TPHCM:

Nhộn nhịp thị trường Noel

(Dân trí) - Dọc khắp các con đường, không khí mua sắm cho dịp Noel và Tết dương lịch 2007 đã bắt đầu nhộn nhịp. Nắm bắt cơ hội này, các mặt hàng từ quần áo, giày dép, đến những vật dụng trang trí cho đêm Giáng sinh đã được giới kinh doanh tung ra thị trường.

Từ hàng trong “shop”…

Khảo sát tại một số con đường chuyên phục vụ mua sắm như Cách Mạng Tháng 8, Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Trãi… hai bên đường đã tấp nập người đi mua sắm vào các dịp cuối tuần.

Năm nay, theo đánh giá của các chủ hàng, đồ tiêu dùng năm nay hầu như chưa có gì mới. Tuy nhiên, giá cả đã tăng khá cao so với mọi năm. Chính vì vậy, người tiêu dùng đã phải đắn đo khi mua những món hàng.

Chị Trần Thị Hòa, giáo viên trường tiểu học tại Quận 3 tâm sự: “Do giá cả tăng nên việc chi tiêu vào ngày Noel và Tết dương lịch tới của gia đình chị sẽ phải dè sẻn hơn chút”.

Cây thông, lồng đèn ngôi sao, thiệp, quần áo, giày dép… vẫn là những mặt hàng thiết yếu ăn khách nhất. Bạn Nguyễn Hữu Toàn, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học KHXH&NV thổ lộ: “Mặc dù giá cả có tăng nhưng vào ngày Lễ, Tết đi chơi với bạn gái chẳng lẽ lại không có những bộ quần áo mới”.

Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu, những món hàng đặc trưng cho Noel cũng đang hút hàng. Những cây thông giá từ vài chục nghìn lên đến hơn chục triệu đồng. Ông già tuyết, có giá từ 200 nghìn đến… 8 triệu. Riêng lồng đèn, đây là vật dụng không thể thiếu đối với phần lớn gia đình, giá dao động mạnh từ 40 - 200 nghìn đồng.

Các loại hàng phổ thông, thông dụng như: thiệp, hoa khô… là những vật dụng được các bạn trẻ ưa thích nhất. Những tấm thiệp mang tính đặc trưng riêng, không “đụng hàng” luôn là tâm điểm của giới sinh viên, học sinh, có giá từ 20 - 50 nghìn đồng.

Để có được những tấm thiệp gọi là độc đáo và rẻ, theo chị Hoài An, bán văn hóa phẩm trên đường Cách Mạng Tháng 8, bật mí: “Nhờ có đứa con hiểu biết chút ít về tin học nên nhà tự thiết kế và làm luôn, giá cạnh tranh hơn so với những thiệp do các công ty và các cơ sở sản xuất khác”.

Ngoài ra những bộ hang đá nhỏ, tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ… giá khoảng từ 50 - 300 nghìn đồng mỗi bộ tùy thuộc vào kích cỡ và độ tinh xảo của sản phẩm. Tuy nhiên, theo nhận định của người bán thì mặt hàng này mãi lực mua không lớn bởi người tiêu dùng có thể sử dụng trong nhiều năm liên tục.

…ra đến vỉa hè

Tâm điểm của hàng tiêu dùng, thu hút mọi tầng lớp trong xã hội vẫn là quần áo và giày dép. Nhận xét của giới thạo mua sắm cho thấy, năm nay vẫn chưa thấy có những model gì mới, thị trường phần lớn vẫn là mẫu của những năm trước được cách điệu đôi chút.

Chị Mai Hoa, bán quần áo trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Hàng may sẵn hiện nay đang mất dần ưu thế, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã quay về với những người thợ may, tự thiết kế, mua vải và lên cho mình bộ cánh theo ý muốn”. Qua chị Hoa được biết, không chỉ có những cô gái thích quần áo theo đặt hàng mà các “quý ông” hiện cũng đang có xu hướng quay về với các tiệm may.

Trên các lề đường, từ áo khoác, áo sơ mi, quần tây đủ kiểu, màu sắc đa dạng cũng được tung ra để phục vụ nhu cầu của “thượng đế” với giá cả hấp dẫn cho giới bình dân. Phù hợp túi tiền và chỉ cần mặc vài tháng để thay bộ cánh mới là “tiêu chí” của không chỉ giới sinh viên mà còn cả của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Anh Bùi Minh Nhật, công nhân khu Công nghiệp Tân Bình cho biết: “Khi mua những mặt hàng ven đường này, với những nhãn mác “hiệu”, bất kể hàng giả hay thiệt nhưng mình vẫn được tiếng là chịu chơi, mặc vài ngày thay áo mới”. Với sinh viên Nguyễn Thùy Trâm thì khác: “Tiền ba má gửi từ quê lên có hạn chế, khi sắm những bộ áo quần đắt tiền, không lẽ quanh năm suốt tháng chỉ mặc một cái”.

Mãi lực mua sắm đang thu hút người tiêu dùng vào những dịp mua sắp cuối năm, dịp Noel và các chuỗi các ngày Lể, Tết sắp tới. Bên cạnh những hàng thật vẫn có những hàng giả, hàng kém chất lượng đi kèm. Thế nên, người tiêu dùng khi mua sắm cho mình những vật dụng, đồ dùng cần thiết, nên chú ý đến xuất xứ hàng hóa, âu cũng là tránh chuyện “tiền mất, tật mang”.

Đỗ Hưng