Nhóm đại gia bí ẩn lộ diện: Một ngày tiêu 6 ngàn tỷ đồng

Dòng tiền ngầm của các đại gia kín tiếng, giấu mặt cuồn cuộn chảy vào các định chế lớn. Cơ hội lịch sử có thể giúp các đại gia Việt trở nên siêu giàu và thế lực hơn nữa trong một nền kinh tế mới nổi.

Năm phiên liên tiếp, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank của ông Dương Công Minh giảm giá. Đây là một diễn biến đáng buồn với nhiều cổ đông của ngân hàng này trong bối cảnh nhóm “cổ phiếu vua” đang tăng trưởng rất mạnh và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lập đỉnh cao lịch sử.

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư dài hạn, những phiên giảm điểm này có lẽ cũng không khiến họ bận lòng. Trong thời gian gần đây, một loạt các sếp lớn ngân hàng trong đó có ông Dương Công Minh (chủ tịch Sacombank) liên tiếp có các động thái thu gom cổ phiếu ngân hàng nhằm nâng tỷ lệ sở hữu.

Theo kế hoạch, ngày 20/4 tới, Sacombank sẽ họp đại hội đồng cổ đông thường niên, trong đó có nội dung bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2017-2021, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập sau khi ông Kiều Hữu Dũng - Phó chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank bất ngờ xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và đã được chấp thuận.

Ông Kiều Hữu Dũng từng được bầu là chủ tịch Sacombank năm 2014 thay Phạm Hữu Phú. Đây cũng là giai đoạn chuyển giao quyền giữa các nhóm cổ đông gia đình ông Đặng Văn Thành và gia đình ông Trầm Bê.

Dưới thời ông Dũng, Sacombank đã sáp nhập với SouthernBank do nhóm cổ đông lớn nhất khi đó là gia đình ông Trầm Bê sở hữu. Kể từ sau thương vụ sáp nhập này, Sacombank bắt đầu khó khăn và vướng vào những khoản nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhóm đại gia bí ẩn lộ diện: Một ngày tiêu 6 ngàn tỷ đồng - 1

Đến tháng 6/2017, khi ông Dương Công Minh lên thay vị trí lãnh đạo cao nhất, ông Dũng được bổ nhiệm là Phó chủ tịch thường trực.

Gần đây, Sacombank đã phần nào vượt qua được khó khăn sau khi dồn dập bán các tài sản khủng là các lô đất thế chấp với trị giá cả chục ngàn tỷ đồng và lợi nhuận từ tín dụng cũng tăng mạnh.

Trước đó, để tránh sở hữu chéo trước khi bước vào Sacombank, ông Dương Công Minh cũng đã bắt buộc phải thoái vốn tại LienVietPostBank (LPB) và ông chủ Tập đoàn Him Lam này đã phải từ nhiệm chức chủ tịch LienVietPostBank để tham gia tái cơ cấu Sacombank, thay vào vị trí “thuyền trưởng” LPB là ông Nguyễn Đức Hưởng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hưởng thôi giữ ghế nóng vì lý do sức khỏe và thay vào đó là ông Nguyễn Đình Thắng trong đại hội cổ đông LPB ngày 28/3.

Hình thành các đế chế siêu giàu

Dòng tiền vào các cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây dồn dập, đi kèm với diễn biến tăng giá phi mã của nhóm cổ phiếu này và nhu cầu tăng vốn hàng chục ngàn tỷ đồng.

Theo kế hoạch, LienVietPostBank sẽ phát hành thêm hàng trăm triệu cổ phiếu để tăng vốn lên trên 10 ngàn tỷ đồng. VIB cũng dự kiến vốn từ 5.600 lên 8.100 tỷ đồng; VPBank thậm chí dự kiến tăng vốn gần gấp đôi lên gần 28 ngàn tỷ đồng…

Hôm qua 28/3, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo về việc 1 thương vụ bí ẩn 6.500 tỷ đồng, chuyển nhượng cổ phiếu VPBank, từ 2 doanh nghiệp sang 4 nhà đầu tư cá nhân. Trước đó, trong năm 2017 hàng loạt các vụ chuyển nhượng khủng cũng đã diễn ra tại ngân hàng này.

Trong vài phiên giao dịch gần đây trên TTCK, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã chùng lại. Tuy nhiên, một số mã cổ phiếu vẫn hút dòng tiền như BIDV (BID), Ngân hàng HDB của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo. Một số mã như Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, VJC của VietJet, PNJ của Cao Thị Ngọc Dung,... tăng mạnh lên đỉnh cao lịch sử.

Gần đây, các đại gia Việt dồn dập đổ tiền vào các dự án lớn. Ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) bắt tay với với tập đoàn xây dựng của Pháp đầu tư dự án đường sắt đô thị số 3 và Sân vận động Hàng Đẫy. Và trước đó cũng đã lấn sân sang mảng khách sạn với thương hiệu T&T Hospitality.

IPP của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn và VietJet của bà Phương Thảo cũng tính đổ tiền vào hạ tầng hàng không, khi mà nhà nước chủ trương xã hội hóa đầu tư để nâng công suất các sân bay, trong đó có Tân Sơn Nhất.

Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long đầu tư vào dự án thép khủng và mở rộng sang nông nghiệp với kỳ vọng quy mô và giá trị tập đoàn “cao gấp đôi”.

Trên TTCK, chỉ số VN-Index vẫn giữ được đỉnh cao kỷ lục. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tăng khá mạnh. Thị trường được dự báo cần thêm thời gian để tạo ra một mặt bằng mới.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 28/3, VN-index tăng 0,51 điểm lên 1.172,24 điểm; HNX-Index giảm 0,73 điểm xuống 132,56 điểm. Upcom-Index giảm 0,52 điểm xuống 59,75 điểm. Thanh khoản đạt 255 triệu cổ phần. Giá trị đạt 7,1 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà
VietnamNet

Nhóm đại gia bí ẩn lộ diện: Một ngày tiêu 6 ngàn tỷ đồng - 2