1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

NHNN không cấm lưu thông các loại vàng khác nhau

(Dân trí) - NHNN khẳng định: Việc chuyển đổi vàng miếng từ nhãn hiệu khác sang nhãn hiệu SJC là quyền của người sở hữu, NHNN không bắt buộc. Do đó, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin, NHNN không cấm lưu thông các loại vàng khác nhau.

Thương hiệu vàng SJC.

Thương hiệu vàng SJC.

Giải thích về việc chọn SJC độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng, đại diện NHNN cho biết: “Cũng có ý kiến thắc mắc tại sao lại lựa chọn thương hiệu SJC mà không phải là thương hiệu khác? Đây hoàn toàn là do thị trường điều tiết, mà thương hiệu SJC chiếm hơn 90% thị phần nên sẽ không gây ra xáo trộn”. Nếu lựa chọn thương hiệu vàng miếng khác thì số tiền chi phí phải bỏ ra để chuyển đổi là rất lớn (trung bình chi phí dập một miếng vàng là 50.000 đồng, chưa kể chi phí loại bỏ tạp chất và kiểm định chất lượng.

Theo NHNN, trước đây, SJC được kinh doanh vàng trang sức, vàng miếng và dập vàng miếng nhưng từ ngày 25/5, công ty này chỉ còn chức năng kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất có chức năng dập vàng miếng và lựa chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Trước việc hàng trăm lượng vàng nhái thương hiệu SJC gây bất ổn tâm lý của một bộ phận dân cư nắm giữ vàng, NHNN khẳng định: Cùng với vàng SJC, vàng miếng mang các nhãn hiệu khác đã được mua bán từ trước vẫn được tiếp tục lưu thông, mua bán. Việc chuyển đổi vàng miếng từ nhãn hiệu khác sang nhãn hiệu SJC là quyền của người sở hữu, NHNN không bắt buộc. Do đó, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin, NHNN không cấm lưu thông các loại vàng khác nhau.

Cũng theo NHNN, thị trường vàng đang đi dần vào quỹ đạo và theo đúng “bài bản”, từng bước chống hiện tượng đầu cơ, giảm nhập lậu và tiến tới xóa bỏ việc huy động, cho vay bằng vàng, góp phần ổn định tỷ giá, đồng thời cứu được thanh khoản của nhiều ngân hàng yếu kém. Việc thiết lập quản lý thị trường vàng được NHNN thực hiện theo lộ trình 3 bước và đang thực hiện bước 1 là chấm dứt huy động, cho vay vàng, chuyển đổi toàn bộ hoạt động cho vay vàng sang quan hệ mua bán.

“NHNN không bình ổn giá vàng. Các TCTD trước đây đã "ăn đủ" nên giờ lỗ là đương nhiên. Sau khi chấm dứt quan hệ cho vay huy động chuyển sang mua bán, NHNN không tham gia bình ổn giá vàng mà tham gia như một người kinh doanh vàng”, đại diện NHNN nhấn mạnh.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 25/10, TS.Cao Sỹ Kiêm cho rằng, thị trường vàng của Việt Nam đang có 3 vấn đề phải giải quyết, đó là: Phải liên thông với thị trường thế giới; phải huy động được và sử dụng lượng vàng đang ở trong dân; phải làm tốt khâu dự trữ, lưu thông cũng như quản lý chất lượng vàng miếng.

Về việc nhiều người dân mua phải vàng nhái thương hiệu SJC, ông Kiêm cho rằng: “Mua vàng tại ngân hàng thì phải có biên lai, có bản cam kết về chất lượng nhưng đôi khi người mua lại đơn giản hóa, không đòi hỏi những giấy tờ cần thiết, đến khi xảy ra hậu quả thì phải chấp nhận”.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần phải kiểm tra và xử lý cụ thể hiện tượng vàng nhái thương hiệu SJC đang diễn ra trên thị trường. Nếu do lỗi của ngân hàng trong quản lý thì cơ quan chức năng phải xử lý ngân hàng, nếu khuyết điểm từ người chế tác thì phải xử lý người chế tác.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm