NHNN: Sáp nhập SHB - Habubank là "phương án tối ưu"

(Dân trí) - Cơ quan điều hành tiền tệ quốc gia cho biết, sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để việc sáp nhập giữa hai ngân hàng niêm yết này thành công.

 

NHNN: Sáp nhập SHB - Habubank là phương án tối ưu

Thương vụ sáp nhập 2 ngân hàng niêm yết đầu tiên đã được cơ quan nhà nước đồng ý chủ trương, chỉ còn chờ tiếng nói quyết định của cổ đông SHB vào ngày mai.

Trước ngày diễn ra đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đúng một ngày, hôm nay (4/5), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản cho biết ủng hộ chủ trương sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) ngân hàng này trên cơ sở tự nguyện của hai ngân hàng.

Trước đó, vào ngày 28/4, đại hội đồng cổ đông của Habubank cũng đã thông qua phương án này.

Trong ngày mai, lãnh đạo SHB sẽ phải thuyết phục được các cổ đông “thông” về lợi ích, bởi sau sáp nhập, trong vòng 2-3 năm, cổ đông sẽ không được nhận cổ tức. Cổ tức năm 2012 được tính là khoản nhận thêm 0,21 cổ phiếu SHB mới, song quyết định của cổ đông sẽ còn phải chờ đợi trong phiên họp “hồi hộp” này.

Cơ quan điều hành tiền tệ nhận định: “Quyết định sáp nhập này là một lựa chọn tối ưu để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nói riêng và các nhà đầu tư nói chung tại Habubank, phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để việc sáp nhập này thành công”.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ và NHNN đang khuyến khích các tổ chức tín dụng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng tự nguyện hợp nhất, sáp nhập với nhau.

Đây được cho là giải pháp hiệu quả để giảm bớt số lượng các tổ chức tín dụng yếu kém, từng bước hình thành một hệ thống tổ chức tín dụng đa năng, hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh lớn hơn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.

Với những trường hợp sáp nhập, trong đó có SHB và HBB, NHNN yêu cầu, các ngân hàng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là quyền lợi của người gửi tiền tại từng tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập.

Chiều nay, tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, mục tiêu sáp nhập 5-8 ngân hàng được đưa ra hồi đầu năm vẫn đang được tiến hành. Song để đảm bảo tính ổn định của hệ thống và quyền lợi của khách hàng, việc sáp nhập, cơ cấu lại những ngân hàng yếu kém sẽ diễn ra thận trọng, không vội vàng.

Nguyễn Hiền - Mai Chi