NHNN: “Đừng vội bán vàng miếng SJC móp méo với giá thấp”

(Dân trí) - NHNN khẳng định: “Tất cả các loại vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như các loại vàng miếng nhãn hiệu khác đúng tiêu chuẩn, nếu có nhu cầu, đều được chuyển đổi thành vàng SJC. Doanh nghiệp và người dân đừng vội bán với giá thấp mà ảnh hưởng đến quyền lợi”.

NHNN khuyên người dân đừng vội bán vàng miếng cong vênh, méo móp.

NHNN khuyên người dân đừng vội bán vàng miếng cong vênh, méo móp.

Kể từ ngày 13/8 tới nay, Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) thông báo và từ chối mua vào vàng miếng SJC bị móp méo với lý do “hết tiền”. Việc công ty này thông báo dừng mua vàng móp méo trong thời điểm giá vàng tăng cao lên mức 42,5 triệu đồng/lượng - mức cao nhất 2 tháng qua - đã gây xôn xao dư luận và lo lắng đối với đại đa số người dân đang nắm giữ vàng.

Trước sự việc này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết: Sau thời gian nghiên cứu, NHNN đang gấp rút hoàn thành để có thể ban hành ngay trong một vài ngày tới các quy định có liên quan đến hoạt động sản xuất vàng miếng SJC. Trong đó bao gồm cả các quy định về chuyển đổi vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như chuyển đổi các loại vàng miếng nhãn hiệu khác thành vàng miếng SJC, làm cơ sở cho việc thống nhất thực hiện trong toàn quốc đối với mọi đối tượng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vàng miếng.

Cũng theo Phó Thống đốc Hưng, nguyên tắc chung của các quy định nói trên là tất cả các loại vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như các loại vàng miếng nhãn hiệu khác đúng tiêu chuẩn, nếu có nhu cầu, đều được chuyển đổi thành vàng SJC. Do vậy, ông Hưng khuyên doanh nghiệp và người dân yên tâm, đừng vội bán với giá thấp mà ảnh hưởng đến quyền lợi.

Đề cập tới việc dư luận cho rằng các quy định hiện hành đã tạo điều kiện cho Công ty SJC được độc quyền sản xuất, mua bán và từ chối việc mua bán vàng miếng SJC, ông Hưng cho hay: “Hiểu như trên là hoàn toàn không đúng với các quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định hiện hành khác về sản xuất và kinh doanh vàng miếng”.

Theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, kể từ ngày 25/5/2012, hoạt động sản xuất vàng miếng do Nhà nước độc quyền và NHNN được Nhà nước giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng, tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Do đó, tất cả các doanh nghiệp đã được NHNN cấp phép dập vàng miếng (kể cả công ty SJC) đều phải chấm dứt dập vàng miếng.

Trên cơ sở thực tế gần 90% vàng miếng đang lưu hành trên thị trường là vàng miếng SJC, theo ông Hưng, để ổn định việc lưu thông vàng miếng và tiết giảm chi phí của xã hội, NHNN quyết định chọn nhãn hiệu SJC là nhãn hiệu vàng miếng của NHNN (sau khi đã thống nhất với các bên có liên quan đúng theo quy định của pháp luật) và kể từ ngày 25/05/2012, hoạt động sản xuất vàng miếng SJC là do NHNN độc quyền tổ chức thực hiện.

“Như vậy, không có việc Công ty SJC độc quyền sản xuất vàng miếng như dư luận đã nêu. Sau ngày 25/5, công ty SJC cũng bình đẳng như mọi doanh nghiệp khác, không được sản xuất vàng miếng mà chỉ được quyền mua, bán và từ chối mua, bán vàng miếng SJC hay các loại vàng miếng khác theo quyết định của chính họ phù hợp với các quy định của pháp luật”, vị đại diện này khẳng định.

Nguyễn Hiền