1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhùng nhằng khoản tiền bán đất 507 tỷ đồng: Vinatex “cầu cứu” Thủ tướng

(Dân trí) - Vinatex vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc sử dụng 507 tỷ đồng thu được từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất của khu đất Công ty Dệt 8/3 và Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) sau di dời.

Vinatex muốn dùng tiền bán đất mở rộng đầu tư.
Vinatex muốn dùng tiền bán đất mở rộng đầu tư.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc thực hiện đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 963.

Tại công văn nói trên, Bộ Tài chính yêu cầu Vinatex tổ chức thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính tại Kết luận thanh tra Vinatex đưa ra trước đó. Tuy nhiên Vinatex cho biết, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Một trong các nội dung được đưa ra đó là việc xác định thời điểm hạch toán tăng vốn đầu tư từ nguồn tiền chuyển mục đích sử dụng đất (hơn 507 tỷ đồng) được Bộ Tài chính cấp cho Vinatex và các đơn vị thực hiện di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Hà Nội.

Theo Vinatex, 507 tỷ đồng nói trên là khoản tiền thu được từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất của khu đất do Công ty Dệt 8/3 và Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex), được Chính phủ cho phép Vinatex, 8/3 và Hanosimex dùng để xây dựng dự án trọng điểm và dự án nhà máy tại địa điểm mới khi thực hiện di dời.

Số tiền cũng đã được cấp phát cho các đơn vị để mở L/C nhập máy móc, thiết bị và xây dựng cơ bản, các dự án này đều trong đang trong quá trình đầu tư, chưa đưa vào sử dụng.

Vinatex khẳng định việc di dời nhà máy là chủ trương của Chính phủ, TP Hà Nội do đó Hanosimex và Dệt 8/3 phải dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh và xây dựng tại địa chỉ mới.

Do khác địa bàn nên phần lớn lao động đang làm việc xin nghỉ và phải tuyển dụng, đào tạo mới. Đồng thời phải thực hiện đầu tư nên Công ty cần thời gian khôi phục lại toàn bộ năng lực sản xuất, thị trường và khách hàng.

Hơn nữa theo Vinatex, nguồn tiền chuyển mục đích sử dụng đất được cấp để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Vinatex là khoản đặc thù phục vụ cho việc di dời, được Thủ tướng cho phép để lại cho doanh nghiệp di dời nhằm đầu tư tái tạo cơ sở sản xuất mới nên khác với nguồn vốn cấp phát cho dự án đầu tư từ ngân sách.

Do vậy việc tăng vốn ngân sách nhà nước khi mới cấp phát từ Kho bạc để thực hiện dự án ngay sau khi dự án bắt đầu triển khai sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ di dời và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu ngày 8/1/2015, các cổ đông Vinatex đã thông qua “Điều lệ tổ chức và hoạt động Tập đoàn Dệt may Việt Nam hoạt động theo loại hình công ty cổ phần”, trong đó thống nhất nội dung: “tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất khi quyết toán dự án đầu tư hoàn thành”.

Đối với vướng mắc này, Vinatex đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình và Tổng Thanh tra Chính phủ để giải trình và đề xuất, kiến nghị để Vinatex cùng các đơn vị di dời được xác định thời điểm hạch toán tăng vốn nhà nước khi công trình đưa vào sử dụng.

Cũng theo Vinatex, tại thời điểm các đơn vị của Vinatex thực hiện di dời, chưa có quy định cụ thể về xác định thời điểm hạch toán tăng vốn đầu tư từ nguồn tiền chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện di dời tại các công ty cổ phần.

Do vậy, Vinatex kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho Vinatex và các đơn vị dời việc hạch toán tăng vốn nhà nước tại thời điểm công trình hoàn thành, cụ thể là thời điểm cuối năm 2017.

Trước đó, Vinatex từng “phản pháo” kết luận Thanh tra Chính phủ liên quan tới khoản tiền 507 tỷ đồng nói trên.

Theo đó, Vinatex bày tỏ không đồng tình với kết quả thanh tra khi xác định Bộ Tài chính cấp cho tập đoàn 507 tỷ đồng vốn nhà nước. Điều này theo Vinatex là chưa chính xác, thực chất đây là khoản tiền tập đoàn này thu được từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất của khu đất Công ty Dệt 8/3 và Hanosimex tại Hà Nội.

Nguyễn Khánh

Nhùng nhằng khoản tiền bán đất 507 tỷ đồng: Vinatex “cầu cứu” Thủ tướng - 2