Nhịn ăn vì đồ ăn tại sân bay quá đắt

Một tô hủ tiếu có giá 50.000 đồng, dĩa cơm với vài miếng thịt có giá đến 62.000 đồng khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán.

Ngay sau khi Cục Hàng không có đợt rà soát giá dịch vụ phi hàng không tại các sân bay, giá cả các mặt hàng đã có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, điều bất ngờ là giá các mặt hàng vẫn cao gấp ba đến bốn lần so với giá ngoài thị trường.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tín dụng tăng, tiền chảy về đâu?

 

Thức ăn đắt đỏ, chất lượng bèo nhèo

 

Những ngày cuối năm, tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài, các cửa hàng dịch vụ đồ ăn, đồ uống khá đông người qua lại. Thế nhưng có nhiều người đến “dòm” bảng giá sau đó lại quay ra.

 

Bà Nguyễn Thị Liên, quê Thanh Hóa, trên chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội, thở dài và nói gọn “Thôi nhịn còn hơn. Đắt quá!” khi biết giá một chiếc bánh mỳ sanwich lên đến 38.000 đồng. Theo bà Liên, chuyến bay của bà vào buổi chiều tối, lại bay của hãng hàng không giá rẻ không phục vụ bữa ăn nên bà phải nghĩ đến việc ăn ở sân bay. Thế nhưng giá của mặt hàng nào cũng cao. Bà ví dụ một tô hủ tiếu, nước lõm bõm, vài miếng thịt cũng có giá lên đến 50.000 đồng, còn cơm dĩa với thịt rim thì cũng 62.000 đồng/dĩa.

 

Nhiều người vẫn than phiền về giá đồ ăn tại sân bay. Ảnh minh họa: MP
Nhiều người vẫn than phiền về giá đồ ăn tại sân bay. Ảnh minh họa: MP

 

Tại sân bay Nội Bài, giá cả cũng cao chót vót. Ví dụ, giá một tô phở khoảng 65.000 đồng, bánh mỳ kẹp xúc xích có giá 50.000 đồng, nước ngọt Pepsi cũng lên tới 25.000 đồng/lon, bia Heniken là 45.000 đồng/lon, xúc xích heo có giá 30.000 đồng/cây.

 

Giá dịch vụ đã cao nhưng nhiều người tiêu dùng lại phản ánh chất lượng kém. Chị Vũ Thị Như Anh, trú quận Thủ Đức, cho biết việc mất tiền cho các dịch vụ ở sân bay cao đã khiến người dân bức xúc nhưng điều đáng buồn thêm là chất lượng lại quá bèo nhèo. Trong khi đó sân bay của các nước khác như Thái Lan, giá của họ cũng tương đương như sân bay ở Việt Nam nhưng chất lượng thì không chê được.

 

Có lẽ tính đến thời điểm này, chỉ riêng với mặt hàng nước suối là được điều chỉnh giảm giá mạnh nhất và có thể chấp nhận được. Hiện giá của mặt hàng nước suối ở các sân bay dao động từ 12.000 đến 17.000 đồng/chai.

 

Giá cả tính theo “khách sạn năm sao”

 

Thực tế việc giá dịch vụ đồ ăn, đồ uống ở sân bay cao hơn thị trường là chuyện không còn mới mẻ. Bởi lẽ theo các doanh nghiệp (DN), chi phí thuê mặt bằng ở đây ngang với việc thuê ở các trung tâm cao cấp.

 

Một người làm trong DN liên quan đến dịch vụ mặt đất đã từng chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM rằng DN này phải trả lại một số quầy hàng tại khu vực nhà ga quốc tế do chi phí mặt bằng thuê quá cao, lại không bán được hàng.

 

Tuy nhiên, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, phủ nhận hoàn toàn ý kiến trên. “Không hề có chuyện DN trả lại mặt bằng. Giờ ai trả, chúng tôi nhận và cho người khác thuê ngay. Giá cho thuê mặt bằng tại sân bay chỉ mấy trăm ngàn đồng/m2 thì làm sao được gọi là cao!” - ông Tú nói.

 

Ông Phạm Xuân Thê, Trưởng phòng Tài chính, Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng phải thừa nhận một thực tế là giá cả dịch vụ ở sân bay sẽ cao hơn so với bên ngoài. Bởi lẽ chất lượng, mặt bằng, môi trường kinh doanh khác với ngoài phố. Mặt khác, sân bay Nội Bài và các sân bay khác đều khá xa thành phố, vì vậy chi phí vận chuyển cũng cao hơn. Từ đây, Cục Hàng không cũng đã khuyến cáo các cảng vụ, tổng công ty cảng phải hiệp thương lại với các đơn vị cung cấp, nếu đưa ra mức giá cao quá thì không chấp nhận hoặc không cho thuê mặt bằng nữa.

 

Ông Thê nói thêm: “Hiện chúng tôi đang yêu cầu các cảng vụ, tổng công ty cảng có báo cáo lên Cục Hàng không về việc giá thuê mặt bằng bị phản ánh là cao. Nếu các đơn vị bán cao quá so với quy định thì các cảng phải có hiệp thương lại và báo cáo với Cục Hàng không”.

 

Cũng theo ông Thê, không thể so sánh thấy ở ngoài bán ổ bánh mì 20.000 đồng thì trong sân bay cũng bán với giá như vậy được. Bởi vì hiện cơ sở hạ tầng ở các sân bay đều được đầu tư khá nhiều vốn. Mặt bằng nhà ga được ví như khách sạn năm sao nên việc bán các dịch vụ ở sân bay sẽ có giá cao.

 

Nội Bài áp giá trần cho dịch vụ

 

Trước đó, tháng 8/2013, sân bay quốc tế Nội Bài đã đưa ra mức giá trần cho các dịch vụ để tránh tình trạng các đơn vị mỗi nơi đưa ra giá một kiểu.

 

Theo đó, mức giá được áp dụng cho ba khu vực là công cộng, khu vực cách ly nội địa và khu vực cách ly quốc tế (chưa bao gồm phí phục vụ). Cụ thể, tại khu vực công cộng giá một chai nước tinh khiết loại 0,5 lít không được quá 15.000 đồng; nước ngọt đóng chai, lon không quá 25.000 đồng; cà phê không quá 35.000 đồng/ly (hộp); các loại phở, miến, mì, bánh mì kẹp có bổ sung thực phẩm như thịt gà, bò, xúc xích... không quá 50.000 đồng/bát (cái); các loại thức ăn nhanh như phở, miến, mì, bánh mì kẹp ăn liền thông dụng không bổ sung thêm, tùy chất lượng không quá 20.000 đồng/bát (cái).

 

Theo Mai Phương

Pháp Luật TPHCM

 

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước