Điều gì xảy ra với các siêu du thuyền của tài phiệt Nga bị tịch thu?
(Dân trí) - Những chính phủ châu Âu tịch thu siêu du thuyền và biệt thự của giới tài phiệt Nga giờ đang phải đối mặt với câu hỏi khó hơn là làm gì với số tài sản này.
Những câu hỏi pháp lý chưa có lời giải
Các lệnh trừng phạt nhằm vào giới tài phiệt Nga của Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ và một số nước khác đã mở ra làn sóng đóng băng tài sản trên khắp châu Âu. Theo đó, các quan chức tịch thu một siêu du thuyền dài 65 m thuộc sở hữu của tỷ phú Nga Alexei Mordashov tại Imperia (Italia), một siêu du thuyền dài 85 m của tỷ phú Igor Sechin tại cảng La Ciotat của Pháp và khu nghỉ dưỡng trị giá 18 triệu USD của tỷ phú Alisher Usmanov ở Sardinia (Italia).
Các chuyên gia cho rằng đóng băng tài sản là một việc đơn giản nhưng quyết định làm gì với chúng và ai sẽ nhận số tiền thu được khó khăn hơn và có thể gây ra cuộc chiến pháp lý trong nhiều năm.
Mỗi quốc gia có luật pháp riêng. Và vòng trừng phạt mới nhất này đang tạo ra những câu hỏi pháp lý mới chưa có lời giải. "Những tình huống mà chúng ta đang thấy bây giờ thực sự chưa bao giờ xảy ra", ông Benjamin Maltby, luật sư tại hãng luật Keystone Law ở Anh và là chuyên gia về luật du thuyền và tài sản xa xỉ nói với CNBC.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng nhìn chung, bản thân các lệnh trừng phạt cũng không cho phép các nước tước đi một cách đơn giản quyền sở hữu du thuyền, máy bay và nhà cửa của các nhà tài phiệt. Theo các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu công bố, các cá nhân trong giới tinh hoa của Nga bị áp lệnh trừng phạt sẽ bị "đóng băng và phong tỏa tài sản không cho sử dụng".
Luật của Mỹ và hầu hết nước châu Âu cũng quy định tài sản bị phong tỏa vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà tài phiệt, chúng chỉ không thể chuyển nhượng hoặc bán. Ví dụ như tỷ phú Sechin và tỷ phú Mordsahov vẫn tiếp tục sở hữu du thuyền vừa bị tịch thu nhưng sẽ không được tự do di chuyển.
Để thực sự tịch thu và tước quyền sở hữu du thuyền hay biệt thự của một nhà tài phiệt, các công tố viên của chính phủ phải chứng minh được tài sản đó là một phần của người phạm tội. Theo luật tịch thu dân sự của Mỹ, tài sản được sử dụng cho các hành vi phạm pháp hoặc có được từ hoạt động bất hợp pháp chỉ có thể bị tịch thu khi có trát của tòa.
"Chính phủ phải chứng minh được cả hành vi phạm tội và có liên quan", ông Stefan Cassella, cựu trưởng bộ phận Cưỡng đoạt tài sản và Rửa tiền tại Văn phòng luật sư Mỹ ở Maryland.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, việc chứng minh một tội danh cụ thể của giới tài phiệt và gắn tài sản trực tiếp vào hành vi phạm tội đó có thể rất khó.
Việc chứng minh phạm tội đối với các trường hợp tịch thu tài sản có thể mất nhiều năm. Ví như Mỹ đã phải mất hơn 5 năm tố tụng mới lấy lại được hơn 300 triệu USD bị đánh cắp từ Nigeria bởi nhà cựu độc tài quân sự Sani Abacha.
Các nhà tài phiệt là những bậc thầy trong việc che giấu tài sản. Họ sử dụng các công ty vỏ bọc, quỹ tín thác, khu vực pháp lý nước ngoài, mạng lưới các thành viên gia đình và các tổ chức để che giấu quyền sở hữu thực sự của họ.
Các siêu du thuyền hầu như thuộc sở hữu của các pháp nhân chứ không phải cá nhân và chúng thường được đăng ký ở các "thiên đường thuế" như quần đảo Cayman, quần đảo Virgin hay Panama. Siêu du thuyền dài 156 m mang tên Dilbar của tỷ phú Nga Usmanov được đăng ký tại quần đảo Cayman thông qua một công ty có trụ sở tại Malta.
Chính phủ chỉ có quyền sở hữu các tài sản bị tịch thu này nếu công tố viên chứng minh được hành vi phạm tội hoặc mối liên quan của tài sản với tội phạm và xác định được chủ sở hữu. Nếu quyết định bán tài sản đó thì số tiền thu được phải chuyển cho cơ quan thực thi pháp luật.
Anh cũng đang đưa ra ý tưởng mới để nhanh chóng đóng băng tài sản của các nhà tài phiệt chưa bị trừng phạt nhưng đang thuộc diện "xem xét".
Ai sẽ trả tiền trong thời gian giam giữ?
Tuy nhiên, những du thuyền và biệt thự bị tịch thu vẫn còn trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý, với những tranh cãi ai sẽ trả tiền để giữ gìn chúng. Về mặt kỹ thuật, các nhà tài phiệt sẽ phải chịu trách nhiệm để trả tiền cho thủy thủ đoàn, nhân viên bảo trì và các loại phí của tài sản bị giam giữ. Tuy nhiên, họ có thể từ chối trả. Mặt khác, các nhà chức trách tịch thu du thuyền, biệt thự của các tài phiệt này cũng không thể thu được tiền từ họ vì họ không được phép thực hiện bất kỳ giao dịch nào với các cá nhân bị trừng phạt.
Việc bảo dưỡng một du thuyền cũng cực kỳ quan trọng vì chúng có thể xuống cấp và giảm giá nhanh chóng nếu không được tu sửa liên tục.
Một vấn đề nữa là tương lai của thủy thủ đoàn và nhân viên quản lý các biệt thự sẽ ra sao? Ông Maltby cho rằng ông hy vọng thủy thủ đoàn của các siêu du thuyền bị tịch thu sẽ chỉ đơn giản rời khỏi du thuyền và trở về nước của họ.
Theo Forbes, công ty sử dụng thủy thủ đoàn 96 người trên siêu du thuyền của ông Usmanov đã thông báo cho các nhân viên rằng du thuyền đã ngừng hoạt động và công ty không có khả năng trả lương cho họ.