Nhiều thương vụ M&A "bom tấn" được mong chờ tại Việt Nam

(Dân trí) - Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, cổ phần hóa Vietnam Airlines hay sắp xếp lại hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone được coi là tiền đề của những thương vụ M&A "bom tấn" trong thời gian tới tại VN.

Các nhận định trên được đưa ra tại cuộc họp báo của Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (Vietnam M&A Forum) sáng 16/7 tại Hà Nội.
 
Cổ phần hóa Vietnam Airlines được coi là cơ hội với các nhà đầu tư lớn
Cổ phần hóa Vietnam Airlines được coi là cơ hội với các nhà đầu tư lớn

Theo đó, trái với nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, năm 2013, giá trị M&A tại VN có thể không đạt mốc kỷ lục đã xác lập năm 2012, và chỉ dừng ở mức khoảng 4 tỷ USD, nhóm nghiên cứu M&A Vietnam Forum, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức 25 - 30% như trong thời gian qua.

Cũng theo nhóm này, giai đoạn 2013 – 2017, thị trường có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các thương vụ M&A vẫn sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng. Hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản cũng sẽ tiếp tục được quan tâm.

Đơn cử, BIDV đang tìm kiếm và lựa chọn đối tác nước ngoài, tái cơ cấu MobiFone và VinaPhone, hay như việc cổ phần hóa Vietnam Airlines sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn…
 
Với bất động sản, sau những giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản trở nên bão hòa, cùng với một số khó khăn về vốn của nhiều chủ đầu tư nhưng vẫn có thể dự báo, nhu cầu chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ tiếp tục diễn ra mạnh trong vài năm tới.

Năm 2012, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ và đạt 5 tỷ USD. Tính từ 2009 đến nay, con số này ước đạt 14,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 65%/năm trong giai đoạn 2009 - 2012. Nhiều thương vụ có quy mô lớn đã diễn ra trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đã thực hiện chiến lược M&A để tạo tăng trưởng đột phá như Vingroup, Masan, Kinh Đô, Viettel, Hùng Vương...

Trong giai đoạn đầu, hoạt động M&A và chuyển nhượng diễn ra sôi động tại Việt Nam, dù giá trị các thương vụ này không lớn. Các thống kê cho thấy, các thương vụ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thường ở quy mô 2 - 5 triệu USD, một số ít ở mức 10 - 30 triệu USD. Giai đoạn 2008 - 2010, thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội chiếm đa số với 77%.

Nhưng bắt đầu từ năm 2011 đến nay, thị trường M&A bắt đầu xuất hiện những thương vụ lớn có sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế. Nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 66% giá trị các giao dịch M&A.

Còn năm 2012, hầu như các các thương vụ trị giá 7 con số đều mang dấu ấn khối ngoại từ vụ Bank of Tokyo - Mitshubishi mua 20% cổ phần VietinBank trị giá 743 triệu USD đến 3 thương vụ của Tập đoàn Conoco Phillips (Pháp) thoái đầu tư khỏi hai khu dàn khoan dầu khí và dự án Đường ống Nam Côn Sơn cho tập đoàn Parenco (Pháp) với tổng giá trị gần 1,3 tỷ USD, hay như Sumimoto Life trả Ngân hàng HSBC 340 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt; Tập đoàn Siam Cement Group đã mua 85% cổ phần của Prime với giá 240 triệu USD; Semen Gresik mua lại 70% của Xi măng Thăng Long với giá 230 triệu USD…
 
Nguyễn Hiền