Quảng Nam: Độc đáo phiên chợ sâm tiền tỉ
(Dân trí) - Đây là phiên chợ họp mỗi tháng một lần do chính quyền địa phương tổ chức cho người dân và những người trồng sâm ở huyện miền núi Nam Trà My bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Điều thú vị, kết thúc mỗi phiên chợ, số sâm bán được đến cả chục tỉ đồng.
Bắt đầu từ tháng 10 năm nay, “thủ phủ sâm” của cả nước - huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức phiên chợ sâm lần đầu tiên cho người trồng sâm ở núi Ngọc Linh buôn bán, giao dịch. Phiên chợ được tổ chức mỗi tháng 1 lần từ ngày 1-3 hàng tháng.
Đây là sáng kiến của chính quyền huyện Nam Trà My nhằm tạo cầu nối giữa những người trồng sâm ở núi Ngọc Linh và người tiêu dùng.
Tại mỗi kỳ chợ được tổ chức ở Trung tâm văn hóa huyện có khoảng 20 gian hàng của các cá nhân, đơn vị có sâm trồng ở Ngọc Linh đưa đến giao dịch. Ngoài ra, người dân – đặc biệt là người đồng bào Cadong - còn đưa các mặt hàng nông sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ đến giới thiệu cho người dân và du khách gần xa.
Điều đặc biệt nhất ở chợ sâm này là tất cả sản phẩm đều là sâm thật 100%. Chủ tịch huyện Nam Trà My đã tuyên bố: “Ai mua trúng sâm giả ở chợ sâm này sẽ được trả lại tiền”.
Để kiểm tra đầu vào đảm bảo 100% sâm đều là thật, huyện Nam Trà My tổ chức một tổ giám định kiểm tra ngay tại cửa, đảm bảo tất cả củ sâm bán tại chợ này đều được tổ kiểm định này xem xét, cân đo trước khi được đưa vào giao dịch.
Trong quá trình giao dịch, lực lượng chức năng và ngay cả ông Chủ tịch huyện cũng thường xuyên có mặt tại chợ để giám sát và có thể tư vấn cho khách hàng chọn loại sâm theo điều kiện và nhu cầu của mình.
Tại mỗi phiên chợ, có đến gần 1 vạn lượt người đến đây tham quan, giao dịch với tổng lượng sâm được trao đổi, mua bán lên đến cả chục tỉ đồng. Nhiều khách hàng ở Hà Nội, TPHCM “vác” cả bao tiền đến để mua sâm. Cảnh trao đổi, mua bán và… đếm tiền ở chợ đông vui như hội.
Tại chợ này, sâm cũng có nhiều giá khác nhau nhưng không có loại sâm nào giá dưới 50 triệu đồng một kg. Đặc biệt có loại “sâm cụ” được giao dịch lên đến gần 300 triệu đồng/kg. Còn giá sâm trung bình được giao dịch tại chợ này từ 70-90 triệu đồng/kg.
Ngay cả lá sâm cũng được bán với giá từ 6,5-7 triệu đồng mỗi kg nhưng không phải lúc nào cũng có lá để bán, vì mùa đông lá sâm sẽ rụng. Tuy nhiên, những người trồng sâm cho biết, lá sâm nếu không cắt tỉa, vào mùa rụng thì cũng rất lãng phí.
Chủ tịch huyện Nam Trà My – ông Hồ Quang Bửu cho biết, trước đây khoảng 4 năm, giá sâm Ngọc Linh chỉ khoảng 15 triệu đồng mỗi kg nhưng người trồng tìm người mua rất khó vì công tác tổ chức quảng bá, giới thiệu đến người dân không được chú trọng.
Nay cây sâm đã được trả lại đúng giá trị của nó. Ông Bửu cũng cho hay, như lá sâm trước đây chỉ 5-600 ngàn đồng mỗi kg nhưng cũng ít người mua. Nay nếu muốn mua về ngâm rượu thì cũng phải dặn trước mới có mà giá cũng hơn chục lần so với trước đây.
Chợ sâm tiền tỉ ở Nam Trà My
Được biết, tháng 9/2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án Quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000ha với mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm Quốc gia – sâm Việt Nam, là một trong 5 loại dược liệu quý hiếm trên thế giới.
Công Bính