 910 khách sạn nằm dọc các đường cao tốc khắp nước Mỹ và Canađa, là nơi nghỉ chân lý tưởng và an toàn của khách qua đường.

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 7
 

Từ năm 1990, tập đoàn kinh doanh khách sạn Accor của Pháp, với một loạt thương hiệu nổi tiếng như Ibis, Mercure, Novotel và Sofitel, đã mua lại Motel 6 từ tay người Mỹ.

 

American Idol

Chủ sở hữu hiện tại: Bertelsmann

Quốc tịch: Đức

 

Ngay từ mùa giải đầu tiên vào năm 2002, cuộc thi tuyển tài năng âm nhạc Mỹ American Idol của hãng Fox đã gây tiếng vang lớn trên thị trường giải trí Mỹ. Đã có 22,8 triệu người theo dõi cuộc thi chung kết và 110 triệu lượt khán giả tham gia bình chọn trong toàn mùa giải.

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 8
 

Hiện nay, American Idol đã bước vào mùa giải thứ 7 và trở thành một trong những chương trình tuyển chọn tài năng âm nhạc được yêu thích nhất thế giới. Tuy nhiên, thật thú vị là chương trình thuộc loại “hiện tượng” trong ngành giải trí Mỹ này lại không thuộc sở hữu của người Mỹ, mà là của tập đoàn truyền thông Đức Bertelsmann.

 

French's Mustard

Chủ sở hữu hiện tại: Reckitt Benckiser

Quốc tịch: Anh-Hà Lan

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 9
 

French's Mustard đã trở thành loại gia vị không thể thiếu cho món hamburger, xúc xích và bánh mỳ kẹp của người Mỹ từ hơn một thế kỷ nay. Tuy nhiên, thương hiệu này hiện không thuộc sở hữu của người Mỹ, mà của tập đoàn Reckitt Benckiser quốc tịch Anh-Hà Lan.

 

Bia Miller

Chủ sở hữu hiện tại: SABMiller

Quốc tịch: Nam Phi

 

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 10
 

Budweiser không phải là hãng bia đầu tiên và duy nhất của Mỹ bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại. Trước đó, năm 2002, thương hiệu bia Miller của công ty Milwaukee đã bị tập đoàn đồ uống South African Breweries của Nam Phi mua lại để lập ra một trong những tập đoàn bia lớn nhất thế giới: SABMiller.

 

Rượu Wild Turkey

Chủ sở hữu hiện tại: Pernod Ricard

Quốc tịch: Pháp

Những thương hiệu nổi tiếng “tuột” khỏi tay người Mỹ - 11
  

Wild Turkey là loại rượu hầu như mọi người Mỹ đều uống trong dịp Lễ tạ ơn. Thương hiệu này ra đời từ năm 1789 tại Mỹ, nhưng đã bị tập đoàn Pernod Ricard mua lại vào năm 1980, và từ đó trở thành nhà sản xuất rượu lớn thứ hai thế giới, với các thương hiệu lừng danh như Chivas, Jameson, Glenlivet, Beefeater, Courvoisier...

 

Đặng Lê

Theo Business Week