Nhìn lại một tuần thị trường “quay cuồng” trong tin tức dịch cúm virus corona

(Dân trí) - “Virus corona” có lẽ là từ khoá phổ biến nhất tuần qua. Những ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona gây ra dù chưa thể hiện rõ qua các số liệu kinh tế nhưng đã tác động mạnh đến các chỉ số chứng khoán và đẩy giá một số mặt hàng y tế như khẩu trang, nước rửa tay khô… tăng mạnh.

Nỗi lo ngại virus corona “thổi bay” 110.000 tỷ đồng trong 1 ngày

Nhìn lại một tuần thị trường “quay cuồng” trong tin tức dịch cúm virus corona - 1

Hoạt động bán tháo trên thị trường chứng khoán đã khiến các chỉ số giảm sâu ngay đầu năm Canh Tý

Trong hai ngày giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thị trường chứng khoán giao dịch bất lợi và sụt điểm mạnh.

Ngay trong phiên 30/1, VN-Index đóng cửa với mức giảm cuối cùng là 31,88 điểm tương ứng mất 3,22% còn 959,58 điểm; HNX-Index giảm 2,17 điểm, tương ứng 2,04% còn 104,11 điểm và UPCoM-Index giảm 0,49 điểm, tương ứng 0,88% còn 55,73 điểm.

Sắc đỏ bao trùm với số lượng mã giảm giá hoàn toàn áp đảo. Toàn thị trường có 442 mã giảm giá, 53 mã giảm sàn so với 195 mã tăng và 39 mã tăng trần. Nếu như nhóm cổ phiếu ngân hàng, hàng không và du lịch sụt mạnh thì cổ phiếu dược, y tế lại tăng giá mạnh.

Theo thống kê của hai sở giao dịch chứng khoán, vốn hoá thị trường của sàn HSX trong 1 ngày “bốc hơi” tới 108.970 tỷ đồng trong khi vốn hoá thị trường HNX cũng giảm 2.110 tỷ đồng.

Theo nhận định của chuyên gia BVSC, nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm mạnh xuất phát từ ảnh hưởng của thông tin dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona.

Phiên giảm điểm mạnh ngoài do yếu tố tâm lý, còn do lo ngại về ảnh hưởng tới xuất khẩu, du lịch và mức tăng GDP năm 2020, thị trường thế giới giảm mạnh trong tuần nghỉ Tết, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh ngay trong phiên.

Thủ tướng: Quyết “chống giặc” corona, chấp nhận thiệt hại kinh tế

Trước diễn biến xấu, phức tạp ngày càng gia tăng của dịch bệnh do virus corona, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg yêu cầu: “Phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như chống giặc, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh nCov gây ra kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất tử vong; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết hơn nữa và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm 4 tại chỗ, không để lan rộng”.

Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại tại tất cả cửa khẩu biên giới, dừng các hoạt động đưa đón khách du lịch, không đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc. Tạm thời đóng các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh.

Kinh tế Việt Nam hứng chịu tác động thế nào từ đại dịch corona?

Đánh giá tác động từ dịch bệnh virus corona tới nền kinh tế nói chung, Bộ Công Thương cho biết, dịch sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trên 3 phương diện.

Thứ nhất, xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; 

Thứ hai, giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; 

Thứ ba, tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Rút ngay giấy phép cửa hàng tăng giá khẩu trang

Nhìn lại một tuần thị trường “quay cuồng” trong tin tức dịch cúm virus corona - 2

Giá khẩu trang tăng sốc trong bối cảnh người dân lo ngại về sự lan rộng của dịch coronavirus

Sáng ngày 1/2, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) với lãnh đạo các tỉnh thành và ban, ngành về thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh này.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang 3 lớp với sản lượng hơn 1,2 triệu chiếc/ngày; 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 có năng lực sản xuất 32 nghìn chiếc/ngày, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu tăng cường sản xuất, tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp; yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi sát sao tình hình thị trường khẩu trang, thuốc sát trùng…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo: “Bất cứ hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành y tế. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc”.

Lao động "thấp" được lương "cao" và chuyện "ghế" công chức trong doanh nghiệp

Vấn đề về lao động - tiền lương cũng là một trong những nội dung được quan tâm trong tuần qua. Trao đổi với Dân Trí đầu năm mới Canh Tý, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét:

Tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước chưa theo vị trí công việc, nhìn chung bình quân số tiền trả cho lao động có trình độ “thấp” đang “cao” hơn so với thị trường. Ngược lại lao động kỹ thuật “cao” lại bị trả lương “thấp” hơn so với thị trường. Chính vì điều này dẫn đến tình trạng chuyển dịch lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao sang khu vực doanh nghiệp khác. 

Quy định về tuyển chọn, đãi ngộ đối với cán bộ quản lý chưa đạt mục tiêu thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao.

Người quản lý doanh nghiệp Nhà nước còn gắn với chế độ viên chức, công chức. Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước cơ bản vẫn theo nguyên tắc như đối với viên chức nhà nước, không tạo được động lực gắn với trách nhiệm, phù hợp với sự vận hành của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. 

Trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định mức lương mới ngay trong năm 2020

“Xông đất” Bộ Nội vụ chiều ngày 30/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cải cách chính sách tiền lương phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó hai giải pháp mang tính đột phá, căn cơ nhất là phải sắp xếp, tinh giản bộ máy, giảm biên chế, số lượng người hưởng lương từ ngân sách theo tinh thần Nghị quyết 27 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị theo chỉ tiêu đến năm 2021 phải giảm được ít nhất 10%; đồng thời phải tạo được nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Trên cơ sở tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành chương trình công tác năm 2020 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó việc đầu tiên là xây dựng hệ thống các chức danh, chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị và vị trí việc làm, do Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì, phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị. 

Liên quan đến xây dựng các nội dung quy định cụ thể về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Phó Thủ tướng cho biết đây là một đề án lớn, phải trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định trong năm 2020 để có căn cứ xây dựng các bước tiếp theo.

Người lao động sẽ nhận mức lương cao nhất hơn 33 triệu đồng/tháng?

Với việc cải cách chính sách tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức sẽ nhận mức lương thấp nhất là hơn 4,1 triệu đồng/tháng và cao nhất có thể lên đến hơn 33 triệu đồng/tháng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương - cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW đưa ra thiết kế bảng lương theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. 

Phó Thủ tướng kỳ vọng mức lương mới sẽ bảo đảm được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.

Chính sách tiền lương mới sẽ góp phần giảm tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng “vặt” trong hệ thống cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp.

Bích Diệp (tổng hợp)