Kon Tum:

Nhộn nhịp phiên chợ ở "thủ phủ" sâm Ngọc Linh, thu về hơn 30 tỷ đồng

Nay Sắt

(Dân trí) - Ngày 26/4, UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, kết thúc phiên chợ sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch, người dân và doanh nghiệp đã thu được 30 tỷ đồng.

Theo thông tin từ UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), phiên chợ Sâm Ngọc Linh lớn nhất Kon Tum diễn ra từ 24/4 đến 26/4 với 46 gian hàng và 158 mặt hàng, 9 mặt hàng sâm củ và chiết xuất từ sâm củ của 38 đơn vị đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương,…

Hơn 2.000 lượt người đã đến tham quan, mua sắm. Qua hơn 2 ngày phiên chợ mở, người dân và doanh thu tham gia đã thu về được hơn 30 tỷ đồng từ việc bán củ Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu khác.

Nhộn nhịp phiên chợ ở thủ phủ sâm Ngọc Linh, thu về hơn 30 tỷ đồng - 1

Phiên chợ có 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cơ sở trồng, sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh với 46 gian hàng. Ngoài sâm củ và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, các gian hàng còn trưng bày nhiều sản phẩm đặc hữu của huyện Tu Mơ Rông như hồng đẳng sâm, sâm đương quy, nấm lim xanh, mật ong…

Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Phạm Xuân Quang cho biết, tại phiên chợ lần này có 11 xã trên địa bàn huyện tham gia trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Các nhóm sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, dán tem truy nguồn gốc nên đã thu hút đông đảo du khách tham quan, mua sắm.

Trong đó, có đơn vị  đã bán được hơn 10 kg sâm củ, thu về gần 2 tỷ đồng. Các củ sâm của đơn vị này đều có tuổi thọ từ 8-15 năm, có giá trị kinh tế khủng, có củ sâm được bán giá trên 100 triệu đồng/kg.

Nhộn nhịp phiên chợ ở thủ phủ sâm Ngọc Linh, thu về hơn 30 tỷ đồng - 2

Sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ đều được gắn tem và mã vạch để khách hàng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ.

Hoạt động phiên chợ này mang thông điệp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với trục xoay là rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch. Huyện đặt ra mục tiêu phát triển rừng để tạo đà phát triển du lịch và dược liệu. Từ đó, đưa hình ảnh, con người và sản phẩm của Tu Mơ Rông đến gần hơn với người dân trong và ngoài tỉnh.