Những pha “chặt chém” đến khó tin khiến khách hàng “khóc dở, mếu dở”
(Dân trí) - Mới đây, một du khách đã “tố” một nhà hàng ở Quảng Ninh “chặt chém” 6 kg cua với giá 5 triệu đồng khiến cộng đồng dậy sóng.
Cụ thể, theo chia sẻ của anh Bùi Đức Minh, tối ngày 17/11, anh cùng đoàn ở Hưng Yên xuống Hạ Long và vào nhà hàng Hải Anh ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) để ăn tối. Đến lúc thanh toán, anh Đức cùng cả đoàn giật mình “tá hoả” khi hoá đơn cho 2 bàn ăn lên gần 12 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong số 9 món ăn mà đoàn anh gọi, một số món có giá cao bất thường như: 4,8 kg cá song với giá gần 3 triệu đồng; hơn 6 kg cua với giá gần 5 triệu đồng; 2 kg bề bề với giá gần 1,3 triệu đồng...
Bức xúc vì bị chặt chém, anh Minh đã làm đơn phản ánh gửi lãnh đạo phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Hiện Chính quyền sở tại đang phối hợp cùng đơn vị quản lý thị trường để làm việc với nhà hàng nhằm xác minh sự việc.
Theo quản lý nhà hàng Hải Anh, sau khi khách thắc mắc, nhà hàng đã giảm giá hoá đơn xuống 7,5 triệu đồng và khách đã đồng ý và thanh toán ra về.
“Than trời” với bữa ăn hải sản 85 triệu đồng
Hồi năm 2019, câu chuyện hóa đơn một bữa hải sản tới hơn 85 triệu đồng tại một nhà hàng ở Đà Nẵng cũng đã gây xôn xao trong cộng đồng mạng.
Cụ thể, một tài khoản Facebook có tên N.L.P đã chia sẻ hóa đơn thanh toán tiền một bữa ăn hải sản trị giá tới 85 triệu đồng tại nhà hàng ở Đà Nẵng.
Chủ tài khoản này than rằng, nhà hàng kia đã quá "chặt chém", ăn từng ấy món mà tới tận 85 triệu đồng thì quả thật là giá "trên trời".
Hình ảnh được tài khoản N.L.P chia sẻ cho thấy, đoàn khách này đã vào ăn tại một nhà hàng có tên M.H ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Theo hóa đơn, 5 kg tôm hùm loại 4,4 triệu đồng/kg, tổng là 22 triệu đồng; 2,6 kg tôm tít với giá 2,3 triệu đồng/kg, tổng gần 6 triệu đồng; 11,2 kg tôm tít loại lớn có giá 2,5 triệu đồng/kg, tổng 28 triệu đồng; 12 kg cá mú, giá 700.000 đồng/kg, tổng là 8,4 triệu đồng;10 mực ống, giá 250.000 đồng/kg. Ngoài ra, đoàn khách còn ăn nhiều món khác nghêu, gà, sò lông, thịt rang... với số lượng nhiều. Tổng số tiền phải trả cho bữa ăn là 85,3 triệu đồng.
Ngay sau khi được đăng tải, rất nhiều bình luận trái chiều đã nổ ra trên mạng xã hội về hóa đơn trên. Có người cho rằng hoá đơn toàn tôm hùm, hải sản, nhà hàng tính giá như vậy là khá hợp lý. Trong khi đó, một số người cho rằng có những món hải sản ở nhà hàng này đang tính giá đắt đỏ hơn so với mặt bằng chung.
Tuy nhiên, chủ nhà hàng cho biết, đoàn khách có khoảng 50 người, hầu hết là người Lào. Những món mà khách gọi đều có giá đắt đỏ nhất nhà hàng. “Nhưng chúng tôi bán đúng giá, có cân cho khách xem chứ không có gian lận gì cả”, chủ nhà hàng nói.
Thực tế, hiện tượng chặt chém không phải là hiếm. Không chỉ ở những món hải sản ở những nhà hàng sang trọng mà thậm chí ở những món ăn vặt, tưởng chừng như rất rẻ, “thượng đế” cũng phải “khóc dở, mếu dở” rút ví trả với giá trên trời.
“Sốc” vì bịch trái cây lắc bị “hét” giá 250.000 đồng
Mới đây, một bạn trẻ tên Quốc Thành đã chia sẻ về một “kỉ niệm nhớ đời” trong chuyến du lịch Hà Nội. Đó là lần đầu tiên, Thành đến Hà Nội du lịch nên địa điểm anh không thể bỏ qua chính là khu phố đi bộ sầm uất, đông đúc.
“Ở đây có rất nhiều điều mới lạ thu hút mình trong đó có những gánh hàng rong bán hoa quả. Họ có bán một số loại trái cây khá lạ mắt nên mình tò mò muốn mua thử. Như thói quen mua trái cây trong Sài Gòn, mình nói muốn lấy một bịch trái cây và vô tư… không hỏi giá. Kết quả mình nhận lại một bịch trái cây khá nhỏ, chỉ độ vài lạng gồm cóc, sấu, xoài, mã thầy… với giá 130.000 đồng”, Thành chia sẻ.
Bạn Ngọc Hương (TP.HCM) cũng thừa nhận đã “sốc” vì giá cả ở Hà Nội. “Cứ nghĩ như ở Sài Gòn, một bịch trái cây lắc thì mắc nhất cũng chỉ 20.000 đồng. Mình lựa lựa rồi bỏ trái cây vào bịch tính tiền. Người bán hàng cân rồi nói 250.000 đồng. Mình hú hồn, cầm bịch trái cây trên tay mà phát khóc luôn đó”, Hương cho biết.
“Ở Vũng Tàu, Sài Gòn, các tỉnh miền Tây… trái cây rất rẻ. Ở Hà Nội có thể trái cây ít hơn nhưng mình cũng nghĩ giá lại lên đến 100.000 - 200.000 đồng/bịch như vậy”, Bạn Quốc Anh (Vũng Tàu) cho hay.
Thực tế, câu chuyện “chặt chém” khách du lịch tại Hà Nội không hề mới.
Đánh giày bị “chém” 900.000 đồng/đôi ở phố cổ
Năm 2015, công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã triệu tập hai đối tượng sau khi báo chí đăng tải clip đánh giày trấn lột khách du lịch ở phố cổ Hà Nội.
Theo clip, đang tham quan phố cổ, chị Avy (một du khách đến từ Australia) giật nảy người vì một thanh niên nhỏ thó lao từ vỉa hè ra chộp lấy chân. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì người này đã dùng keo dán vào quai và đế dép của cô, sau đó đòi 900.000 đồng cho vài đường khâu.
Cách đó không xa, một du khách người NaUy cũng buộc phải trả 500.000 đồng cho một lượt đánh giày. Giá mỗi lượt đánh, sửa giày phụ thuộc vào thái độ của khách, nếu gặp người hiền lành, họ không ngại "chặt chém" từ 300.000 cho đến cả triệu đồng. Còn khách cương quyết mặc cả cũng phải trả không dưới 200.000 đồng.
Không chỉ người nước ngoài, ngay với người Việt khi sửa dép, đánh giày, nhóm này cũng thu ít nhất mỗi lần 100.000 đồng.
Mặc dù hiện nay, vấn nạn này đã cơ bản được dẹp. Song ám ảnh về những lần bị chặt chém có thể khiến du khách “một đi không trở lại”.
Đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến ngành du lịch. Khách du lịch không có, du khách trong nước cũng hạn chế nên nhiều nhà hàng buộc phải nâng giá để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, điều này là bất cập hại, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước và môi trường du lịch của Việt Nam.