Những CEO được kỳ vọng nhất trong năm 2012
(Dân trí) - Năm mới 2012 lại một năm nhiều thách thức đối với các sếp lớn tại các công ty đa quốc gia. Dưới đây là những vị Giám đốc điều hành (CEO) nổi bật, những người được chờ đợi sẽ chèo lái thành công con thuyền công ty của mình về đích trong nay.
1. Tim Cook, Tập đoàn Apple
Tháng 8 năm ngoái, Cook được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành thay thế cho người đồng sáng lập Steve Jobs vừa qua đời vào tháng 11. Đến nay, Cook luôn nhận được sự đánh giá cao – ông được biết đến như một người điều hành lịch thiệp nhưng cũng rất khắt khe trong con mắt của các nhân viên và là người đã nghiên cứu hoạt động cũng như các sản phẩm của hãng với sự chu đáo không kém gì người tiền nhiệm Steve Jobs theo nhận định của các nhà đầu tư.
Năm tới sẽ là một năm nhiều thử thách đối với ông khi phải đảm nhiệm công việc giới thiệu phiên bản mới của các sản phẩm đã cho ra mắt trước đó, như iPhone và iPad, và có thể là một sản phẩm hoàn toàn mới rất được mong chờ như iTV.
2. Akio Toyoda, Tập đoàn Toyota
Ông chủ của hãng sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản đã cam kết giữ vững mức sản xuất nội địa ở con số 3 triệu xe hơi mỗi năm, ngay cả khi các đối thủ của hãng chạy đua tìm kiếm các thị trường nước ngoài. Việc đồng Yen tăng giá kỷ lục so với USD đã làm giảm đáng kể lợi nhuận từ việc xuất khẩu xe hơi của nước này.
Ông Toyoda đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch tập đoàn Toyota do ông nội của mình thành lập được 3 năm. Dù đưa ra nhiều tuyên bố hùng hồn về việc phát triển Toyota, tuy nhiên, dưới bàn tay lãnh đạo của ông Akio, hiện cổ phiếu của Toyota đang ở mức thấp trong vòng 15 năm trở lại đây. Đó chính là lý do nhiều người đang đặt câu hỏi lớn về số phận của Toyota trong năm mới 2012.
3. Kenneth C. Frazier, Tập đoàn dược phẩm Merck
Ông Frazier tuyên bố sẽ bảo vệ các phòng thí nghiệm của công ty khỏi đợt cắt giảm lớn mà các đối thủ của hãng này như tập đoàn Pfier đang sử dụng để gây áp lực cũng như trong thời điểm Frazier từ vị trí luật sư vươn lên trở thành Giám đốc điều hành và ủng hộ việc nghiên cứu ngành dược phẩm.
Liệu rằng ông Frazier có thành công với dự án nghiên cứu và phát triển bị cho là lãng phí tiền của hay không còn phụ thuộc vào việc các loại thuốc như Bridion - một giải pháp điều trị loại bỏ tác dụng phụ trong quá trình gây mê phẫu thuật được kỳ vọng sẽ trình lên cơ quan chức năng Mỹ vào năm 2012 có được phê duyệt.
Ông Frazier, từng là sinh viên trường Penn State, sẽ đứng đầu một ủy ban điều tra ý kiến của các trường đại học về vụ việc một vị huấn luyện viên bóng đá bị buộc tội xâm hại tình dục trẻ em.
4. Tom Horton, Tập đoàn hàng không AMR
Ông Horton hiện giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn hàng không AMR. Ngày 29/11/2011, AMR buộc phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản theo chương 11 trong Luật bảo lãnh phá sản của Mỹ. Ông Horton hiện đang đau đầu mong tìm ra lối đi giúp tập đoàn từng thất thoát 10 tỉ USD trong thập kỷ vừa qua trở lại thời kỳ làm ăn có lãi.
Năm 2012 là năm thứ 23 Horton lãnh đạo tập đoàn AMR. Ông có ý định cắt giảm chi phí liên quan đến cho thuê các máy bay và các hợp đồng nhân công, cùng lúc phải thuyết phục 88.000 nhân viên tin tưởng quyết định này của ông là vì lợi ích của chính họ. Horton có thể sẽ đảm nhiệm việc sát nhập với một hãng hàng không khác hoặc chịu đứng nhìn đối thủ khác giành mất một vụ mua lại gây bất lợi cho hãng này.
5. Cyrus Mistry, Tập đoàn Tata Group
Lý lịch của Mistry cho biết ông này từng giữ vị trí Giám đốc điều hành công ty xây dựng Shapoorji Pallonji của gia đình. Tuy nhiên, người cha, ông Pallonji Mistry, nhà tỉ phú sống ẩn dật lại là cổ đông lớn nhất của Tata Sons, công ty nắm đa số cổ phần của tập đoàn Tata với số tiền góp vốn lên đến 18%.
Ông Mistry sẽ có thời gian để học hỏi công việc trước khi câu hỏi về thực lực được trả lời rõ ràng: ông sẽ có một năm học việc với Ratan Tata, người sắp hết nhiệm kỳ vào tháng 12/2012.
6. Ron Johnson, Tập đoàn bán lẻ J.C. Penney
Ron Johnson, người được công nhận là “nhân tố tích cực” trong việc điều hành các gian hàng của Apple đã làm nên một đội ngũ quản lý của tập đoàn Apple và Target và có được vụ làm ăn có một không hai với tập đoàn Martha Stewart Living Omnimedia. Trong buổi họp quý ba của công ty diễn ra vào tháng 11 vừa qua, ông Johnson đã phát biểu: “Tôi có mặt ở đây là để mang đến những thay đổi mới mẻ cho tập đoàn này.”
Giờ đây, mọi con mắt đều đổ dồn vào Johnson và đội ngũ của ông sẽ phải làm việc hết sức sao cho thích ứng với một gian hàng với nhiều sản phẩm hơn và làm mới hình ảnh tập đoàn vốn đã lỗi thời. Nhiều người mong đợi ông Johnson sẽ tạo ra những thương hiệu nổi tiếng khác.
7. Tom Staggs and Jay Rasulo, Tập đoàn Walt Disney
Giám đốc điều hành hiện tại của hãng này, ông Robert Iger hồi năm ngoái đã tuyên bố sẽ từ chức vào năm 2015. Theo yêu cầu của ông Iger, hai nhân viên lâu năm Tom Staggs và Jay Rasulo sẽ có sự luân chuyển công việc. Trong năm tới, mỗi người sẽ thực hiện những dự án đầy tham vọng, thể hiện triển vọng lãnh đạo một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới này.
Ông Staggs, người lãnh đạo công việc kinh doanh tại các công viên vui chơi và khu nghỉ dưỡng sẽ đảm nhiệm thêm việc phát triển Disneyland tại Thượng Hải, một phần trong dự án 4,4 tỉ USD khởi công vào tháng 4 vừa qua.
Ông Rasulo, Giám đốc tài chính của Disney sẽ phải chèo lái tập đoàn này đạt tới kết quả kinh doanh trong năm tài chính mới đây nhất với kỷ lục lợi nhuận và doanh thu. Trong tương lai, Disney sẽ không chỉ nhắm đến thị trường Trung Quốc mà còn vươn xa tới các thị trường truyền thông khác như Ấn Độ và Nga.
8. Fu Chengyu, Tập đoàn dầu khí Sinopec
Ông Fu, năm nay đã 60 tuổi, được nhiều người biết đến trong thời gian điều hành công ty Cnooc. Năm 2005, ông đã thực hiện mua lại có phần táo bạo nhưng không thành công công ty Unocal có trụ sở tại California. Giờ đây, với vị trí Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Sinopec, ông Fu lại có tham vọng thực hiện hàng loạt vụ mua lại các công ty trên toàn cầu trong năm nay.
Chắc chắn rằng việc mở rộng phạm vi của tập đoàn này ra khỏi biên giới Trung Quốc và thắng thầu vụ mua lại China Gas Holdings Ltd – sẽ còn thu hút sự chú ý lớn.
9. Ginni Rometty, Tập đoàn IBM
Ưu tiên hàng đầu của bà Rometty vẫn là phát triển các sáng kiến phần mềm và công nghệ điện toán đám mây. Cùng lúc, bà sẽ phải chèo lái nền kinh tế đang trong thời kỳ bất ổn và có những thay đổi quan trọng trong phương thức sử dụng công nghệ của các công ty.
Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 11 vừa qua khi được bổ nhiệm vị trí Giám đốc điều hành, bà cho biết mình không vạch trước những thay đổi trước mắt trong chiến lược của tập đoàn IBM như về mô hình kinh doanh chẳng hạn. Song, điều quan trọng là IBM sẽ không ngừng làm mới bản thân. Ông Samule J. Palmisano, người sắp từ chức cương vị Giám đốc điều hành song vẫn giữ chức Chủ tịch tập đoàn đã đưa ra một vài lời khuyên như vậy dành cho người kế nhiệm mình.
10. Abilio Diniz, Tập đoàn Pão de Açúcar
Tại thời điểm khó khăn tài chính trong thập kỉ vừa qua, ông đã đồng ý bán lại cơ ngơi của mình cho France's Casino SA, song đến tận năm 2012, vụ làm ăn này mới lên tới đỉnh điểm khi ông Diniz phải nhượng lại phần cổ phiếu của mình dưới quyền kiểm soát của Casino.
Năm ngoái, vị Giám đốc táo bạo này đã tìm mọi cách giữ lại công ty của mình bằng cách ngấm ngầm hủy bỏ vụ làm ăn với đối thủ lớn nhất là Carrefour SA, một công ty của Pháp. Vụ việc không thành công, tuy nhiên điều sso không làm chùn bước ông Diniz. Nhiều điều bất ngờ khác đang được trông đợi cho tới khi thời hạn cuối cùng là tháng 6 năm sau.
11. Meg Whitman, Tập đoàn HP
Bà Whitman được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành của công ty máy tính và máy in khổng lồ đang trong giai đoạn khó khăn vào tháng 12 năm ngoái. Cho đến nay, bà Whitman đang cố gắng hóa giải những thiệt hại mà người tiền nhiệm, ông Leo Apotheker đã gây ra khi có hành động cản trở việc chia nhỏ công việc kinh doanh của mảng máy tính cá nhân đã được đề xuất từ trước.
Bà Whitman đã tuyên bố rất rõ ràng về những dự định tăng trưởng lợi nhuận đều đặn, đối lập với những tiên đoán về việc thực hiện những chiến lược lớn đã đưa hãng này đi quá xa. Để thực hiện được mục tiêu đó, bà đã phải hạ thấp các mục tiêu, lập ra những đích đến về lợi nhuận một cách thận trọng và chưa đưa ra những chỉ đạo về mặt doanh thu cho cả năm.
12. Jack Ma, Alibaba Group
Ông Ma nắm quyền mua lại cổ phần của Yahoo có trong Ablibaba. Ông này cũng không hề giấu diếm ý định có được ít nhất và một phần nào đó trong số vốn góp vào Yahoo. Điều này đã khiến ông chủ tập đoàn Alibaba có được tiếng nói quan trọng đối với tài sản duy nhất có giá trị của Yahoo.
Tại thị trường trong nước, ông Ma đang nổ lực đón đầu cuộc chơi khi mà sự cạnh tranh đang tăng cao đối với các trang web bán hàng trực tuyến khổng lồ Marketplace vàTaobao Mall đang cạnh tranh gay gắt với eBay.com xét về giá trị giao dịch.
Trong năm nay, ông Ma đã có những biện pháp cản trở hội đồng quản trị, bao gồm cả hai nhà đầu tư lớn nhất là Yahoo and Softbank. Đây là một quyết định nhằm chuyển giao quyền sở hữu một công ty con quan trọng thành một công ty riêng do ông nắm quyền quản lý. Sự chuyển biến này nhằm tuân thủ các quy định về dịch vụ thanh toán trực tuyến, song điều đó cũng khiến ông vấp phải những tranh cãi xung quang các vấn đề về quản lý tập đoàn và làm tăng thêm những lo ngại xung quang việc chính phủ có thể sẽ giới hạn hơn nữa các nguồn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp Internet đang trên đà phát triển.
Lan Trinh
TheoWall Street Journal