Những lời hứa suông ở Thung lũng Silicon
(Dân trí) - Lần đầu tiên, nhân viên công nghệ nhận ra lời hứa về việc làm lâu dài, lương cao, nhiều phúc lợi của các công ty không vững chắc như họ nghĩ.
Đã có nhiều đổi mới ở Thung lũng Silicon trong thập kỷ qua, nhưng đối với những người khao khát làm việc trong ngành công nghệ, điều biến đổi lớn nhất có thể là cách nơi đây tuyển dụng.
Theo Bloomberg, nhiều công ty tại Thung lũng Silicon đang có xu hướng tuyển thực tập sinh mới và loại bỏ các kỹ sư phần mềm được trả lương cao. Thông thường, sau khi thực tập sinh đó tốt nghiệp đại học hoặc kết thúc thời gian thực tập, các công ty sẽ đưa ra đề nghị tuyển dụng chính thức.
Dylan Castillo (21 tuổi) đã thực tập tại Alphabet (công ty mẹ Google), Meta (công ty mẹ Facebook), Figma, Stripe và tốt nghiệp Đại học Cornell vào tháng 5 với bằng khoa học máy tính. Tháng 11 năm ngoái, Alphabet cho biết anh đủ tiêu chuẩn làm nhân viên toàn thời gian.
Tuy nhiên, vài tháng kể từ đó, Alphabet liên tục trì hoãn việc tuyển Castillo. Đầu năm nay, họ chỉ nhắn rằng "Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn sau". Cuối cùng, đến tháng 3, một vài tuần sau khi sa thải 12.000 nhân viên, Alphabet hủy bỏ lời đề nghị tuyển dụng Castillo.
Anh không sốc khi biết Alphabet thất hứa nhưng dù sao anh cũng đủ giỏi để trở thành nhân viên của họ. Anh chỉ đơn giản là không may mắn khi ra trường vào thời điểm làn sóng sa thải hàng loạt trong ngành công nghệ lan rộng.
Sự bùng nổ tuyển dụng kéo dài hàng thập kỷ đã đảo ngược tại Thung lũng Silicon. Mất việc luôn là một phần của ngành công nghệ nhưng thường liên quan đến các startup thất bại.
"Trước đây, chỉ cần biết viết mã cơ bản, bạn đã có thể nhận được mức lương 6 con số tại một loạt công ty. Còn bây giờ, các vị trí tuyển mới hầu như rất ít", CEO của một startup chia sẻ với Bloomberg.
Hơn 200.000 nhân viên ngành công nghệ đã bị sa thải trong năm nay, theo trang web theo dõi cắt giảm việc làm Layoffs.fyi. Trong đó, hơn 80.000 người đã mất việc chỉ trong tháng 1.
Có lẽ đây là lần đầu tiên nhân viên công nghệ nhận ra lời hứa về việc làm lâu dài, lương cao, nhiều phúc lợi của các công ty không vững chắc như họ nghĩ.
Castillo nhập cư từ Venezuela năm 13 tuổi và chọn học công nghệ phần mềm vì không đủ tiền học trường luật. Một số người bạn của anh đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và tỏ ra sợ hãi. Về phần mình, Castillo đã được nhận vào Figma và dự định bắt đầu vào tháng 8 tới.
Đồng nghiệp của Castillo cho biết họ chấp nhận nhiều hơn một lời đề nghị tuyển dụng để chắc chắn rằng mình sẽ có việc. Ngoài ra, họ cũng cân nhắc công việc lập trình kém hấp dẫn hơn trong những lĩnh vực phi công nghệ như tài chính và chăm sóc sức khỏe.
Không chỉ vậy, họ còn hướng đến AI (trí tuệ nhân tạo), lĩnh vực đang tạo ra nhiều sức hút tại Thung lũng Silicon. Hiện mức lương trung bình cho một kỹ sư phần mềm cao cấp chuyên về AI hoặc máy học cao hơn 12% so với mức lương của một người không chuyên về lĩnh vực này.
Bất chấp việc mức lương của nhân viên công nghệ chững lại hoặc thậm chí giảm trong năm qua, lương của những vị trí liên quan đến AI lại tăng 4%. Trong thế giới khởi nghiệp, nơi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm phần lớn đang cạn kiệt và nhiều startup cắt giảm nhân sự để tồn tại, nhà đầu tư vẫn quan tâm đến những công ty cung cấp bất kỳ thứ gì liên quan đến AI.
Tại các công ty công nghệ lớn, người lao động đảm nhiệm dự án AI được đánh giá là đang ở vùng an toàn, ít nhất là trong ngắn hạn. Mặt khác, một chuyên gia cho biết AI có rất nhiều tiềm năng nhưng cũng có khả năng đe dọa việc làm của con người trong tương lai.
Ở nhiều công ty, người đầu tiên ra đi là nhân viên của phòng tuyển dụng do công việc của họ chỉ có ý nghĩa khi công ty còn tuyển người. Bên cạnh đó, nhân viên bán hàng cũng là đối tượng dễ bị sa thải hơn vì rất dễ đánh giá hiệu suất của họ.
Một nhóm khác cũng dễ bị chấm dứt hợp đồng lao động là những người tham gia các dự án thử nghiệm chưa phải hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.
Việc thích nghi với kỷ nguyên mới có thể khó khăn với những người đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp trong thời kỳ bùng nổ của Thung lũng Silicon. Eric Bahn, người từng là giám đốc sản phẩm của Facebook vào giữa những năm 2010, nhớ lại thời hoàng kim tại gã khổng lồ mạng xã hội này.
Ông cùng nhiều đồng nghiệp đã sống xa hoa nhờ khoản lương hậu hĩnh và cổ phiếu thưởng. Việc quen với mức sống đó vô tình khiến họ khó thích nghi hơn với hoàn cảnh hiện tại.
"Một trong những người bạn của tôi yêu cầu mức lương tối thiểu là 600.000 USD/năm vì không thể sống được với thu nhập dưới 400.000 USD/năm", Bahn nói với Bloomberg.