Những dịch vụ “shock, độc, lạ” ở Sài Gòn

Họ tự tìm kiếm ngành nghề chưa ai dám kinh doanh. Vốn bỏ ra có thể là con số không, nhưng quan trọng biết cách tạo điểm nhấn và chăm chút chất lượng dịch vụ, và nhiều người đang sống khỏe nhờ dịch vụ độc, lạ.

Đầu bếp Cơm Chiều Ngon chuẩn bị món ăn cho khách.
 Đầu bếp Cơm Chiều Ngon chuẩn bị món ăn cho khách.

 

Làm xà bông tắm từ sữa mẹ

 

Với người Hàn Quốc, chuyện dùng sữa mẹ để sản xuất xà bông tắm là việc khá bình thường bởi trong sữa mẹ không chỉ có chất dinh dưỡng tốt cho trẻ mà còn có những chất rất tốt cho da, có thể trị mụn, làm đẹp da cho phụ nữ. Nhưng ở Việt Nam, việc dùng sữa mẹ để làm xà bông tắm là điều còn lạ lẫm.

 

Theo chân bà mẹ trẻ Lê Hải Yến, 27 tuổi (ngụ đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú) mang 300ml sữa tới nhờ chị Thu Trang (đường Quang Trung, quận Gò Vấp) để thuê làm xà bông tắm cho mình và cho con. Theo chị Yến: “Tôi mới sinh bé trai thứ hai, sữa về nhiều mà con lại ít bú nên thường mang qua dịch vụ làm xà bông từ sữa mẹ để làm xà bông dùng. Loại xà bông tự làm này rất lành tính, có thể sử dụng cho mình và con mình mà không sợ bị dị ứng da”.

 

Chị Nguyễn Thu Trang, chủ nhân dịch vụ làm xà bông từ sữa mẹ kể: “Chồng tôi, anh Trần Mạnh Linh, sinh năm 1978 học cách làm xà bông bằng sữa mẹ từ bên Hàn Quốc, trong thời gian lao động bên đó. Hồi ở xứ Kim Chi, anh trọ tại nhà dân bản địa. Gia đình có con dâu mới sinh, sữa khá nhiều mà con bú không hết. Họ liền lấy sữa đó làm xà bông dùng cho cả nhà, anh thấy vậy liền học cách làm. Khi về nước, hai vợ chồng lấy nhau, sữa tôi nhiều quá nên anh lấy làm thử và thành công nên quyết định làm dịch vụ này”.

 

Nguyên liệu để làm ra một bánh xà bông không khó kiếm ở thị trường Việt Nam. Dầu ô liu, dầu dừa, dầu cọ, tinh dầu, dầu cây hạt mỡ được trộn đều với nhau và đun sôi ở nhiệt độ 40 độ. Riêng sữa mẹ và xút NaOH được trộn đều với nhau rồi đem đun với nhiệt độ 35 độ. Cứ 75% hỗn hợp dầu thì cho 25% sữa mẹ và tạo khuôn. Sau đó để nguội và đợi khoảng 3 tháng xút bay hết thì đem ra dùng.

 

“Công thức thì dễ nhưng cách làm thì không hề dễ và rất cầu kỳ, quan trọng phải kiên trì và cẩn thận là có thể thành công. Nếu sữa các mẹ gửi làm thì mình chỉ lấy khoảng 1 – 2 trăm ngàn tiền công. Nhưng nếu mình mua sữa mẹ về làm bán thì giá mỗi bánh 100g giá là 400 ngàn đồng/bánh. Giá như vậy nhưng hầu như nhà không có hàng để bán. Ai mua phải đặt hàng và tiền trước vì sữa mẹ hiếm và thời gian làm khá lâu”- chị Trang nói.

 

Chị Yến bên cục xà bông làm bằng chính sữa của mình qua dịch vụ “nhận làm xà bông bằng sữa mẹ”.
Chị Yến bên cục xà bông làm bằng chính sữa của mình qua dịch vụ “nhận làm xà bông bằng sữa mẹ”.

 

Cho thuê đồ chơi đắt khách

 

Anh Nguyễn Tuấn Anh, 30 tuổi ở quận Tân Bình đặt cọc 3 triệu đồng để thuê cho con trai 6 tuổi của mình chiếc xe chòi chân với giá thuê mỗi tháng 300 ngàn đồng. Dịch vụ cho thuê đồ chơi đang thu hút lượng lớn khách hàng là các ông bố, bà mẹ trẻ ở TPHCM.

 

Anh Tuấn Anh cho biết: “Con trai anh rất thích chiếc xe này nhưng giá trên thị trường là gần 4 triệu đồng, mà bỏ ra số tiền lớn vậy rồi con chơi một thời gian chán, bỏ thì phí lắm. Thế nên mỗi lần con đòi đồ chơi mới là tôi lại đưa con tới đây cho cháu chọn một món đồ chơi nào đó rồi thuê về cho con chơi. Chán thì đem trả lại, đỡ tốn tiền mà lại không chật nhà”.

 

Mô hình cửa hàng cho thuê đồ chơi này được chị Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1980, kỹ sư Cấp thoát nước thực hiện khi chị sinh cháu trai thứ hai của mình. “Lúc sinh bé trai thứ nhất năm 2008, tôi mua đồ chơi về cho con nhưng chơi một thời gian, cháu không chơi nữa nên tôi lại cất đi. Năm 2009 trong chuyến đi du lịch Singapore, tôi thấy bên đó có mô hình dịch vụ cho thuê đồ chơi của bé. Tại cổng các công viên đều có quảng cáo dịch vụ cho thuê xe đẩy. Tại khu vui chơi đều cho thuê đồ chơi cho bé... với giá chỉ vài đô la. Cuối năm 2009 khi sinh bé thứ hai, tôi quyết định nghỉ làm ở công ty cấp thoát nước thành phố và mở cửa hàng bán và cho thuê đồ chơi của bé”.

 

Chị Hoa mở cửa hàng đồ chơi Tin Tin ở 26A đường Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình. Việc kinh doanh bước đầu rất khó khăn vì việc phải tìm nguồn cung cấp đồ chơi mới lạ, lại phải đảm bảo chất lượng đồ chơi cho trẻ. “Kinh tế khó khăn, việc phụ huynh phải bỏ tiền triệu để mua cho con mình một thứ đồ chơi nào đó rồi một thời gian phải bỏ vì con không thích chơi nữa là rất phí phạm. Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, tôi quyết định gom hết tiền vốn hai vợ chồng có để nhập những loại đồ chơi tốt nhất từ Mỹ về kinh doanh” - chị Hoa cho biết.

 

Với tiêu chí “chi ít hơn, chơi nhiều hơn”. Từ ngày cửa hàng chị mở ra đã giải quyết được vấn đề lớn về tài chính cho phụ huynh. Khách hàng muốn thuê một sản phẩm nào cho bé thì chỉ cần cùng bé chọn món đồ chơi rồi đặt cọc 100% giá trị món hàng. Cửa hàng không áp đặt thời gian cố định thuê món đồ chơi, tiền thuê hằng tháng sẽ trừ vào tiền đặt cọc khi khách trả lại đồ chơi với khoảng 10 đến 15% giá trị món đồ chơi trên tháng.

 

Sau thời gian hoạt động, phụ huynh tìm đến thuê đồ chơi tại cửa hàng chị khá đông. Ăn nên làm ra, chị tiếp tục mở thêm ba cửa hàng ở TPHCM, Bình Dương và Khánh Hòa.

 

Nấu cơm thuê, sơ chế thuê

 

Một trong những dịch vụ lạ đang dần trở nên phổ biến đối với phần lớn phụ nữ trẻ bận rộn ở TPHCM là dịch vụ nấu cơm, giao cơm tận nhà. Chị Hoàng Khánh Hiền, nhân viên kế toán của một công ty xuất nhập khẩu ở Q1, TPHCM cho biết: “Tôi đi làm từ sáng đến tối mịt mới về tới nhà. Nấu cơm cho chồng con ăn xong cũng đến 9 giờ tối. Bởi vậy cả nhà thường kéo nhau ra quán ăn, vừa không đảm bảo vệ sinh vừa tốn tiền”. Thời gian gần đây, chị Hiền thường đặt cơm tối cho cả nhà trên trang web comchieungon. “Muốn ăn món gì chỉ cần gọi điện đặt trước. Nhân viên sẽ giao cơm đến tận nhà. Mỗi phần cơm cũng chỉ từ 20-30 ngàn đồng. Mình có thể mang thực phẩm đến cho họ nấu nhưng theo đánh giá của tôi thì rau, củ của họ sạch hơn ngoài chợ vì trong nhà tự trồng”, chị Hiền cho hay.

 

Chị Lê Lan Anh, người lập trang web comchieungon kể, ban đầu chị cùng nhóm bạn chơi trò “đổi nhau nấu món tủ”. Mỗi người sẽ nấu món sở trường của mình, sau đó chia sẻ cho bạn bè, gia đình thưởng thức. “Từ đó tôi nảy ra ý tưởng nấu những món ngon và cung cấp cho những người trẻ bận rộn”, chị Lan Anh nói.

 

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề đầu bếp, chị Lan Anh “sở hữu” lực lượng đầu bếp đông đảo gồm ba mẹ, anh chị, cô dì… “Mỗi người đều có những món sở trường của mình, đủ đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng”, chị Lan Anh cho biết.

 

Ngoài nấu những món ăn truyền thống, những địa chỉ như Cơm Chiều Ngon, Bếp Của Phước, Ilovefood, lifeissimple… còn nhận nấu những món ăn vùng miền như thịt kho dừa, cá kho riềng, nước gạo rang... “Thỉnh thoảng tôi đặt vài món ăn dân dã miền Tây để nhớ lại hương vị quê hương. Ban đầu họ nấu không thực sự vừa ý hoàn toàn, nhưng chỉ góp ý đôi lần, họ đã có thể nhớ ngay và làm theo y hệt món ăn mà má tôi vẫn nấu hồi nhỏ”, chị Phùng Bích Thủy, nhân viên văn phòng ở Q.3 cho biết.

 

Đối với những bà nội trợ trẻ thích nấu ăn nhưng không có nhiều thời gian, có dịch vụ sơ chế thực phẩm, giao tại nhà. “Có người ở quê lên mang cho mấy con gà. Tôi và ông xã đều thèm ăn gà vườn, nhất là canh gà lá giang, nhưng nghĩ tới cảnh cắt tiết, làm thịt… vừa bẩn, vừa mất thời gian nên kêu dịch vụ sơ chế thực phẩm. Họ đến nhận gà, lúc nào mình muốn nấu kêu họ mang gà đã làm sạch qua”, chị Phùng Bích Thủy nói.

 

Từ khi có dịch vụ sơ chế thực phẩm, chồng chị Thủy thích lặn lội về quê, lên rừng tìm đồ ngon hơn. “Lúc anh mang về con rắn, lươn, hôm thì mang một bao đầy nhóc chuột đồng ở quê lên. Tôi gọi cho dịch vụ sơ chế, họ làm sạch sẽ hết”, chị Thủy kể.

 

Theo chị Lê Lan Anh, khách hàng thường xuyên của Cơm Chiều Ngon khoảng 200 người: “Chúng tôi có thể nhớ được khẩu vị của từng người: Ai ăn nhiều ớt, ai ghét bột ngọt, ai thích trang trí cầu kỳ…”. Dạo một vòng quanh facebook của Cơm Chiều Ngon, có thể thấy lượng khách hàng là người trẻ đặt cơm khá nhiều, có người còn đặt món cho nguyên tuần.

 

Theo Quang Minh - Gia Huy

Tiền Phong