Nhìn lại thị trường giao nhận thức ăn sau một năm 2018 đầy biến động
(Dân trí) - 2018 vừa qua có lẽ là một năm đầy biến động của thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến tại Việt Nam. Theo đó, sự trỗi dậy bất ngờ của những tên tuổi mới khiến nhiều cái tên cũ bị hạ bệ về doanh thu, thậm chí rút khỏi thị trường trị giá 33 triệu USD theo ước tính của Euromonitor.
Những cái tên ngậm ngùi “dừng bước”
Đầu tiên phải kể đến chính là ứng dụng đặt món của Lala. Cuối tháng 12 vừa qua, đồng loạt các tính năng đặt món trên ứng dụng này đều bị vô hiệu hoá sau một năm hoạt động. Ứng dụng cũng không còn hiển thị trên các chợ ứng dụng iOS hay Android, fanpage trên Facebook cũng bất ngờ bị đóng cửa. Điều này tạo nên không ít tò mò bởi trước đó một tháng, Lala còn ráo riết tung các ưu đãi giảm giá 50%, món ăn 0 đồng… để giữ chân khách hàng trước sự phát triển nhanh chóng của những tân binh như GrabFood hay Go-Food.
Tại thời điểm vừa ra mắt, ứng dụng thuộc hệ sinh thái của Scommerce có không ít lợi thế lớn khi tận dụng được nguồn lực từ gần 10.000 tài xế giao hàng của AhaMove và 7.000 nhà hàng của iPOS. Thành công của Scommerce với Giao Hàng Nhanh - hãng vận chuyển đứng thứ hai trong thị trường giao nhận thương mại điện tử cũng khiến nhiều người đặt kỳ vọng vào Lala. Tuy nhiên, những bệ phóng này chưa đủ để đưa Lala trở thành cái tên nổi bật của thị trường.
Trước đó, FoodPanda - đơn vị hoạt động tại hàng chục quốc gia khắp thế giới cũng chấp nhận thất bại tại Việt Nam sau ba năm triển khai cùng nhiều nỗ lực nhằm thay đổi mô hình vận hành. Năm 2015, công ty tuyên bố bán lại cho Vietnammm và tuyên bố “dừng bước”.
Tân binh vươn mình mạnh mẽ
Sự biến mất của Lala và FoodPanda là một lát cắt trong cuộc chiến tranh giành thị phần khắc nghiệt giữa các đơn vị giao nhận thức ăn trực tuyến. Theo thống kê của gần đây của Gcomm, thị trường giao đồ ăn trực tuyến hiện được dẫn dắt bởi 5 cái tên là GrabFood (của Grab), Now.vn (của Foody), Go-Food (của Go-Viet), Vietnammm và Lixi.
Dễ dàng nhận ra rằng, bức tranh thị trường đặt món trực tuyến năm 2018 được định hình bởi các nhân tố mới khi 2/5 cái tên phổ biến nhất đều thuộc hàng tân binh. Ra mắt trong vòng chưa đầy một năm nhưng những chiến lược kinh doanh táo bạo từ hai “chiến mã” GrabFood và Go-Food đã tạo ra không ít xáo trộn cho thị trường, khiến Now.vn, AhaMove, Lixi hay Vietnamm dù có kinh nghiệm vài năm cũng buộc phải tăng tốc, cải tiến dịch vụ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Đầu tiên là Go-Food - dịch vụ giao nhận thức ăn thuộc nền tảng Go-Viet - khởi động cuộc đua bằng hàng loạt ưu đãi lớn và lập tức gây chú ý trên thị trường khi vừa ra mắt. Hậu thuẫn từ công nghệ và quy trình vận hành theo sát “kỳ lân” Go-Jek từ Indonesia giúp Go-Viet nhanh chóng sở hữu những ưu thế nhất định khi triển khai tại Việt Nam. Việc lựa chọn đại diện thương hiệu là một nam ngôi sao giải trí cũng giúp ứng dụng tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng trẻ tuổi. Mới đây, ứng dụng chính thức ra mắt tại Hà Nội, thể hiện tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của đội quân áo đỏ tại Việt Nam.
Không kém phần rầm rộ, người hàng xóm “áo xanh” GrabFood cũng khuấy đảo thị trường giao nhận thức ăn khi tuyên bố mở rộng đến 15 tỉnh thành chỉ sau 8 tháng hoạt động, trở thành dịch vụ giao nhận thức ăn trực tuyến với tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam. Có thể nói, việc mở rộng lần này của GrabFood đã tạo ra sức ép cạnh tranh không hề nhỏ cho các đối thủ, bởi tại Việt Nam chưa hề có một tên tuổi nào có thể làm được điều tương tự, kể cả các “cựu binh" đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Nhờ vào lực lượng đối tác tài xế đông đảo lên đến con số 175.000 và phân bố rộng khắp các tỉnh thành, không khó để Grab đưa ra quyết định mở rộng phạm vi triển khai của dịch vụ giao nhận thức ăn. Ngoài ba thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, nước đi lần này phải chăng đã giúp GrabFood “đánh phủ đầu" khi tiên phong tạo được thói quen đặt món qua ứng dụng cho người dùng tại hàng loạt thị trường mới và đầy tiềm năng; và phải chăng càng chứng tỏ độ khôn ngoan của ông lớn Grab khi thị trường trung tâm dường như đã trở nên bão hoà?
Không chỉ chiếm ưu thế về mạng lưới tỉnh thành triển khai, GrabFood cũng đang dẫn đầu về mức độ hài lòng của người dùng theo khảo sát của Gcomm. Dịch vụ có lượng đơn hàng tăng trưởng gấp 25 lần cùng số lượng đối tác kinh doanh tăng gấp 10 lần sau nửa năm triển khai. Bên cạnh đó, theo một đại diện của Grab thì biên lợi nhuận của các nhà hàng, quán ăn cũng tăng 300% sau khi bắt tay cùng GrabFood trong vòng 2-3 tháng.
Ngoài ra, GrabFood cũng đứng đầu về tốc độ giao hàng theo khảo sát mới công bố của Gcomm, với thời gian trung bình 20 phút cho mỗi đơn hàng. Lý giải cho điều này, GrabFood hiện sở hữu ba lợi thế gồm mạng lưới đối tác tài xế phủ khắp, quy trình vận hành tinh gọn cùng số lượng nhà hàng đối tác không ngừng được mở rộng. Với những thành tích trên, không khó để tìm thấy cảnh tượng các shipper áo xanh của GrabFood đứng rợp những hàng quán vào giờ cao điểm tại các thành phố lớn.
Chứng kiến một năm 2018 đầy biến động với sự vươn mình mạnh mẽ của những tân binh bên cạnh sự rút lui của một số cái tên quen thuộc, thị trường giao nhận thức ăn triệu đô năm 2019 được dự đoán sẽ tiếp tục được hâm nóng với những cái tên cả mới lẫn cũ, mức độ khắc nghiệt cũng từ đó leo thang.
Theo đó, cốt lõi của các dịch vụ giao nhận thức ăn trực tuyến phải đến từ sự cộng hưởng của ba phía: mạng lưới đối tác tài xế giao nhận, hệ thống nhà hàng rộng khắp và chính túi tiền của doanh nghiệp. Ba yếu tố hình thành nên thế chân vạc, giúp ứng dụng đứng vững và phát triển trên thị trường.
Vì vậy, thay vì tự “bẻ chân” mình bằng cách “đốt” tiền vào những chương trình ưu đãi cốt để hút khách, doanh nghiệp nên tận dụng một cách đồng bộ và tối ưu những nguồn lực sẵn có để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Đó mới chìa khóa để định hình vị thế trong cuộc đua đặt món khắc nghiệt.
P. Anh