Những ông chủ trẻ Việt ở Angola

Tại Angola (châu Phi) đang có nhiều ông chủ trẻ người Việt giàu có, dựng cơ nghiệp lớn và có sự ảnh hưởng tới cộng đồng. Họ biết làm giàu và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân bản địa.

Cường Viana (áo trắng) tại một công trình xây dựng ở bang Viana, Angola.
Cường Viana (áo trắng) tại một công trình xây dựng ở bang Viana, Angola. Ảnh: Phong Cầm

 

Paulo “da vàng”

 

Từ Thủ đô Luanda đến tỉnh Lubango (Angola) dài khoảng 1.000km. Đây là tỉnh có khá đông người Việt Nam sinh sống. Tại đây, có nhiều người Việt giàu có, nổi lên trong số đó phải kể đến Nguyễn Ngọc Ký, Tổng GĐ Cty Thương mại tổng hợp, công nghiệp xây dựng công trình nhà nước. Ở Lubango, mọi người gọi Ký là Paulo (người dân Angola nói tiếng Bồ Đào Nha). Giữa hàng trăm công nhân da đen, Paulo “da vàng” miệt mài hướng dẫn tỉ mỉ từng chi tiết một công trình vừa trúng thầu.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

Vì nói tiếng Bồ giỏi như người bản địa nên Ký khá thuận lợi trong việc giao tiếp với lãnh đạo tỉnh, cũng như các cơ quan chức năng. “Làm ăn ở Angola, nếu không biết tiếng Bồ thì chỉ có thể làm thuê chứ không làm ông chủ được”, Ký nói.

 

Hẹn gặp nhau ở đỉnh đèo Leba- một danh thắng nổi tiếng của Angola (hình ảnh con đèo này được in trên đồng tiền Angola). Ấn tượng đầu tiên về Ký là người dong dỏng cao, dáng vẻ thư sinh.

 

Qua trò chuyện, được biết Ký sinh năm 1984, quê Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Sau khi tốt nghiệp Đại học Quản lý Kinh doanh Hà Nội, có “máu” làm ăn, Ký quyết sang Angola lập nghiệp. Ban đầu, khi chưa giỏi tiếng bản địa, Ký làm đủ thứ việc.

 

Sau khi mở hiệu chụp ảnh thành công, tích cóp được ít vốn, Ký chuyển sang mở công ty xây dựng. “Ở Lubango, nhu cầu xây dựng rất lớn. Tuy nhiên, người dân nơi đây vừa không có tay nghề, vừa không có kỹ thuật. Nhờ liên tiếp trúng những gói thầu lớn nên tôi mới được như hôm nay”, Ký tâm sự.

 

Được biết, Ký đang tạo công ăn việc làm cho khoảng gần 100 lao động Việt Nam với mức lương từ 1.000 USD đến 1.500 USD (sau khi đã lo ăn, ở) và hàng trăm lao động người da đen bản địa với mức lương từ 250 đến 500 USD/người/tháng. Trần Phú, một lái xe cho biết, ở nơi xa xôi này, có việc làm và thu nhập ổn định là giấc mơ của nhiều lao động Việt Nam. Xa quê, xa gia đình với bao thiệt thòi, nhưng anh em lúc nào cũng đoàn kết, gắn bó.

 

“Dù quê tứ xứ, nhưng chúng tôi quý mến nhau như anh em. Đồng hương lỡ có chuyện gì, Ký luôn lo toan mọi thứ. Vì thế, ai cũng chú tâm vào công việc, gửi tiền về quê đều đặn hằng tháng để phụ giúp gia đình”, Phú kể.

 

Được biết, Ký vừa đưa vợ và con trai từ Việt Nam sang Angola. Điều Ký lo lắng nhất là làm sao có công việc ổn định để “nuôi quân”. Dù trẻ nhưng làm ăn uy tín, Ký luôn là người bạn của nhiều lãnh đạo tỉnh Lubango.

 

Hiện, Ký đang muốn mở rộng công ty vào lĩnh vực thương mại để đưa hàng hóa từ Việt Nam sang Angola qua đường thủy. Để “bắt mối” ở Việt Nam, Ký vừa mua căn biệt thự tại Khu đô thị Mỹ Đình-Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiện đi lại, buôn bán.

 

Vua nước ngọt Angola

 

Đến bang Viana (Thủ đô Luanda), chúng tôi ngỡ ngàng với chàng trai trẻ được mệnh danh “Vua nước ngọt Angola”. Với người Việt Nam ở xứ sở châu Phi này, ai cũng biết đến Cường Viana. Sở dĩ người ta gọi Cường là “vua nước ngọt” do công ty anh phân phối độc quyền về nước ngọt giải khát tại Angola.

 

Nhiều hãng nước ngọt lớn trên thế giới là đối tác tin cậy của Cường. Sau một thời gian dài tích cóp, để đầu tư lâu dài, Cường bỏ ra hàng triệu đô la mua đất, xây biệt thự cũng như làm điểm trung chuyển.

 

Trong khu đất rộng mênh mông tại bang Viana, bước qua cổng bảo vệ, hàng trăm chiếc xe tải cỡ lớn vào ra chở nước ngọt. Cường cho biết, các đại lý trong cả nước phải đến công ty để mua sản phẩm.

 

Sau đó vận chuyển về các tỉnh, thành phố trên khắp lãnh thổ Angola bán. “Không như nhiều người, khi đặt chân đến Angola, tôi xác định sẽ làm ăn lâu dài”, Cường tâm sự.

 

Trong tay có tài sản lên tới hàng triệu đô la, nhưng trông Cường lúc nào cũng giản dị. Hầu hết người thân, bạn bè tại thị xã Sơn Tây-Hà Nội (quê Cường) đều được bố trí công việc lâu dài với mức thu nhập ổn định trên 1.000 USD/tháng.

 

Hiện, Cường có hai khu đất tại Viana dùng để làm điểm tập kết nước ngọt và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 người Việt lẫn Angola. “Với khối tài sản hiện tại, nếu bán đi, Cường có thể thu về hàng chục triệu đô la”, Thành, một người bạn thân của Cường cho biết.

 

Kể về lớp doanh nghiệp chủ trẻ người Việt tại Angola, ông Đỗ Bá Khoa, Đại sứ Việt Nam tại Angola luôn tự hào. Đại sứ Khoa cũng là người bạn gần gũi của các ông chủ trẻ. Thi thoảng vào ngày nghỉ, đại sứ còn rủ Cường đi chơi golf.

 

“Người Việt tại Angola lúc nào cũng đoàn kết. Hễ có chuyện gì, mọi người thường xúm tay vào góp tiền, góp sức để cùng với Đại sứ quán xử lý công việc. Do có nhiều đóng góp cho Angola nên người dân nơi đây lúc nào cũng yêu quý công dân nước mình”, ông Khoa nói.

 

Theo số liệu chưa đầy đủ của Hội người Việt Nam tại Angola, có khoảng hơn 40 người Việt Nam là triệu phú đô la Mỹ; kinh doanh nhiều lĩnh vực: Xây dựng, bán nước ngọt, buôn bán xe máy, sửa chữa ô tô-xe máy, kinh doanh bất động sản...

 
Theo Phong Cầm
Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”