Nhọc nhằn dân quê đi rút tiền ngân hàng tiêu Tết

Tết, đối với nhiều viên chức ở vùng quê còn là dịp để tranh thủ đi... rút tiền ngân hàng để tiêu Tết. Bởi cơ quan cứ việc chuyển lương qua tài khoản ngân hàng, còn việc có thuận tiện khi rút tiền để dùng hay không là của người hưởng lương.

Sức ép từ nông thôn
 
Sức ép từ nông thôn
 
Theo quy định, việc trả lương theo hình thức nào phải được người nhận lương đồng ý. Nhưng với nhiều công chức ở quê, họ chỉ được thông báo rằng đó là cách vừa tiện lợi lại vừa theo kịp "thời đại công nghệ" và sau đó cứ vậy mà nhận lương.
 
Theo kịp thời đại đâu chưa thấy chứ sự bất tiện cho người dân là điều dễ nhận ra nhất, dù chủ trương từ trung ương là các điều kiện tốt nhất cho người dân sử dụng tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, hạn chế dần việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
 
Từ ngày nhận lương qua ngân ngân hàng và bắt đầu được cấp thẻ ATM, tháng nào anh P.T.T (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cũng phải chạy xe hơn 20km ra thị trấn nhận số tiền lương chưa đầy 2 triệu đồng/tháng.
 
Anh T. cho biết, cả huyện chỉ có một "cây" (máy) ATM của AgriBank đặt tại thị trấn nên muốn rút tiền thì phải chấp nhận đi xa.“Bây giờ gần Tết rồi người ta rút đông lắm nên khi mô đi rút tiền tui cũng phải chờ. May thì còn rút sớm, còn không thì đứng chờ dài cổ rồi lại máy hết tiền. Được cái là huyện ni có cây ATM của AgriBank mà rút chứ ngân hàng khác thì có mà vô Vinh mà rút, ở huyện không có mô”.
 
Đó là những công chức tuổi còn trẻ, còn với những cán bộ tuổi đã cao, việc trả lương qua thẻ hằng tháng chẳng khác nào bắt họ phải để dành cuối năm nhận một lần. Không thể tự đi mình đi xa rút tiền cộng với việc không biết dùng thẻ ngân hàng càng khiến nhiều người trong số họ e ngại, đành để đến cuối năm con cháu đi rút giùm.
 
Qua tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, ở các vùng quê, hầu như một huyện chỉ có 1 cây ATM/ ngân hàng lớn (thường là Agribank, MB Bank hay Vietcombank), ngân hàng ngoại và ngân hàng nhỏ là gần như vắng bóng. 
Đổ dồn lên thành phố
 
Tình trạng quá ít máy ATM ở các tỉnh vùng quê trong khi lượng thẻ ATM cấp cho người đi làm ngày một tăng càng khiến họ thấy sử dụng tiền mặt vẫn tiện lợi hơn. Mặt khác, sức ép lại đổ dồn về hệ thống ATM ở các thành phố.
 
Theo lời nhiều công nhân làm việc ở các khu công nghiệp trong đô thị, những ngày cận Tết doanh nghiệp nào cũng chuyển lương thưởng vào tài khoản ngân hàng, cho nên trước khi về quê họ đều tranh thủ ra các máy ATM để rút tiền trả phí nhà trọ, phí sinh hoạt, mua sắm Tết, mua vé về quê... và để dự trữ nên mới xảy ra tình trạng quá tải.
 
Mặc dù năm nào các ngân hàng cũng cho biết có kế hoạch tăng lượng tiếp quỹ, lập đội xử lý 24/24 tại các máy ATM để giải quyết khi có sự cố nhưng tình trạng trục trặc ATM (thiếu tiền, máy hư, nghẽn mạng) vẫn xảy ra do lượng giao dịch tăng đột biến.
 
Hiện nay, cả hệ thống ngân hàng thương mại có gần 80 triệu thẻ ATM và khoảng 16.000 máy ATM đang hoạt động (số liệu Ngân hàng Nhà nước). Nhưng liệu lượng tiền mặt hiện đang có đáp ứng đủ nhu cầu rút tiền dịp Tết tăng chóng mặt của người dân?
 
Mặc dù NHNN đã đưa ra quy định xử phạt các ngân hàng thương mại nếu để ATM hết tiền, nhưng việc thực hiện lại không hề dễ dàng. 
 
Theo quy định tại Nghị định 96, kể từ giữa tháng 12.2014, nếu ngân hàng nào không giám sát mức tồn quỹ tại máy ATM, không đảm bảo máy ATM có tiền để đáp ứng nhu cầu rút của khách sẽ bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng. 
Đến nay, chưa có một ngân hàng nào bị phạt vì để xảy ra các sự cố máy ATM, gây phiền toái cho người dùng. 
 
Theo Phan Diệu
Một Thế giới
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”