Kinh tế Việt Nam hứng chịu tác động thế nào từ đại dịch corona?

(Dân trí) - Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trên nhiều phương diện. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại rất lớn của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam hứng chịu tác động thế nào từ đại dịch corona? - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp khẩn để đánh giá tác động từ dịch bệnh nCoV tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp khẩn để đánh giá tác động từ dịch bệnh virus corona tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường: Phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo các đơn vị sản xuất trong nước tăng cường sản xuất các dụng cụ sản phẩm y tế phục vụ cho việc phòng chống dịch, không để thiếu trang thiết bị phục vụ nhân dân.

Đồng thời phối hợp với Vụ Thị trường trong nước tổ chức các đoàn kiểm tra về vấn đề cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, khẩu trang không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao; có văn bản khẩn chỉ đạo các Cục quản lý thị trường địa phương tổ chức kiểm tra, nếu có hiện tượng trục lợi phải xử lý ngay.

Đối với Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng tại thị trường trong nước trong đó cần tập trung hỗ trợ các mặt hàng nông, thủy sản từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

"Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu", ông Tràn Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Tuấn Anh cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch.

Phối hợp với Cục Công nghiệp rà soát nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất khẩu trang tại các cơ sở sản xuất trong nước, đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất tránh làm gián đoạn các hoạt động sản xuất cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho việc phòng, chống dịch bệnh.      

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trên 3 phương diện.

Thứ nhất, xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; 

Thứ hai, giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; 

Thứ ba, tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngay sau cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh. 

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ: Thị trường Châu Á-Châu Phi, Thị trường Âu Mỹ, Đa biên đánh giá chính xác và toàn diện về tác động của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đối với quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc từ đó có biện pháp hiệu quả nhằm giảm tối đa thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra;

Nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm xuất nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm ổn định thị trường trong nước;

Đánh giá tác động tổng quan chung của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đối với hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới;

Phối hợp với ngành Y tế tìm kiếm các nguồn nguyên liệu từ các thị trường nước ngoài để phục vụ sản xuất các sản phẩm phòng chống dịch;

Bộ Công Thương cũng giao Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý.

Trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên thì cần xử lý nghiêm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật...

Nguyễn Mạnh