Những đại gia bất động sản không còn nỗi ám ảnh nợ trái phiếu

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp của các đại gia như Đặng Thành Tâm, Đặng Văn Thành... đã lựa chọn thanh toán sớm nợ trái phiếu, dồn lực cho phát triển dự án, bảo toàn lợi nhuận.

Năm nay, khoảng 92 doanh nghiệp bất động sản sẽ tới hạn đáo hạn khoảng 99.500 tỷ đồng nợ vay trái phiếu. Thông tin do Bộ Tài chính đưa ra mới đây trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu.

Giới chuyên gia đánh giá nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực đến hạn trả nợ trái phiếu trong năm nay. Nhiều doanh nghiệp thậm chí vẫn rơi vào tình cảnh quá hạn thanh toán lãi trái phiếu, chậm trả gốc trái phiếu....

Tuy nhiên trong bối cảnh chung như vậy, nhiều công ty bất động sản niêm yết sàn chứng khoán thời gian qua đã thu xếp được nguồn tiền để tất toán nợ trái phiếu, đưa dư nợ về 0. Các công ty như Phát Đạt, An Gia, TTC Land hay Đô thị Kinh Bắc.

Những đại gia bất động sản không còn nỗi ám ảnh nợ trái phiếu - 1

Nhiều doanh nghiệp bất động sản thu xếp trả nợ trái phiếu, đưa dư nợ về 0 (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).

Cụ thể, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) tới cuối năm 2023 không còn dư nợ trái phiếu, theo báo cáo tài chính hợp nhất cùng năm. Trong năm này, công ty đã thu xếp trả 2.510 tỷ đồng trái phiếu để đưa dư nợ về 0.

Nói tại cuộc họp với cổ đông hồi tháng 4, ông Lê Quang Phúc - Thành viên HĐQT kiêm Cố vấn của Phát Đạt - cho biết đã thanh toán toàn bộ nợ trái phiếu bằng cách tái cơ cấu danh mục đầu tư, đẩy mạnh thu hồi nợ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ và thoái vốn ở một số doanh nghiệp; đàm phán để tiếp cận các nguồn huy động vốn cho nhu cầu tái phát triển.

Cuối năm 2023, công ty này còn nợ vay tài chính 3.105 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,32 lần.

Hay Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) thông báo đã hoàn thành việc thanh toán toàn bộ nghĩa vụ liên quan của lô trái phiếu AGG12202, giá trị 300 tỷ đồng. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng ra thông báo hủy bỏ đăng ký giao dịch của lô trái phiếu này tại ngày 2/5.

Doanh nghiệp trên chính thức đưa dư nợ trái phiếu về 0 ngay trong đầu tháng 5 này, đúng như kế hoạch đề ra trước đó. Công ty cho biết đã dùng nguồn tiền thu được từ bán dự án Westgate (Bình Chánh, TPHCM) để trả nợ trái phiếu. 

An Gia mới chỉ huy động trái phiếu từ năm 2020, có tài sản bảo đảm và sử dụng với mục đích đầu tư vào một số dự án bất động sản hoặc hiện thực hóa chiến lược mua bán, sáp nhập (M&A) gia tăng tiềm lực quỹ đất.

Soi chiếu theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, khi hết nợ trái phiếu, công ty này còn nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn là 1.173 tỷ đồng. Việc xử lý dứt điểm nợ trái phiếu đã giúp hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm về 0,37 lần.

Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - mã chứng khoán: SCR) ngay từ quý I/2023 đã không còn nợ vay trái phiếu. Dư nợ trái phiếu tới cuối năm 2022 còn 80 tỷ đồng và được thanh toán vào đầu năm 2023. Tính đến 30/3/2024, doanh nghiệp có nợ vay tài chính là 3.115 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,6 lần.

Tại kỳ họp cổ đông năm nay, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC - nêu định hướng phát triển TTC Land trên tinh thần thận trọng, không được mở rộng dự án, củng cố dự án, không phát hành trái phiếu mà phải giữ lại lợi nhuận. 

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC), do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT đến cuối năm 2023 cũng sạch nợ trái phiếu. Trong năm này, công ty đã tất toán toàn bộ 3.856 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.

Báo cáo thường niên 2023 của Đô thị Kinh Bắc cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường vốn Việt Nam gặp khá nhiều rào cản (thị trường trái phiếu làm cơ quan quản lý quan ngại, nhà đầu tư mất niềm tin, lãi suất cho vay khá cao khoảng hơn 13%...).

Đứng trước bối cảnh này, ban lãnh đạo công ty đã thực hiện phương án tài chính thận trọng: Ưu tiên thu xếp nguồn lực tài chính để mua lại toàn bộ dư nợ trái phiếu đến hạn và trước hạn; đảm bảo năng lực tài chính cho việc mở rộng quy mô các dự án mới.

Năm 2023, Đô thị Kinh Bắc đạt doanh thu thuần 5.618 tỷ đồng, gấp 6 lần năm trước. Lợi nhuận sau thuế 2.245 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Công ty cho biết kết quả này cao nhất từ khi niêm yết đến nay, đến từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp (KCN) khởi sắc so với năm trước, như KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), Quang Châu (Bắc Giang), Tân Phú Trung (TPHCM).

Sau khi thanh toán toàn bộ dư nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển dự án mới đón đầu chu kỳ tăng trưởng của ngành.

An Gia tập trung nguồn lực cho 3 dự án trọng điểm lớn ở Bình Dương, TPHCM, tương đương gần 10.000 sản phẩm và 1 triệu m2 sàn. Phát Đạt năm nay đẩy mạnh phân phối sản phẩm, tạo tăng trưởng doanh thu năm nay với các dự án tại Bình Dương, Bình Định, Kiên Giang. Hay TTC Land tập trung bán hàng và nghiên cứu các chiến lược kinh doanh các dự án trọng điểm ở Đà Nẵng, TPHCM, Kiên Giang...