Lao động "thấp" được lương "cao" và chuyện "ghế" công chức trong doanh nghiệp
(Dân trí) - “Tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước chưa theo vị trí công việc, nhìn chung bình quân số tiền trả cho lao động có trình độ “thấp” đang “cao” hơn so với thị trường. Ngược lại lao động kỹ thuật “cao” bị trả lương “thấp” hơn so với thị trường”, Tiến sĩ Cung nói.
Theo ông Cung, chính việc trả lương bất đối xứng, không theo quy luật dẫn đến chảy máu chất xám của doanh nghiệp Nhà nước đến các thành phẩn kinh tế khác và khiến khu vực Nhà nước trở thành nơi yên phận cho nhiều người, nhiều mối quan hệ.
Bức tranh kinh tế Nhà nước, đặc biệt doanh nghiệp Nhà nước được lột tả khá rõ nét bởi Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020, Dân Trí xin trích lược những ý kiến của ông Cung về đánh giá vai trò, mô hình của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam.
Thưa ông, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra rất chậm, có nhiều nơi tắc nghẽn hoặc làm cho xong. Theo ông thời gian tới cần có đổi mới gì để tái cơ cấu khu vực này nhanh hơn để giải phóng sức sản xuất và tài sản quốc gia?
Đúng là thời gian qua, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm, theo tôi cần đẩy mạnh theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Điều đặc biệt là, doanh nghiệp Nhà nước chưa được tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích. Đây có lẽ là vấn đề nan giải, tốn kém nguồn lực của doanh nghiệp trong quá trình đi lên, bứt phát của chính mình.
Doanh nghiệp Nhà nước có vai trò to lớn nhưng vẫn chỉ nằm ở tiềm năng, lợi thế, nhiều doanh nghiệp vẫn khó phát triển?
Muốn đánh giá thành phần kinh tế nào thì chúng ta phải nhìn vào tỷ trọng đóng góp của họ đối với nền kinh tế. Tỷ trọng của kinh tế nhà nước trong GDP có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì đóng góp bình quân 28-29% GDP trong giai đoạn 2011-2020.
Trong tổng thu ngân sách nhà nước, thu từ doanh nghiệp Nhà nước năm 2011 đạt 17,5%, năm 2012 là 19,4%, năm 2013 là 22,8%, năm 2014 là 21,4%, năm 2015 là 15,7%, năm 2016 là 13,5%, năm 2017 là 11,4% và năm 2018 ước tính đạt 10,7%. Số này đang giảm dần, minh chứng cho sự thiếu hiệu quả hoạt động về thu ngân sách.
Về vốn đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước là nhân tố đóng góp 47,3% tăng trưởng GDP năm 2018. Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ trọng bình quân của kinh tế nhà nước giai đoạn 2011-2020 là 35,5%, kinh tế ngoài nhà nước là 41,3%, khu vực FDI là 22,9%.
Hiệu quả vốn đầu tư nhà nước có xu hướng tăng, nhưng vẫn ở mức thấp hơn hiệu quả đầu tư bình quân chung của nền kinh tế và vẫn còn thấp hơn so với hiệu quả đầu tư vốn của thành phần kinh tế khác.
Doanh nghiệp Nhà nước nắm trong tay cơ hội, tài sản và lợi thế đất đai, song chính việc “ngồi trên mâm vàng” đã khiến họ yếu kém so với tư nhân và thông lệ quốc tế, ông có đồng quan điểm về vấn đề này?
Quản trị của khu vực doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với chuẩn mực quốc tế. Mặc dù đã hình thành pháp luật kinh doanh nhưng việc thực thi chưa nghiêm đang khiến họ không hiệu quả.
Điển hình là việc không quyết liệt thực hiện thủ tục phá sản một số doanh nghiệp đang ở trong tình trạng phải bị phá sản hay tiếp tục hỗ trợ một số dự án thua lỗ không có dấu hiệu phục hồi…
Đến nay, Việt Nam chưa tách bạch hoàn toàn và triệt để giữa quản lý thuộc chức năng sở hữu và quản lý nhà nước. Chính sách phát triển ngành còn đan xen với chính sách chủ sở hữu của nhà nước; đầu tư Nhà nước cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ các thành phần kinh tế còn đan xen với đầu tư vốn chủ sở hữu nhà nước cho doanh nghiệp Nhà nước.
Hệ quả là khó xây dựng khung khổ quản trị rõ ràng như khu vực doanh nghiệp tư nhân, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phát sinh đối xử bất bình đẳng và hạn chế cạnh tranh trên thực tế.
Theo ông những hạn chế về mặt chính sách quản lý nào còn thiếu cần được nêu ra, sửa đổi trong thời gian tới?
Thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp Nhà nước (ví dụ của OECD 2015) yêu cầu việc thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước phải minh bạch, đạt tiêu chuẩn cao về trách nhiệm giải trình, tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Tuy vậy, trách nhiệm giải trình, hiệu quả và hiệu lực thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam chưa đạt yêu cầu này.
Hiện nay tại Việt Nam, trách nhiệm giám sát doanh nghiệp Nhà nước còn phân tán, không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá doanh nghiệp một cách đầy đủ, hiệu quả và toàn diện.
Nhà nước và cơ quan chủ sở hữu thiếu cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cũng như danh mục đầy đủ tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước, nên thiếu công cụ để thực hiện tốt chức năng giám sát, cảnh báo.
Cơ chế là một chuyện, quản lý hiệu quả, thậm chí tạo lợi thế gia tăng phụ thuộc lãnh đạo, người đứng đầu hay nói cách khác là con người. Theo ông, phải chăng chúng ta chưa sử dụng tốt hoặc kích thích nguồn lực con người trong doanh nghiệp Nhà nước?
Tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước chưa theo vị trí công việc, nhìn chung bình quân số tiền trả cho lao động có trình độ “thấp” đang “cao” hơn so với thị trường. Ngược lại lao động kỹ thuật “cao” lại bị trả lương “thấp” hơn so với thị trường. Chính vì điều này dẫn đến tình trạng chuyển dịch lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao sang khu vực doanh nghiệp khác.
Quy định về tuyển chọn, đãi ngộ đối với cán bộ quản lý chưa đạt mục tiêu thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao.
Người quản lý doanh nghiệp Nhà nước còn gắn với chế độ viên chức, công chức. Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước cơ bản vẫn theo nguyên tắc như đối với viên chức nhà nước, không tạo được động lực gắn với trách nhiệm, phù hợp với sự vận hành của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.
Chất lượng cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu mong muốn. Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa không hút được đầu tư tư nhân, không có cổ đông chiến lược, chưa đạt mục tiêu tái cơ cấu sở hữu để nâng cao chất lượng quản trị, tăng sức mạnh tài chính, tiếp cận thị trường và công nghệ mới?
Về pháp luật, cổ đông chiến lược đang bị đối xử như những cổ đông thông thường, không có lợi ích hấp dẫn đặc biệt nào khác ngoài quyền tham gia vào doanh nghiệp theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ.
Về kinh tế, hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhà nước trước cổ phần hóa còn thấp, cùng với những lợi thế kinh tế, lợi thế đất đai, vị thế cạnh tranh, độc quyền và lợi thể chính sách ngày càng thu hẹp là những yếu tố làm cho sức hấp dẫn của cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không còn quá lớn.
Nhìn ở góc độ thể chế cạnh tranh, phần lớn doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách của doanh nghiệp Nhà nước nằm ở các ngành, lĩnh vực ít có cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Ở các ngành có cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo…thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, chứng tỏ áp lực cạnh tranh đã bộc lộ hạn chế của họ.
Theo ông, để doanh nghiệp Nhà nước không còn “hàm oan”, giúp tiềm năng trở thành động năng, cơ năng cho phát triển, chính sách pháp luật và cơ chế cần tháo gỡ những gì?
Theo tôi, thời gian tới dứt khoát không để cơ hội hình thành các mối quan hệ lợi ích, trục lợi từ vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh bằng cơ chế giám sát từ bên trong lẫn bên ngoài.
Cần công khai thông tin và minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, không để các cơ quan Nhà nước chi phối quá nhiều hoạt động kinh tế của doanh nghiệp.
Kinh tế tư nhân đã được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế cho thấy tính cấp bách của việc đổi mới triệt để khu vực doanh nghiệp tư nhân, để doanh nghiệp Nhà nước không “ôm mâm vàng”, không ngáng đường các thành phần kinh tế khác.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)