1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những điều có thể bạn chưa biết về giới tài phiệt Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Về lý thuyết, một nhà tài phiệt sẽ có một số ảnh hưởng chính trị, nhưng thực tế kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, hầu hết tỷ phú của Nga có rất ít hoặc không có ảnh hưởng.

Những điều có thể bạn chưa biết về giới tài phiệt Nga - 1

Tính đến ngày 14/3, đã có 20 cá nhân thuộc giới tinh hoa Nga bị Mỹ và các nước đồng minh áp lệnh trừng phạt (Ảnh: Getty).

Để đáp trả cuộc chiến tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã tung loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng, công ty Nga và cả giới tài phiệt nước này, những người sở hữu siêu du thuyền và bất động sản "khủng".

Vậy điều gì khiến một người trở thành nhà tài phiệt và làm thế nào mà họ giàu có như vậy?

Theo bà Elise Giuliani - giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Columbia, người chuyên nghiên cứu về nước Nga hậu Xô Viết - các nhà tài phiệt là những doanh nhân cực kỳ giàu, có ảnh hưởng về mặt chính trị và xã hội. "Họ thường được kết nối với các nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc gia đó, mặc dù không phải ai cũng vậy".

Về lý thuyết, một nhà tài phiệt sẽ có một số ảnh hưởng chính trị, nhưng thực tế kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, hầu hết tỷ phú của Nga có rất ít hoặc không có ảnh hưởng.

Các nhà tài phiệt đời đầu của Nga đã giàu lên trong thời kỳ hỗn loạn sau khi Liên Xô sụp đổ những năm 1990, khi tài sản nhà nước được chuyển giao cho các nhà thầu tư nhân. Trong thời kỳ tự do hóa thị trường này, các doanh nhân khá giả, cựu quan chức và cả những doanh nhân may mắn đã mua lại lượng lớn cổ phần tại các công ty của Nga trong các lĩnh vực dầu khí, kim loại, khai thác mỏ, đường sắt, giao thông, nông sản và các ngành công nghiệp cốt lõi khác.

Theo Forbes, nhóm tài phiệt mới hơn trở nên giàu có nhờ vào mối quan hệ với ông Putin, bằng hình thức này hay hình thức khác. Ông Yuri Kovalchuk, một người bạn lâu năm và là cố vấn của nhà lãnh đạo Nga, có được cổ phần lớn trong các ngân hàng và công ty viễn thông nhờ mối quan hệ này.

Ông Brian Taylor, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse, cho rằng với cấu trúc của nền kinh tế Nga như vậy, các nhà tài phiệt không phải là những tác nhân kinh tế tự chủ, có thể phản biện hay đối thoại với nhà nước.

Vào những năm 1992 - 1994, Liên bang Nga đã tiến hành quá trình tư nhân hóa. Theo đó, cổ phiếu của khoảng 15.000 công ty thuộc sở hữu nhà nước được bán cho những người mua tư nhân. Mục tiêu là cho phép người dân bình thường có thể mua cổ phiếu. Nhưng thay vào đó, hầu hết doanh nhân có quan hệ tốt đã mua được lượng cổ phần lớn và kiểm soát các công ty. Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 2/3 tổng số cổ phần tư nhân hóa thuộc quyền sở hữu của những người nội bộ trong công ty.

Kế hoạch cho vay lấy cổ phần của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin năm 1995 cũng đã tạo nên một số nhà tài phiệt giàu nhất Nga. Để đổi lấy việc cho chính phủ Nga vay bù đắp khoản tiền bị thâm hụt và hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tranh cử, một số doanh nhân giàu có của Nga đã nhận được cổ phần tại 12 công ty khai thác và năng lượng Nga dưới hình thức "cho thuê".

Sau khi ông Yeltsin đắc cử Tổng thống, một trong những người cho vay trên đã nắm cổ phần kiểm soát tại Norilsk Nickel, nhà sản xuất niken tinh chế lớn nhất thế giới. Những người hưởng lợi khác gồm tỷ phú Khodorkovsky và tỷ phú Roman Abramovich, những người có được lợi ích lớn về dầu khí.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 ở Nga chỉ là một bước lùi tạm thời của các nhà tài phiệt. Giá hàng hóa tăng vọt cùng với việc Nga hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng vào phương Tây trong những năm 2000 đã tạo ra hàng chục "ông trùm" mới. Năm 2001, Nga có 8 tỷ phú USD với tổng tài sản 12,4 tỷ USD. 10 năm sau đó, Nga đã có 101 tỷ phú với tổng giá trị tài sản ròng 432,7 tỷ USD, theo Forbes.

Các nhà tài phiệt đã nhận ra rằng, lợi ích chính trị và lợi ích tài chính phải đi liền với nhau. Nhưng nếu không thì họ sẽ phải làm gì?

Đối với một số nhà tài phiệt, điều đó có nghĩa họ phải bán lại công ty cho chính phủ. Ví như tỷ phú Roman Abramovich đã bán cổ phần của ông trong công ty dầu khí Sibneft cho tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom hồi năm 2005.

Hay 2 tỷ phú Mikhail Fridman và Viktor Vekselberg, những người trở thành những nhà tài phiệt khi thâu tóm công ty dầu khí Tyumen Oil vào năm 1997, cũng đã bán công ty cho Rosneft, tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu của Điện Kremlin, vào năm 2013.

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà tài phiệt đang đối mặt với một tương lai đầy chông gai khi các lệnh trừng phạt của phương Tây dội xuống Nga. Tính đến ngày 14/3, đã có 20 cá nhân thuộc giới tinh hoa Nga bị Mỹ và các nước đồng minh áp lệnh trừng phạt.

Để "né" lệnh trừng phạt, một số người đã âm thầm chuyển giao tài sản, quyền sở hữu cổ phần hay rời khỏi ban lãnh đạo công ty. Những người không được bảo vệ chứng kiến khối tài sản sụt mạnh khi các thị trường của Nga lao dốc.

Theo Forbes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm