Những "tay chơi" khét tiếng làng cây cảnh: Kẻ bán nhà, người từ bỏ siêu xe
(Dân trí) - Do quá đam mê cây cảnh, nhiều đại gia không ngần ngại bán cả nhà, từ bỏ thú chơi siêu xe để đầu tư, nhường chỗ cho "người tình" mới.
Nữ đại gia bỏ đam mê siêu xe
Cách đây khoảng 20 năm, chị Ngô Thị Thu (TP. Việt Trì, Phú Thọ) được biết đến là một trong những người đam mê siêu xe đắt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, từ ngày chồng chị đam mê cây cảnh thì chị cũng bỏ thú chơi siêu xe chuyển sang sưu tập những cây cảnh độc đáo và có giá trị cao.
Giới thiệu về tác phẩm "Duyên tùng" (tùng ta - tùng Việt Nam) mới mua từ Đà Lạt có tuổi đời hơn 300 năm, chị cho biết, chị đã phải âm thầm theo dõi nhiều năm mới mua được vì biết chủ cây không có ý định bán.
Chị Thu kể, từ ngày mang cây về vườn rất nhiều nghệ nhân trong nước đến chiêm ngưỡng. Họ rất khâm phục tài năng của những nghệ nhân tạo ra tác phẩm này. "Có một nghệ nhân người Nhật Bản đến ngắm cũng phải “ngả mũ” thán phục và cho biết, ngay cả ở Nhật cũng khó có một cây duyên tùng nào đẹp như vậy".
Để có được cây tùng quý hiếm này, chị Thu đã mất nhiều lần bay vào Bình Định hỏi mua. Thời điểm cách đây gần 10 năm, chị phải chi một số tiền bằng một căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh) để có được cây.
Bán nhà trên phố để sở hữu cây
Do quá mê mẩn cây tùng La Hán có dáng "ngạo nghễ" và hội tụ đủ 4 yếu tố: Cổ - kỳ - mỹ - văn, ông Thành không chút lăn tăn "xuống tay" bán cả căn nhà trên phố Lò Đúc để sở hữu cây tùng quý hiếm.
Ông Thành cho biết, lần đầu tiên tận mắt cây tùng La Hán hơn 300 năm tuổi, ông đã nghĩ rằng đây có thể là “nhân duyên” hiếm gặp trong cuộc đời và quyết tâm phải sở hữu bằng được cây quý này trong khu vườn. Bởi cây tùng La Hán này có cả 4 yếu tố của một cây cảnh quý hiếm đó là: Cổ - kỳ - mỹ - văn.
Để sở hữu được cây tùng La Hán quý hiếm này không phải là chuyện đơn giản. Chủ nhân cũ sở hữu “siêu cây” này cũng là một tay chơi có tiếng. Để thuyết phục người này bán cây ông đã phải tốn công đi lại trong hàng năm trời.
“Người ta quyết định trao lại cây tùng cho tôi không phải vì tiền mà vì nghĩa tình thì đúng hơn. Để sở hữu cây tùng này tôi đã bàn bạc với vợ bán căn nhà trên Lò Đúc. Rất may là vợ tôi đồng thuận. Giờ đã có được cây tùng này tôi sẽ không bán lại, kể cả có trả bao nhiêu tiền tôi cũng không bán” - ông Thành quả quyết.
Đổi ô tô lấy "người tình"
Nhìn thấy đã mê mẩn, anh Hưng (Quảng Ninh) đã gán chiếc ô tô đang đi và bán nhà để đủ tiền lấy một tác phẩm sanh. Sau 10 năm tạo tác, hiện cây sanh “Vân vũ quần tùng” có giá hàng tỷ đồng.
Dưới tán sanh cổ thụ, anh Hưng kể về quá trình mua cây từ 10 năm trước. "Lần đầu tôi sang thấy cây đã thích nhưng chủ nhân không bán. Lần thứ hai sang họ có ý định bán nhưng mình không đủ tiền đành gán lại chiếc ô tô đang đi và bán nhà để có đủ tiền mua cây. Tổng số tiền mua cây là 500 triệu đồng”, anh Hưng kể.
Thời điểm đó, cây sanh rất lớn, mỗi bên cành thò ra 2 - 3m, tán rộng 7 - 8m. Anh Hưng cùng một số anh em lên ý tưởng cho dáng cây và thực hiện đục, cắt bớt tay cành trong vòng một tháng rưỡi.
Sau 10 năm tạo tác, hiện tác phẩm đã gần như hoàn thiện, nhìn mê mẩn. Chủ nhân giải thích cái tên “Vân vũ quần tùng” bởi thân to, dáng trực, thân hoành bay có nét mềm mại. Thân bám trên một bệ đá rất vững chãi, người xem như cảm nhận như cây tùng cổ thụ đứng trên một ngọn núi cao, trên cao lại có mây, mưa, gió".