Những niềm tự hào "phơi nắng" xuyên thế kỷ
(Dân trí) - Khác với mong ước về cảnh buôn bán sầm uất khi lập dự án, các khu chợ, trung tâm thương mại tại ĐBSCL hiện đang lâm vào cảnh "sống dở chết dở", gây lãng phí tiền tỷ.
Chợ An Lạc được xây dựng tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ nhằm mục đích chia sẻ tình trạng quá tải của một số chợ liền kề như chợ Tân An, Xuân Khánh. Chợ được xây dựng rất khang trang trên diện tích hơn 3.000 m2, tổng mức đầu tư trên 2 tỉ đồng với 100 lô, sạp.
Nằm ở vị trí "trên bến dưới thuyền" nhưng sau 3 năm đi vào hoạt động, tình hình buôn bán ở chợ An Lạc chẳng mấy sáng sủa. Từ 100 lô, sạp buôn bán đến nay chỉ còn lác đác khoảng 10 tiểu thương "cầm cự" qua ngày.
Nhiều tiểu thương ngán ngẩm cho biết: "Để có được một chân bán trong sạp họ phải bỏ ra 20 triệu đồng để đăng ký nhưng nay ế ẩm chẳng biết phải làm gì". Để cứu chợ, nhiều lần địa phương đã vận động tiểu thương rầm rộ vào buôn bán nhưng chỉ sống được một vài ngày vì ế khách.
Trước đây khu vực chợ An Lạc là một xưởng cưa nhưng do quy hoạch để "rào trước đón sau" của các ngành chức năng với hy vọng sớm dời bến tàu Ninh Kiều về khu vực chợ sẽ xôm tụ. Nhưng mọi việc vẫn không diễn ra, bến tàu Ninh Kiều vẫn nằm ở chỗ cũ.
Bi đát hơn chợ An Lạc là khu Trung tâm Thương mại Đông Bình, thuộc xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Suy tính trong tương lai sẽ trở thành khu đô thị sầm uất, chính quyền nơi đây bàn giao đất cho một số nhà đầu tư tiến hành dựng lên trung tâm thương mại và khu dân cư hoành tráng nhưng có rất ít hộ dân vào sinh sống và buôn bán.
Chúng tôi đến Trung tâm Thương mại Đông Bình, chứng kiến cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Dù nơi đây đã hoạt động hơn một năm nhưng chỉ có 7 trong tổng số 60 lô đang buôn bán cầm chừng.
Chị Bùi Thị Minh Thùy hiện đang bán ở trung tâm than vãn: "Thấy nơi đây được xây dựng bề thế, kiên cố sạch sẽ nghĩ thế nào cũng đông khách nên tôi mới vào đây để bán. Chỉ riêng tiền thuê lô đã lên tới 50 triệu đồng (nộp trước 50%), nào ngờ có sự ế ẩm thế này".
Một tiểu thương ở lô 37 chán nản nói: "Lỡ vào đây rồi thì biết làm sao, nếu bỏ không bán thì coi như mất toi vài chục triệu. Bán mỗi ngày chưa tới trăm ngàn thì sao sống”.
Do quá ế ẩm nên khoảng 14 - 15h hàng ngày là mạnh ai nấy đóng cửa ra về. Ngoài ra còn có vài tiểu thương bỏ tiền thuê lô với giá 30 - 50 triệu đồng/lô (tuỳ vị trí) nhưng buôn bán không được nên đóng cửa… chờ thời.
Các tiểu thương cho rằng Trung tâm thương mại Đông Bình nằm quá gần chợ huyện Bình Minh và chợ xã Đông Bình trong khi dân cư còn thưa thớt nên vắng cả người bán lẫn người mua. Hoạt động hơn một năm nhưng trung tâm thương mại bề thế này không điện, không nước và không nhà vệ sinh...
| |
Siêu thị Bạc Liêu sau mười năm xây dựng chưa xong. |
Siêu thị Bạc Liêu nằm giữa khu đất vàng thuộc trung tâm TX Bạc Liêu, được bao bọc bởi các con đường Bà Triệu, Hòa Bình, Trần Phú, Võ Thị Sáu. Tuy nhiên sau hơn 10 năm xây dựng, đến nay siêu thị này vẫn là một khối bê tông đen sì, bỏ hoảng, cỏ mọc um tùm và là bãi đáp của các đối tượng tệ nạn xã hội, gây bức xúc cho người dân.
Năm 1996, khi còn là tỉnh Minh Hải, thị xã Bạc Liêu đã ký hợp đồng với Công ty Thái Dương (TPHCM) xây dựng Trung tâm Thương mại với diện tích 1,4 ha bằng hình thức "đổi đất lấy hạ tầng".
Theo hợp đồng, công ty Thái Dương sẽ xây dựng cho thị xã Bạc Liêu một siêu thị 3 tầng và các công trình khác với giá trị 29 tỷ đồng tọa lạc tai địa điểm nêu trên. Tuy nhiên, siêu thị chỉ xây dựng được khoảng 60% còn từ 2004 đến nay phải tạm ngưng thi công…
Lệ Thủy