Những điều thú vị về Greenland, "miếng bánh" ông Trump đòi mua bằng được
(Dân trí) - Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, đang là tâm điểm trong chiến lược địa chính trị của Tổng thống Donald Trump không chỉ vì vị trí đặc biệt mà còn vì nguồn tài nguyên hiếm có và tiềm năng hàng hải.
"Giấc mơ Greenland" của Tổng thống Donald Trump
Năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã nêu ý tưởng Mỹ mua lại Greenland. Thời điểm đó, hầu hết người dân ở Greenland và Đan Mạch đều nghĩ đề xuất của ông là trò đùa. "Mọi người đều nói "ha ha, đó là điều không thể, ông ấy không có ý như vậy đâu'", một người Greenland bản địa, cho biết. "Nhưng rõ ràng chúng ta đã nhầm. Hãy nhìn vào những gì chúng ta thấy hôm nay".
Giờ đây, Tổng thống đắc cử Trump liên tục nêu ý tưởng Mỹ cần sáp nhập Greenland để đảm bảo an ninh. Những bình luận công khai vài tuần qua cho thấy ông Trump có vẻ hoàn toàn nghiêm túc với ý tưởng này, phớt lờ việc các lãnh đạo Greenland và Đan Mạch đã khẳng định rõ ràng rằng hòn đảo không phải để bán và tương lai của nó phải do người dân địa phương quyết định.
"Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cảm thấy quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết", Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội hồi cuối tháng 12 năm ngoái, khi thông báo về nhân sự đề cử cho vị trí đại sứ Mỹ tại Đan Mạch.
Một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan tâm của Tổng thống Trump đối với Greenland đang tăng lên là việc con trai ông, Donald Trump Jr., bất ngờ tới thăm hòn đảo. Con trai Tổng thống Trump cho biết đây là chuyến đi cá nhân, không mang tính chính thức, nhưng Tổng thống đắc cử đã đăng bài về con trai mình với thông điệp "Làm Greenland vĩ đại trở lại".
Không dừng lại ở đó, Tổng thống Trump cũng hé lộ tham vọng lớn hơn trong tương lai, bao gồm sáp nhập Canada, giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và thậm chí đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.
Tiềm năng kinh tế "khổng lồ" của hòn đảo lớn nhất thế giới
Tổng thống đắc cử Mỹ cho rằng việc sở hữu Greenland có ý nghĩa quan trọng với an ninh Mỹ. Song theo Klaus Dodds, Giáo sư địa chính trị tại Royal Holloway, Đại học London, tiềm năng kinh tế "khổng lồ" của hòn đảo này, đặc biệt là các mỏ tài nguyên thiên nhiên phong phú là điều hấp dẫn Tổng thống đắc cử Mỹ hơn cả.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm gần lục địa Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Đảo có diện tích khoảng 2,16 triệu km2, gấp hơn 3 lần bang Texas và có dân số khoảng 57.000 người.
Với vị trí chiến lược, Greenland là cửa ngõ quan trọng dẫn đến Bắc Cực - khu vực ngày càng có ý nghĩa đối với các quốc gia lớn khi băng tan mở ra nhiều cơ hội kinh tế và quân sự mới. Hòn đảo này đặc biệt quan trọng trong đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga, theo ông Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch.
Tuyến đường ngắn nhất từ Mỹ đến châu Âu cũng chạy qua Greenland, khiến nơi đây trở thành mắt xích không thể thiếu trong bất kỳ kế hoạch kiểm soát nào của Washington.
Cựu cố vấn an ninh John Bolton khẳng định Greenland không chỉ là một địa điểm chiến lược mà còn là biểu tượng của sự hiện diện bền vững của Mỹ ở khu vực Bắc Cực.
"Mỹ muốn đảm bảo rằng không có cường quốc thù địch nào kiểm soát Greenland, vì nó có thể trở thành bàn đạp để tấn công Mỹ", Pram Gad nói với CNN.
Vị trí và cảnh quan của Greenland khiến nó trở nên hấp dẫn đối với Tổng thống Trump ở nhiều mức độ. Greenland có vị trí chiến lược, nằm ở phía đông Canada và là nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Hòn đảo có nhiều tài nguyên khoáng sản như coban, đồng và niken.
Khi biến đổi khí hậu làm tan băng, nó mở ra những tuyến hàng hải mới qua vùng Bắc Cực, nơi đang trở thành khu vực cạnh tranh giữa các cường quốc về vận tải, năng lượng, các tài nguyên thiên nhiên, cũng như hoạt động quân sự.
Kho tài nguyên bên dưới lớp băng
Biến đổi khí hậu đã làm tăng thêm giá trị kinh tế của hòn đảo. Các sông băng đang tan chảy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, đồng, niken, than chì, lithium và đất hiếm - những nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất xe điện, năng lượng tái tạo và thiết bị quân sự.
Một khảo sát năm 2023 cho thấy Greenland sở hữu 25 trong số 34 khoáng sản được Liên minh châu Âu coi là nguyên liệu thô quan trọng. Năm ngoái, chính phủ Đan Mạch cũng công bố báo cáo khẳng định Greenland có điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ quặng giàu khoáng sản thô. Tuy nhiên, phần lớn những nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khám phá.
Economist cũng nhấn mạnh vai trò của Greenland trong chiến lược giảm phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc. Hiện nay Bắc Kinh kiểm soát phần lớn nguồn cung đất hiếm toàn cầu, và việc Greenland sở hữu một trữ lượng đáng kể tạo cơ hội để Mỹ thay đổi cục diện này.
Cũng có ý kiến cho rằng băng tan giúp hoạt động khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông Phillip Steinberg, Giáo sư địa lý tại Đại học Durham, phủ nhận điều này, ông nhấn mạnh biến đổi khí hậu khiến tài nguyên tại Greenland trở nên quý giá hơn, thay vì dễ tiếp cận hơn.
Tuyến đường hàng hải quan trọng
Greenland còn mang giá trị kinh tế lớn trong lĩnh vực hàng hải, khi tuyến vận tải biển Northwest Passage chạy dọc bờ biển đảo này, nằm trong khu vực chiến lược Greenland - Iceland - Anh.
Băng tan càng làm tuyến đường ngắn và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, tuyến biển Bắc Cực từ Tây Âu đến Đông Á rút ngắn khoảng 40% quãng đường so với đi qua kênh đào Suez. Hội đồng Bắc Cực cho biết vận tải qua khu vực này tăng 37% trong thập kỷ qua, một phần nhờ hiện tượng băng tan.
Theo giáo sư Klaus Dodds, điều kiện di chuyển quanh Greenland vẫn đầy nguy hiểm nhưng Tổng thống Trump vẫn nhận ra được các cơ hội giao thông khi băng tan.
Tháng 11/2024, Trung Quốc thể hiện sự quan tâm lớn đến các tuyến hàng hải mới qua Bắc Cực và quyết định hợp tác với Nga để phát triển khu vực này.
Ông Robert O'Brien, một trong những cố vấn an ninh quốc gia trước đây của ông Trump nói rằng Tổng thống đắc cử nhiều lần gọi biến đổi khí hậu là "trò lừa bịp", nhưng hậu quả của nó lại là một trong những lý do khiến ông muốn biến Greenland thành lãnh thổ thuộc Mỹ.
"Greenland là một xa lộ từ Bắc Cực đến Bắc Mỹ và Mỹ. Bắc Cực sẽ trở thành chiến trường chiến lược quan trọng trong tương lai vì khi khí hậu ấm lên, khu vực này trở thành con đường giúp cắt giảm sử dụng Kênh đào Panama", ông O'Brien chia sẻ với Fox News.
Giấc mơ của Tổng thống Donald Trump có khả thi?
Dù sở hữu tiềm năng lớn, Greenland vẫn đang "ngủ yên".
Hòn đảo hiện bị cấm khai thác dầu khí vì lý do môi trường, trong khi ngành khai khoáng bị cản trở bởi các thủ tục hành chính và sự phản đối từ người dân bản địa.
Kinh tế Greenland hiện phụ thuộc vào ngành đánh bắt cá, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu. Họ đang tìm cách thúc đẩy độc lập bằng cách đa dạng hóa nền kinh tế khỏi ngành khai thác hải sản.
Greenland đã mở một sân bay mới ở thủ phủ Nuuk vào tháng 11 năm ngoái như một phần của kế hoạch phát triển du lịch. Nhưng họ vẫn phụ thuộc vào khoản trợ cấp hàng năm chưa đến 1 tỷ USD từ Đan Mạch.
Theo giáo sư Dodds, tình huống này đặt ra một câu hỏi thú vị. "Greenland sẽ làm gì nếu Tổng thống Trump đề nghị trợ cấp 1 tỷ USD mỗi năm để có một liên kết khác với Mỹ?".
Viễn cảnh Greenland có mối liên kết đặc biệt với Mỹ - tương tự thỏa thuận giữa Washington với Quần đảo Marshall - đang được một số chính trị gia Greenland cân nhắc.
Nếu điều này xảy ra, Greenland vẫn sẽ giữ chủ quyền, nhưng đồng thời cũng được Mỹ hỗ trợ tài chính để đổi lấy các thỏa thuận liên quan đến lợi ích chiến lược cho Washington.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Greenland Kleist-Johannesen, tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của ý tưởng này. Đồng thời, nhiều lãnh đạo của Đan Mạch và Greenland cũng phản đối mạnh mẽ ý tưởng mua bán hòn đảo Bắc Cực này của Tổng thống Trump.
Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Trump có quyết tâm theo đuổi tham vọng Greenland hay không khi nhậm chức. "Đó có thể là lời khoe khoang, một đòn bẩy đàm phán, hoặc là ý định thực sự", ông Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch nhận định trong báo cáo.
Dù vậy, tham vọng này đã làm rõ một điều rằng Bắc Cực đang trở thành chiến trường chiến lược mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh quyền lực toàn cầu.
Mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của Greenland, cả Đan Mạch và Greenland đều kiên quyết từ chối ý tưởng này. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi ý tưởng mua Greenland là "vô lý", khẳng định hòn đảo này không phải để bán.
Lãnh đạo Greenland Mute Egede cũng tuyên bố: "Greenland không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán".
Tuy nhiên, tình hình nội bộ của Greenland lại đang có những biến chuyển đáng chú ý. Chính quyền Greenland do người Inuit lãnh đạo gần đây đã đẩy mạnh các nỗ lực giành độc lập khỏi Đan Mạch.
Thêm vào đó, bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến Greenland sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức quốc tế và dư luận toàn cầu. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho Tổng thống Trump trong việc hiện thực hóa giấc mơ mua lại hòn đảo này.