Nhiều website bán hàng nhái tìm cách gỡ bỏ sản phẩm vi phạm
(Dân trí) - Nhiều trang web thương mại điện tử đã gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo sản phẩm vi phạm. Tuy nhiên, thực trạng bán hàng nhái đang tràn lan tại các web hoạt động theo mô hình mua chung.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Cụ thể như trên trang web có địa chỉ Muachungtoanquoc.vn sau phản ánh về tình trạng bán hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, trang web này ngay lập tức đã thay đổi giao diện và gỡ bỏ các hình ảnh về sản phẩm cao cấp như chiếc dây lưng được quảng cáo là thương hiệu nổi tiếng Hermes có ghi giá gốc là 800.000 đồng khi nhiều người mua chỉ còn 390.000 nhưng đây chỉ là mặt hàng nhái vì trị giá thực tế của dây lưng thương hiệu Hermes lên tới hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Sản phẩm "nhái" thương hiệu cao cấp giá vài trăm nghìn đã gỡ bỏ trên trang web có địa chỉ tại Muachungtoanquoc.vn
Tương tự, trên trang web bán hàng “nhái” có địa chỉ Muachungtb.vn đã gỡ bỏ hình ảnh chiếc dây lưng quảng cáo mang thương hiệu cao cấp Hermes chỉ bán với giá 379.000 đồng. Trường hợp trang web có địa chỉ là Muachung168.vn sau khi bị phản ánh về việc bán la liệt các mặt hàng nhái đã xóa bỏ toàn bộ trang web, khách hàng không thể truy cập được nữa.
Một trang web mua sắm cộng động “khủng” như Hkshop.vn được quảng cáo rầm rộ cũng đã bỏ đi những sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Louis Vuitton. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều trang web hoạt động theo mô hình “muachung” đang bán những sản phẩm nhái, kém chất lượng, vi phạm nghiêm trọng về sở hữu trí tuệ.
Trang web hoạt động theo mô hình "muachung" Hkshop.vn bỏ đi hình ảnh dây lưng "nhái" thương hiệu Gucci, LV
Cách đây không lâu, hãng mỹ phẩm L’Oréal của Pháp đã phát hiện một số website tại Việt Nam quảng cáo và chào bán các sản phẩm mang nhãn hiệu của L’Oréal với giá rẻ bất ngờ. Một số hãng khác như Chanel, Versace, Louis Vuitton... cũng cho biết tình trạng hàng giả, nhái thương hiệu của mình được rao bán với giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng đang ngày càng tăng lên.
Thực tế cho thấy, một trong những nền tảng giúp thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh vài năm trở lại đây là đã “gỡ khó” được khâu giao dịch và thanh toán, đặc biệt đối với mô hình B2C (nhà cung cấp đến người tiêu dùng). Theo các chuyên gia, chính những tiện ích của thương mại điện tử như dễ dàng giao dịch và thanh toán trong khi chi phí rất thấp hoặc hầu như không có đã đưa ngày càng nhiều người tiêu dùng tham gia vào mô hình này.
Tờ Bangkok Post của Thái Lan mới đây đã đánh giá, hiện giao dịch thương mại điện tử chiếm đến 2,5% GDP của Việt Nam, tương ứng với gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt tới 6 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là người tiêu dùng luôn bị thiệt hại lớn khi rơi vào “ma trận” hàng giả, hàng nhái khi thực hiện mua bán trực tuyến.
Theo Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT cho rằng, trong giai đoạn 2014-2015, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu quy chế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT. Đồng thời, Cục sẽ đẩy mạnh triển khai xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật để tạo môi trường và hành lang pháp lý cho các hoạt động TMĐT. Hiện nay, việc bán hàng qua các mạng xã hội khá nhiều, trong khi chủ mạng xã hội thì không phải chịu trách nhiệm nếu có xảy ra thiệt hại cho bên mua hàng.
Vì vậy, trong năm 2014, Cục TMĐT và CNTT cũng sẽ tìm giải pháp cho một số vấn đề như quản lý giao dịch điện tử qua điện thoại, trách nhiệm của các chủ sàn giao dịch TMĐT, chủ của các mạng xã hội. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm.