Những cái bắt tay và tham vọng mới của "ông lớn" ngành kem, dầu ăn

Việt Đức

(Dân trí) - Chỉ trong thời gian ngắn, Kido liên tiếp công bố hàng loạt động thái mở rộng trên con đường tìm động lực tăng trưởng mới sau những năm có phần yên ắng.

Sau khi chính thức ra mắt chuỗi cửa hàng cà phê, trà sữa Chuk Chuk vào tháng 9, Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) đang thể hiện "tham vọng" chinh phục thị trường kinh doanh ăn uống (F&B) bằng việc bắt tay với Tập đoàn Sơn Kim để nhanh chóng nhân rộng hệ thống của mình.

Theo thỏa thuận hợp tác công bố hôm nay, sản phẩm của thương hiệu F&B do Kido quản lý dự kiến có mặt tại toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẻ GS25 thuộc Sơn Kim đến cuối năm 2022.

Xu hướng các thương hiệu F&B hợp tác cùng những chuỗi bán lẻ lớn đã xuất hiện từ trước. Giữa năm nay, Masan công bố đầu tư chiến lược vào Phúc Long, đồng thời đưa các cửa hàng trà sữa của đối tác vào hệ thống siêu thị WinMart+ (tên cũ VinMart+) dưới dạng kiosk bán hàng.  

Với sự hợp tác cùng Sơn Kim, Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên cho biết ngay sau khi ký kết thỏa thuận, hai bên sẽ làm việc để đưa thương hiệu cà phê, trà sữa của tập đoàn nhanh chóng bao phủ các cửa hàng tiện lợi GS25 tại TPHCM, rồi mở rộng dần ra các tỉnh phía Bắc. Tùy theo diện tích cửa hàng tiện lợi, thương hiệu của Kido có thể hiện diện dưới dạng kiosk hay quầy kệ. 

Ông Nguyên tự tin rằng không chỉ Kido hưởng lợi khi các sản phẩm của mình tiếp cận thêm khách hàng của GS25 mà bản thân chính chuỗi cửa hàng tiện lợi này cũng sẽ thu hút được thêm nhiều người tiêu dùng hơn nhờ chính thương hiệu F&B của Kido.

Cũng theo CEO Kido, chuỗi F&B của tập đoàn này còn đang nghiên cứu để hợp tác với một số đối tác khác để tăng tốc độ phủ hơn nữa, thậm chí tiến ra nước ngoài chứ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước.

Những cái bắt tay và tham vọng mới của ông lớn ngành kem, dầu ăn - 1

Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên (bên trái) và Chủ tịch HĐQT Sơn Kim Nguyễn Hoàng Tuấn (Ảnh: KDC).

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng thừa nhận thị trường F&B vẫn còn thách thức khi đại dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn. Do đó, bản thân công ty cũng phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra các chiến lược mở rộng. 

"Đương nhiên cũng có cái cơ trong nguy. Tháng 6 chúng tôi ra mắt thương hiệu, muốn đi nhanh nhưng rồi giãn cách 4 tháng liền. Nhưng chúng tôi cũng có cơ hội thuê nhiều mặt bằng tốt mà trước đây nếu muốn thuê rất khó khăn. Giá thuê những nơi đó đã giảm khoảng 50% so với bình thường", CEO Kido chia sẻ. 

Bắt đầu từ năm 2020, Kido liên tục có nhiều chuyển động mới sau quãng thời gian kết quả kinh doanh gần như chỉ đi ngang giai đoạn 2017-2019. Tập đoàn này chính thức quay trở lại ngành hàng bánh kẹo sau hơn 5 năm, ra mắt sản phẩm nước tươi dưới thương hiệu liên doanh Vibev cùng Vinamilk song song với việc phát triển hệ thống F&B riêng, mua lại phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Dầu ăn Vocarimex.

Với hai ngành hàng chủ lực hiện hữu gồm kem và dầu ăn, dù vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm, các lĩnh vực này theo ông Nguyên khó có thể giúp Kido nhanh chóng tăng quy mô. Công ty muốn tăng trưởng nhanh bằng cách tham gia nhiều ngành hàng mới và tìm các đối tác liên doanh, liên kết để cùng đi nhanh hơn.

Theo dự báo của VNDirect Research, doanh thu của Kido năm nay có thể chạm ngưỡng 9.751 tỷ đồng với các ngành hàng mới, tăng 17% so với 2020. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của Kido có thể tăng mạnh hơn 80% so với cùng kỳ lên gần 600 tỷ đồng.