Nhu cầu vàng thế giới xuống mức thấp nhất 2 năm qua
(Dân trí) - Báo cáo của Hội đồng vàng thế giới ngày 16/8 cho thấy nhu cầu vàng thế giới trong quý II vừa qua đã xuống mức thấp nhất kể từ 2010. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm sức mua tại các thị trường lớn là Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong quý 2 sản lượng tiêu thụ vàng của thế giới đã giảm 7%, tương đương gần 76 tấn xuống còn 990 tấn. Đây là mức tiêu thụ theo quý thấp nhất kể từ quý I năm 2010.
Nhu cầu vàng trang sức thế giới sụt gần 15% trong qúy 2
Trong đó cả nhu cầu vàng trang sức lẫn vàng đầu tư đều giảm mạnh. Lượng vàng trang sức được bán ra chỉ đạt 418,3 tấn, giảm 72,3 tấn, tương đương 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số vàng đầu tư sụt 88,3 tấn, xuống chỉ còn 302 tấn.
Theo ông Marcus Grubb, giám đốc nghiên cứu đầu tư của WGC, nhu cầu vàng của cả năm nay vẫn có thể tăng so với 2011. Dù vậy ông cho rằng tốc độ tăng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những động thái chính sách có lợi cho giá vàng từ các ngân hàng thế giới cũng như sự phục hồi của thị trường Ấn Độ.
“Yếu tố có tác động lớn nhất chính là Ấn Độ. Nhu cầu sẽ phụ thuộc vào tình hình nửa cuối năm nay ra sao và liệu mức độ phục hồi sẽ thế nào”, ông Grubb nói.
“Ngoài ra sức mua cũng cũng phụ thuộc vào triển vọng vĩ mô từ nay cho đến cuối năm. Chắc chắn khả năng Hy Lạp rời khu vực đồng euro chính là một trong số đó. Bên cạnh đó sức mua cũng phụ thuộc vào diễn biến tại Bắc Mỹ và việc liệu chúng ta có thể được thấy thêm những chính sách nới lỏng định lượng tại Bắc Mỹ và châu Âu hay không. Với kịch bản đó nhu cầu vàng có thể cao hơn năm ngoái. Nhưng trong một kịch bản ít biến động hơn, trong đó không có sự kiện nào lớn từ nay đến cuối năm và thị trường Ấn Độ chỉ cải thiện chút ít thì sản lượng tiêu thụ sẽ rất ngang bằng với năm 2011”, chuyên gia này nhận định.
Trong quý 2 vừa qua, nhu cầu vàng đầu tư và trang sức của người tiêu dùng Ấn Độ, thị trường vàng lớn nhất thế giới, đã lao dốc khi chỉ đạt 181,3 tấn, giảm 38% so với cùng kỳ 2011. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do chính phủ Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu cùng với giá vàng lên cao kỷ lục do đồng Rupee suy yếu.
“Có khả năng đồng Rupee sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm và sẽ giúp chặn đà sụt giảm của nhu cầu vàng”, ông Grubb cho biết. “Bên cạnh đó đây cũng là thời kỳ nhu cầu vàng tăng theo chu kỳ do có lễ hội Diwali và các lễ hội khác. Do đó chúng tôi dự báo 2 quý cuối năm tình hình sẽ tốt lên nhưng nhìn chung thị trường Ấn Độ vẫn rất nhiều thách thức”.
Vị chuyên gia này cũng nhận định đến cuối năm nay Ấn Độ sẽ mất ngôi vị số 1 trên thị trường vàng về tay Trung Quốc. Sản lượng vàng tiêu thụ tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dự báo có thể tăng 10%, đạt 850 tấn. Trong khi đó nhu cầu tại Ấn Độ sẽ dừng ở 650 – 750 tấn, giảm mạnh so với con số 933 tấn của năm ngoái.
Trong nửa đầu năm, sức mua của thị trường Trung Quốc cũng giảm 7%, xuống còn 144,9 tấn. Nguyên nhân được WGC chỉ ra là do sự giảm tốc của nền kinh tế cùng sự không rõ ràng trong xu hướng của giá vàng. “Đây là quý tăng trưởng âm đầu tiên của thị trường Trung Quốc trong một thời gian dài. Nhưng chúng tôi cho rằng điều này là do tác động chung của toàn nền kinh tế chứ không riêng gì thị trường vàng”, ông Grubb nói tiếp.
Tại thị trường Mỹ và doanh số vàng trang sức và vàng đầu tư giảm 17% xuống còn 34,2 tấn. Trong bối cảnh các thị trường lớn đều sụt giảm, EU trở thành điểm sáng hiếm hoi với sức cầu tăng 11%, đạt 86,4 tấn. Sở dĩ có hiện tượng này là do người tiêu dùng châu Âu muốn tìm “vịnh tránh bão” giữa lúc khủng hoảng nợ công càng lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực tới đồng Euro. Từ đầu năm đến nay đồng tiền này đã mất giá 5% so với USD.
Giữa lúc sức cầu của khu vực tư nhân sụt giảm thì các ngân hàng trung ương khắp nơi trên thế giới lại đang tích cực mua vào. Trong quý 2, sản lượng đã đạt mức kỷ lục 157,5 tấn khi cả Nga, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đều thông báo lượng vàng dự trữ tăng.
“Nếu nhìn vào 6 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương đã mua tổng cộng 254 tấn, vượt xa mức 200 tấn của nửa đầu 2011. Với đà này, chúng tôi kỳ vọng năm nay sẽ là năm kỷ lục của các ngân hàng trung ương, vượt trên cả lượng mua vào của năm ngoái, vốn đã là kỷ lục từ năm 1964”.
Thanh Tùng
Theo Reuters