Những điều ít biết về "nữ tướng" đầu tiên của Fed
(Dân trí) - Với việc được Tổng thống Mỹ Obama lựa chọn, bà Janet Yellen sẽ trở thành "nữ tướng" đầu tiên trong lịch sử Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ ngày 1/1/2014. Ít ai biết rằng trước đây bà chỉ được coi là phụ tá cho người chồng đoạt giải Nobel kinh tế.
1. Một người phụ nữ giàu có
Bà Yellen và chồng mình, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel George Akerlof sở hữu một loạt cổ phiếu của các công ty lớn và các quỹ đầu tư thông qua một quỹ tín thác. Ngoài ra họ cũng có chung thú vui sưu tập tem. Theo bản công khai tài chính của bà Yellen năm 2012, tài sản của gia đình họ trị giá từ khoảng 4 - 13 triệu USD. Trong đó bộ sưu tập tem được định giá ở mức 15.000 - 50.000 USD.
Các loại cổ phiếu vợ chồng họ nắm giữ gồm có hãng năng lượng Conoco Phillips, DirecTV Group, E.I. DuPont, Pfizer, Office Max và Raytheon. Thông qua đại học California, họ cũng gửi tiền nghỉ hưu vào các quỹ đầu tư trái phiếu, cổ phiếu và hợp đồng bảo hiểm.
Trong năm ngoái, với tư cách phó chủ tịch Fed, bà được nhận thù lao 179.700 USD. Năm tới, khi đã ngồi ghế chủ tịch, bà sẽ được nhận 199.700 USD. Bên cạnh đó, cả hai chuyên gia kinh tế này đều được hưởng trợ cấp từ đại học California.
2. Một nhà dự báo xuất sắc
Trong vòng gần 12 năm kể từ khi bà Yellen bày tỏ quan điểm của mình trong các tuyên bố và buổi họp bàn về chính sách, cũng như các dự báo kinh tế, Yellen đã có một tỷ lệ dự báo chính xác cao.
Từ những thiệt hại mà bong bóng bất động sản tại Mỹ sẽ gây ra cho nền kinh tế nước này, tới các bước Fed cần thực hiện để ngăn chặn Đại suy thoái, Yellen thường là người phán đoán chính xác tương lai hơn những người khác. Các biên bản họp bàn chính sách của Fed dã khẳng định điều này.
Một ví dụ đó là: tháng 12/2007, trong khi dự báo chính thức của Fed cho rằng kinh tế tiếp tục tăng trưởng, bà Yellen lại không đồng tình. Biên bản cho thấy bà đã hối thúc các đồng nghiệp phải có động thái mạnh mẽ bất thường để phòng khả năng kinh tế đi xuống.
Thế nhưng ý kiến của bà không được lắng nghe, và Fed chỉ hạ lãi suất cơ bản 0,25%, thay vì 0,5% như bà Yellen đề xuất. “Bất kỳ tin tức xấu nào có thể đẩy chúng ta tới miệng vực, và khả năng nhận tin xấu đó, cụ thể là một cuộc căng thẳng tín dụng lớn không hề ở xa”, Yellen tranh luận.
Cuối cùng, đến tháng 12/2007, tin xấu đó đã tới khi cuộc Đại suy thoái bắt đầu. Chưa đầy một năm sau, hệ thống tài chính Mỹ rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất trong 70 năm gần đây.
3. Một người trầm lặng và quyết đoán
Theo các cựu học sinh và đồng nghiệp của Janet Yellen, thì vị giáo sư kinh tế học của đại học California là một người nhút nhát, trầm lặng bên ngoài lớp học. Nhưng khi trong lớp bà là một người mạnh mẽ và trực diện khi đưa ra quan điểm của mình.
“Bà ấy luôn rất giỏi trong việc giữ bình tĩnh”, Victor d'Allant, CEO của Dallant Networks nhận xét. “Bà ấy nói “hãy thảo luận điều này một cách kỹ lưỡng”. Đó là một nghệ thuật mà không nhiều vị giáo sư có được, để buộc những người khác đào sâu suy nghĩ hơn về quan điểm của họ và hiểu rõ dòng suy nghĩ của họ”.
4. Một ngôi sao học thuật
Yellen là một người gặt hái nhiều thành công trên con đừong học thuật. Sinh năm 1946 tại Brooklyn, New York, cha bà là một bác sỹ gia đình còn mẹ là giáo viên tiểu học. Tốt nghiệp phổ thông loại xuất sắc, bà theo học Đại học Brown chuyên ngành kinh tế học và ra trường năm 1967. 4 năm sau, bà giành được tấm bằng tiến sỹ của Đại học Yale danh giá.
Tại ngôi trường này, bà đã trở thành một “huyền thoại”, khi những bài giảng của bà, còn được gọi là Yellen Notes, trở thành một cuốn sách giáo khoa không chính thức cho hàng thế hệ các sinh viên cao học ngành kinh tế tại Yale.
Một người thầy của bà tại trường này, nhà Nobel quá cố James Tobin từng nói: “Cô ấy là một thiên tài trong việc trình bày các tranh luận phức tạp một cách đơn giản và rõ ràng”.
5. Tình yêu từ căng tin
Yellen không chỉ đặt nền móng sự nghiệp của mình tại Fed mà chính tại căng tin của cơ quan này, bà đã tìm thấy người chồng tương lai.
Năm 1977, khi bà còn là một nhân viên kinh tế học tại Fed ở Washington, ông Akerlof là một nhà kinh tế khách mời. Họ kết hôn trong tháng 6 năm đó và bắt đầu sự cộng tác lâu dài và đầy thành công, cho ra đời vô số công trình học thuật khi cùng giảng dạy tại Đại học California, Berkeley.
“Chúng tôi ngay lập tức phải lòng nhau và quyết định kết hôn”, ông Ackerlof chia sẻ trong một bài viết sau khi đoạt giải Nobel năm 2001 cho công trình nghiên cứu thông tin bất đối xứng. “Không chỉ cá tính chúng tôi hòa hợp một cách hoàn hảo, chúng tôi còn luôn có sự đồng ý tuyệt đối về kinh tế vĩ mô”.
6. Một nhà tạo dựng sự đồng thuận
Những người ủng hộ Yellen cho biết một trong những lợi thế chính của bà so với đối thủ lớn nhất, cựu Bộ trưởng tài chính Lawrence Summers, cho vị trí Chủ tịch Fed đó là: Bà luôn có thể tạo sự đồng thuận giữa 7 thành viên ban điều hành của Fed và 12 chủ tịch Fed các khu vực, những người gặp nhau 8 lần mỗi năm để họp bàn về chính sách lãi suất.
Ví dụ, bà Yellen đã khiến Fed thông qua một tuyên bố về chính sách lạm phát sau nhiều năm thảo luận. Trong tuyên bố hồi tháng 1/2012, lần đầu tiên Fed thống nhất mục tiêu lạm phát là 2%. Đây là điều chủ tịch Ben Bernanke luôn mong mỏi, nhưng lại gặp phải sự phản đối từ các quan chức khác. Bản tuyên bố được soạn thảo bởi một ủy ban truyền thông do bà Yellen đứng đầu. Nó đã cân bằng một nhiệm vụ khác của Fed: thúc đẩy tối đa việc làm.
Thanh Tùng
Theo AP