Tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn tại các tỉnh phía Nam:

Những ông chủ “lời ăn lỗ… chạy!” (Bài 1)

(Dân trí) - Theo nhận định từ cơ quan chức năng, 9 tháng đầu năm, trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh phía Nam lại rộ lên “phong trào” chủ doanh nghiệp (DN) mất tích khỏi trụ sở khiến hàng trăm công nhân rơi vào cảnh khốn đốn…

Không chỉ thế, cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng rơi vào tình trạng “khóc dở mếu dở” vì bị “thất thu” từ  khoản nợ của các doanh nghiệp này… Đáng nói, tình trạng này tồn tại đã lâu nhưng không có cơ chế giải quyết hữu hiệu, triệt để khiến CN mất hàng loạt quyền lợi chính đáng!

Chủ bỏ trốn khiến CN công ty D&D, Hóc Môn chờ nhiều đêm vẫn chưa đòi được lương
Chủ bỏ trốn khiến CN công ty D&D, Hóc Môn chờ nhiều đêm vẫn chưa đòi được lương

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Sợ doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường bán lẻ: “Lo bò trắng răng?”
* Cựu Thủ tướng Ukraine kêu gọi thanh toán nợ khí đốt cho Nga
* [VIDEO] Tài chính kinh doanh sáng 08/10/2014

* Giá vàng "mất sạch" phần tăng từ đầu năm đến nay do triển vọng kinh tế Mỹ

* Đề xuất áp thuế 10% với game Online, tăng thuế casino lên 35% 

Chủ “ngoại” chủ “nội” đều… trốn

Cho đến thời điểm này, vụ việc hơn 100 CN công ty TNHH Bách Hợp (số 391 An Dương Vương, quận 6, TPHCM) nháo nhác kéo nhau đi tìm giám đốc đòi lương BHXH vẫn chưa ổn. Lý do giám đốc là ông Harald Biebl (quốc tịch Áo) đã “biến mất” khỏi công ty cả tháng nay, trong khi đang nợ lương, BHXH của CN gần 2 tháng qua tính từ tháng 4 đến tháng 7 số tiền là 598 triệu đồng. Trong khi các CN cho rằng như thế có thể coi là giám đốc đã bỏ trốn thì các cơ quan chức năng vẫn loay hoay chưa biết phải xác định thế nào?

 Ở địa bàn tỉnh Bình Dương, giám đốc công ty TNHH Diễn Viên (Thị xã Thuận An) là ông Kim Jae Seon người Hàn Quốc cũng đã biến mất khỏi Việt Nam từ hơn 1 tháng qua đã khiến CN đứng ngồi không yên. Từ tháng 4/2013 công ty bắt đầu nợ BHXH, BHYT, tính đến ngày 28/8/2014, khoản nợ BHXH đã lên tới 13,4 tỉ đồng. Hiện số phận 1.815 cuốn sổ BHXH của CN đang bị “treo” và chưa biết cách giải quyết ra sao?

 Trong khi đó, dư âm vụ ông Lee Sang Soo, người Hàn Quốc, giám đốc công ty TNHH PIA Toàn Cầu, quận 12 bỏ trốn hồi đầu tháng 4 vừa qua để lại các khoản nợ lương của NLĐ hơn 2,4 tỷ đồng, nợ tiền thuê xưởng, máy móc 1 tỷ đồng, nợ BHXH khoảng 2,8 tỷ đồng vẫn chưa dứt. Dù các ông chủ “ngoại” đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng nhìn chung các vị đều có điểm tương đồng là khi làm ăn thua lỗ thì âm thầm gom góp để ‘hốt cú chót” rồi “vọt” về nước để lại hàng đống nợ nần.  

Sau khi chủ DN bỏ trốn cơ quan chức năng cũng chỉ biến hướng dẫn CN làm đơn… kiến nghị
Sau khi chủ DN bỏ trốn cơ quan chức năng cũng chỉ biến hướng dẫn CN làm đơn… kiến nghị

 Không chỉ là các ông chủ “ngoại” làm ăn thua lỗ phải tháo chạy về nước, mà thời gian gần đây xuất hiện nhiều ông chủ “nội” người Việt Nam cũng bỏ trốn khỏi công ty. Cách đây mới chỉ vài ngày, 153 CN công ty TNHH SMY Việt Nam (28/12 Dương Công Khi, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM) phải nháo nhác đi tìm giám đốc là bà Nguyễn Thị Như Ý để đòi lương. Lý do là đúng vào ngày hẹn trả lương bà Ý đã “biến mất” trong khi đang nợ hơn 600 triệu đồng tiền lương của CN. Một vụ tương tự tại Bình Tân khi những ngày qua hơn 100 CN công ty TNHH Kiên Tường (số 207/60 Hồ Học Lãm, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM) cũng tất tả đi tìm vợ chồng giám đốc bà Lâm Thị Hạnh ông Nguyễn Tự Trị, thường gọi là Oliver (Quốc tịch Đức) để đòi lương và BHXH với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng…

 Chưa hết, đến thời điểm này gần 70 CN Công ty TNHH May mặc D&D (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) vẫn phải thay phiên nhau canh giữ tài sản tại công ty vì giám đốc là bà Lê Đào Mộng Trinh đã bỏ trốn khỏi đây, CN gọi điện, liên lạc không được nên đổ xô đi tìm và mời chính quyền đến phân xử.

 Hay mới đây tại quận Bình Tân, hơn 60 CN xưởng sản xuất may mặc công ty TNHH MTV Zoinus (ĐC: 129-131 Vành Đai Trong, Q.Bình Tân, TPHCM) cũng rơi vào tình cảnh giám đốc là bà Nguyễn Thị Thảo đột ngột “biến mất”, mang theo tiền lương tháng 8 và 9/2014, CN túa ra đi tìm nhiều ngày qua vị giám đốc vẫn “bặt vô âm tín”. Và cũng như những vụ chủ bỏ trốn khác, bao giờ người gánh chịu hậu quả đầu tiên cũng là người lao động…

Thiệt hại công nhân…. gánh (!?)

Có một điểm chung là tất cả các vụ chủ DN bỏ trốn đều liên quan đến nợ nần, từ tiền lương, BHXH của CN đến nợ đối tác, thuê xưởng… Khi vụ việc chủ DN bỏ trốn xảy ra, thiệt hại đầu tiên luôn thuộc về CN. Họ bị mất tiền lương khi các ông chủ có âm mưu “hốt cú chót” trước khi bỏ trốn. Ngoài ra, một thiệt hại nữa là việc lấy lại sổ BHXH vô cùng khó khăn, nhiều trường hợp bị mất trộm sổ, bị hư hỏng, mất thời gian tham gia vì chủ DN không đóng BHXH. Chưa hết việc chốt sổ cũng mất khá nhiều thời gian và để có đủ điều kiện đăng ký trợ cấp thất nghiệp rất nan giải…

Sau khi chủ DN bỏ trốn cơ quan chức năng cũng chỉ biến hướng dẫn CN làm đơn… kiến nghị
Ông chủ người Hàn Quốc của công ty TNHH Diễn Viên, Bình Dương bỏ trốn khiến 1815 cuốn sổ BHXH của CN bị “treo”

Không chỉ CN, nhiều thành phần khác cũng gánh chịu thiệt hại và trách nhiệm khi có chủ DN bỏ trốn. Như người cho thuê nhà xưởng, đối tác, các cơ quan chức năng địa phương... Ví dụ, khi tổng giám đốc công ty TNHH dệt len Magnicon (100% vốn Đài Loan, chuyên dệt len xuất khẩu ở P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) bỏ trốn. Công ty bị niêm phong suốt 4 năm và UBND Q.12 phải thuê một công ty bảo vệ với chi phí lên đến 24 triệu đồng/tháng.

Mặc dù câu chuyện chủ DN bỏ trốn gây thiệt hại cho rất nhiều đối tượng như vậy diễn ra liên tục đã nhiều năm qua. Nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ chế, quy trình giải quyết cụ thể. Tất cả đều tùy cơ úng biến theo kiểu “mạnh ai nấy làm” và không có vụ nào giống vụ nào. Rốt cuộc chỉ có CN là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất…

 
Việt Khuê - Phạm Thọ
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”