Nỗi lo ngại virus corona “thổi bay” 110.000 tỷ đồng trong 1 ngày
(Dân trí) - Đây là thiệt hại của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày hôm qua (30/1) trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư bị tác động tiêu cực trước thông tin virus corona lan rộng cũng như ảnh hưởng của dịch cúm này lên các chính sách thương mại, các hoạt động kinh tế.
Tưởng chừng có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại diễn biến gần như đi ngang trong phiên chiều 30/1/2020, phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý.
Theo đó, VN-Index đóng cửa với mức giảm cuối cùng là 31,88 điểm tương ứng mất 3,22% còn 959,58 điểm; HNX-Index giảm 2,17 điểm, tương ứng 2,04% còn 104,11 điểm và UPCoM-Index giảm 0,49 điểm, tương ứng 0,88% còn 55,73 điểm. Kết quả này không cải thiện là bao so với phiên sáng.
Thanh khoản vẫn thấp dù hầu hết cổ phiếu trên thị trường đều đã giảm giá sâu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.
Toàn sàn HSX có 198,51 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng tổng giá trị dòng tiền đổ vào cổ phiếu tại đây ở mức 4.581 tỷ đồng, cho thấy sự thận trọng đáng kể của giới đầu tư khi quyết định giải ngân bắt đáy.
Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 29,83 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 330,41 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 7,91 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 117,6 tỷ đồng. Đây là những con số đáng ngại cho triển vọng của phiên hôm nay (31/1).
Sắc đỏ bao trùm với số lượng mã giảm giá hoàn toàn áp đảo. Toàn thị trường có 442 mã giảm giá, 53 mã giảm sàn so với 195 mã tăng và 39 mã tăng trần.
Theo thống kê của hai sở giao dịch chứng khoán, vốn hoá thị trường của sàn HSX trong 1 ngày “bốc hơi” tới 108.970 tỷ đồng trong khi vốn hoá thị trường HNX cũng giảm 2.110 tỷ đồng.
Chỉ số VN30-Index giảm mạnh 33,27 điểm tương ứng 3,66% còn 875,82 điểm trong bối cảnh có đến 27 trên 30 mã cổ phiếu của rổ chỉ số này bị sụt giảm, duy nhất EIB của Eximbank tăng 500 đồng lên 17.950 đồng và SBT, VIC đứng tham chiếu.
Hôm qua, SAB đánh mất tới 14.500 đồng/cổ phiếu (6,24%), tương ứng vốn hoá thị trường của Sabeco giảm 9.299 tỷ đồng; VJC mất 6.500 đồng tương ứng vốn hoá giảm 3.405 tỷ đồng; VNM mất 4.700 đồng tương ứng vốn hoá Vinamilk giảm 8.184 tỷ đồng.
Vốn hoá thị trường của Vietcombank cũng giảm tới 16.690 tỷ đồng do VCB giảm giá 4.500 đồng; vốn hoá Masan Group giảm 3.858 tỷ đồng do MSN mất 3.300 đồng; vốn hoá BIDV giảm 11.262 tỷ đồng do BID giảm giá 2.800 đồng và vốn hoá Vinhomes giảm 6.574 tỷ đồng do VHM giảm giá 2.000 đồng.
Theo nhận định của chuyên gia BVSC, nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm mạnh ngày hôm qua xuất phát từ ảnh hưởng của thông tin dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona.
Phiên giảm điểm mạnh ngoài do yếu tố tâm lý, còn do lo ngại về ảnh hưởng tới xuất khẩu, du lịch và mức tăng GDP năm 2020, thị trường thế giới giảm mạnh trong tuần nghỉ Tết, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh ngay trong phiên.
Tuy nhiên, theo BVSC, nhìn về tỷ trọng các ngành hàng không, du lịch đang niêm yết trong vốn hóa thị trường không quá lớn. Cùng với đó, kết quả kinh doanh quý IV/2019 của các doanh nghiệp đang được công bố và kết quả khá tốt, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2020 của các ngành như ngân hàng, thép vẫn ở mức cao sẽ là điểm tựa cho VN-Index tại vùng 950 hiện tại.
Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại đã bán ròng phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý với giá trị gần 185 tỷ đồng trên sàn HSX.
Khối phân tích của BVSC cho rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ vẫn còn tiếp tục chịu áp lực giảm điểm và có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 945-946 điểm một lần nữa trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, sau phiên bán tháo có phần hoảng loạn quá mức hôm qua, thị trường có thể sẽ giao dịch cân bằng hơn trong phiên cuối tuần.
Chỉ số được kỳ vọng sẽ có phản ứng hồi phục kỹ thuật để thử thách vùng kháng cự 970-972 điểm trong những phiên tiếp theo.
Bích Diệp