Nhựa Tiền Phong: Khẳng định vị thế thương hiệu Việt

Trường Thịnh Nam Anh

(Dân trí) - Năm 1960, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (nay là Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong) chính thức ra đời.

Nhựa Tiền Phong: Khẳng định vị thế thương hiệu Việt - 1

Sản phẩm ống HDPE gân sóng 2 lớp.

Là đơn vị sản xuất gia công nhựa đầu tiên của Việt Nam, chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ thiếu niên - nhi đồng, 60 năm qua, các sản phẩm của Nhựa Tiền Phong luôn lấy chất lượng làm giá trị cốt lõi, đa dạng sản phẩm với giá thành phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Truyền thống tiên phong

Những món đồ chơi đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam dành cho hàng ngàn thiếu niên, nhi đồng ở những năm đầu thành lập đã đánh dấu sự khai sinh và phát triển của ngành Nhựa Việt Nam. Nhiều bạn đọc ở thế hệ 6X, 7X hẳn chưa quên hình ảnh đôi dép nhựa trắng Tiền Phong từng nổi tiếng một thời. Những đôi dép được sản xuất giữa lửa đạn chiến tranh, giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn của nhà máy… đã trở thành một kỷ niệm khó quên.

Đôi dép nhựa Tiền Phong ngay từ khi ra đời và được nhân dân đón nhận, ưa chuộng, thậm chí trở thành “biểu tượng thời trang” của thanh niên cả nước lúc bấy giờ. Có người còn trân trọng giữ gìn cho đến ngày nay, bởi với thế hệ đương thời, đôi dép ấy không chỉ quý, hiếm mà còn mang một giá trị tinh thần sâu sắc.

Những năm 1990, đất nước ta đứng trước thời cơ và vận hội mới, Nhựa Tiền Phong đã kiên trì thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường. Trong thời gian ngắn, đơn vị đã sản xuất ra hạt nhựa có năng suất cao, sản xuất được ống nhựa, tôn lợp nhà… Nhà máy tạm ngưng sản xuất những mặt hàng truyền thống nổi tiếng một thời, mạnh dạn chuyển sang sản xuất ống nhựa PVC, đón đầu xu hướng phục vụ cho hàng loạt các công trình xây dựng, công trình cấp thoát nước trên cả nước, đánh dấu một bước trưởng thành sau 30 năm của của Nhựa Tiền Phong.

Nhựa Tiền Phong: Khẳng định vị thế thương hiệu Việt - 2
Dàn máy sản xuất ống PP-R.

Vượt qua gian khó

Khép lại năm 2019, doanh thu của Nhựa Tiền Phong trên cả ba khu vực Bắc - Trung - Nam đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cho các ngành xây dựng dân dụng, phát triển hạ tầng cấp thoát nước, giao thông đô thị… Bước sang năm 2020, trong sáu tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của Nhựa Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP) chưa được như kỳ vọng do ảnh hưởng chung bởi đại dịch Covid-19.

Tính đến 30-6, lợi nhuận trước thuế của Nhựa Tiền Phong đạt 237,7 tỷ đồng, giảm 5,3% (tương đương 13,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019. Ông Chu Văn Phương, Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết, yếu tố khiến lợi nhuận của công ty giảm là do công ty có khoản trích lập dự phòng phải thu là hơn 79 tỷ đồng. Đây là biện pháp tài chính bắt buộc theo nguyên tắc tài chính kế toán để bảo toàn nguồn vốn và lợi nhuận cho doanh nghiệp trong tương lai. Khi các khoản nợ này được thu hồi, các khoản dự phòng dành cho nợ khó đòi này sẽ được chuyển thành lợi nhuận của doanh nghiệp, lúc đó lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong sẽ có sự tăng mạnh.

Hiện Nhựa Tiền Phong đã lên kế hoạch thu hồi với lộ trình cụ thể. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Hải (gọi tắt là Công ty Minh Hải) hiện đang là đơn vị phân phối có khoản nợ phải thu hồi tính đến cuối quý II/2020 lớn nhất. Công ty Minh Hải cũng là đơn vị có thành viên quản lý chủ chốt là cá nhân liên quan đến ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Nhựa Tiền Phong cho nên để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản trị của công ty, sau khi ông Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT từ tháng 4/2019, Nhựa Tiền Phong và Công ty Minh Hải đã thống nhất và chính thức chấm dứt hợp đồng phân phối kể từ ngày 1/1/2020.

“Đây là Trung tâm phân phối có nhiều khách hàng là các dự án lớn cho nên tiến độ thanh toán khó có thể nhanh như các khách hàng bán lẻ. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên nhiều đối tác kinh doanh cũng đã xin giãn tiến độ thanh toán. Tính đến cuối tháng 8/2020, Công ty Minh Hải đã thu công nợ với số tiền 215 tỷ đồng và chuyển trả cho Nhựa Tiền Phong, giảm gần 1/2 số công nợ tại thời điểm chấm dứt hợp đồng phân phối. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ thu hồi thêm 75 tỷ đồng nữa. Số công nợ còn lại là 193,47 tỷ đồng sẽ bảo đảm được thu hồi trong quý I/2021”, ông Phương khẳng định.

Nhựa Tiền Phong: Khẳng định vị thế thương hiệu Việt - 3
Kiểm tra và bảo dưỡng máy móc.

Đoàn kết tạo ra sức mạnh

Lớn mạnh qua bao thăng trầm lịch sử, Nhựa Tiền Phong ngày nay trải dài từ Bắc vào Nam gồm Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam và Công ty TNHH Nhựa Tiền Phong miền Trung với hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên. Nhựa Tiền Phong hiện có tổng năng lực sản xuất đạt gần 100 nghìn tấn/1 năm. Với 10 nghìn đầu mã sản phẩm ống và phụ tùng nhựa theo ba loại nhựa chính HDPE, PPR, PVC, Nhựa Tiền Phong luôn khẳng định: “Chất lượng là trên hết, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng”.

Con tàu Nhựa Tiền Phong đang được chèo lái bởi một tập thể lãnh đạo trẻ, năng lực và luôn mong muốn là phải mở rộng thị phần trong nước và quốc tế. Những hợp tác với các đối tác chiến lược được thực hiện, việc đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại được triển khai với hàng nghìn tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Để làm được điều đó, điều cần nhất vẫn là sự đoàn kết một lòng vốn đã trở thành truyền thống quý giá trong suốt 60 năm của Nhựa Tiền Phong.