Nhiều thủ tục thuế vẫn “hành” doanh nghiệp

(Dân trí) - Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế - hải quan ngày 5/1 với sự tham gia của khoảng 400 đại diện doanh nghiệp phía Bắc cho thấy còn nhiều thủ tục “hành” doanh nghiệp.

Tại cuộc đối thoại này, đa số doanh nghiệp (DN) bức xúc về việc các thông tư, nghị định nối tiếp nhau ra đời, gây chồng chéo và thiếu sự hướng dẫn từ cơ quan thuế, hải quan gây thiệt thòi cho DN. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và các vị đại diện cho ngành thuế, hải quan đã lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi của các DN.
 
Nhiều thủ tục thuế vẫn “hành” doanh nghiệp  - 1

Toàn cảnh buổi đối thoại (ảnh: NH).

Có thể thấy, những ý kiến phản hồi, thậm chí ca thán của doanh nghiệp đều xuất phát từ chính quyền lợi và vướng mắc mà họ đang phải chịu. Theo bà Trần Thị Minh, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), chính sách thuế hiện nay cởi mở, rõ ràng nhưng khi cơ quan thuế áp dụng lại rất vướng mắc, nhất là đối với DN nhỏ và vừa.

Bà Minh nêu ví dụ từ chính công ty mình: Vinaxuki đặt tại huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), khi huyện này sáp nhập vào Hà Nội từ ngày 1/8/2008, doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn do Cục thuế Hà Nội phát hành. Khi đó, Vinaxuki dùng hoá đơn tự in.
 
Nhưng vì công văn chuyển đổi hóa đơn lại chỉ nêu Hà Tây chuyển sang sử dụng hóa đơn của Hà Nội, mà bỏ sót các khu vực của Vĩnh Phúc và Hòa Bình, do đó, Vinaxuki không thể dùng hoá đơn mới của Hà Nội, cũng không thể dùng hoá đơn cũ của Vĩnh Phúc nên không được cục thuế đồng ý, DN phải dừng bán hàng mất nửa tháng. “Việc này quá máy móc, gây phiền hà cho DN”, bà Minh bày tỏ thái độ.
 
Đó là chưa kể, khi DN này làm thủ tục hoàn thuế chuyển đổi từ công ty tư nhân sang công ty cổ phần cũng vướng rất nhiều khâu, nhiều thủ tục và khi thực hiện định giá lại tài sản của DN, bên thanh tra đưa ra là 300 triệu thuế DN phải chịu nhưng thực tế nộp là 80 triệu.
 
Bà Minh đặt câu hỏi: “Liệu có phải cán bộ thanh tra đưa số liệu vống lên, nhưng khi kết luận lại rất nhỏ? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào lương tâm người thực hiện”.
 
Giải đáp thắc mắc này của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, có sự chênh lệch về con số mà thanh tra đưa ra là “kết quả của cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa rõ ràng. Cứ vào là áp đặt DN, doạ tính cái này, tính cái kia.
 
Để xử lý cái này, chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình thanh tra, thiết lập đường dây nóng để phản ánh kịp thời về  những biểu hiện không đúng. Còn về thủ tục hành chính làm DN phải dừng bán hàng khoảng nửa tháng, Cục thuế Hà Nội đã rút kinh nghiệm. Cơ quan thuế khi thực hiện thấy chưa đủ thì phải mạnh dạn chịu trách nhiệm rồi đề nghị sau”.
 
Cuộc đối thoại về thuế được đẩy lên cao trào khi kế toán trưởng của Công ty TNHH Phước Hồng (Hải Phòng) Đỗ Thị Thanh Thảo đứng lên bày tỏ những “ấm ức” mà doanh nghiệp của bà phải chịu đựng trong 4 năm qua. Thắc mắc của bà Thảo liên quan tới việc mua hoá đơn của đơn vị bỏ trốn.
 
Sau khi nhập gạo của một doanh nghiệp và hoàn thành các hóa đơn, Phước Hồng đã nhiều lần nộp hồ sơ đề nghị được hoàn thuế, nhưng Cục thuế Hải Phòng nói hồ sơ của DN chưa đầy đủ.
 
Sau đó, Phước Hồng nhận được thông báo không được hoàn thuế vì đối tác đã bỏ trốn. Doanh nghiệp này tiếp tục đề nghị được hoàn thuế, vì theo họ các hóa đơn đã hoàn tất và được cơ quan thuế rà soát trước khi đối tác bỏ trốn, nên hoàn toàn hợp pháp.
 
Thời gian DN đề nghị hoàn thuế đã hơn 4 năm, đến thời điểm này khoản tiền đề nghị được hoàn thuế là 1,3 tỷ đồng và Phước Hồng không dưới 30 lần gửi công văn đề nghị Cục thuế Hải Phòng xử lý nhưng không được chấp thuận. Đó là chưa kể,  mỗi tháng doanh nghiệp nộp phạt 10 triệu đồng vì chưa hoàn tất các thủ tục thuế.
 
“Bây giờ tôi chỉ muốn một điều là hoàn thuế đúng cho DN, chúng tôi yêu cầu dù là DN nhỏ hay bé thì vẫn phải được công bằng, chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu nhưng không ai đoái hoài đến chúng tôi”, bà Đỗ Thị Thanh Thảo nhấn mạnh. 
 
Về vấn đề hoàn thuế của Phước Hồng, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, nếu Cục thuế Hải Phòng đã kiểm tra rồi mà không hoàn thuế là không đúng. Thứ trưởng Tuấn đề nghị Phước Hồng gửi thẳng hồ sơ lên Bộ Tài chính để được xử lý, trong năm 2009, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra việc hoàn thuế tại Cục thuế Hải Phòng...
 
Không chỉ vấn đề thuế, mà thủ tục về hải quan cũng được nhiều DN đóng góp ý kiến, chia sẻ những vướng mắc của mình. Ông Đặng Việt Bắc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sóng Thần hoan nghênh việc hải quan coi DN là đối tác nhưng điều mà DN này muốn kiến nghị là trong các văn bản hướng dẫn vẫn còn những bất cập, nặng về cơ chế xin - cho.
 
Ông Bắc nêu ví dụ: Theo quy định, DN khai tờ khai được nợ chứng từ gốc thuế nhưng DN mở tờ khai vẫn phải làm công văn xin nợ tờ khai và phải được chi cục hải quan xác nhận.
Một vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa DN và hải quan là tham vấn giá cũng được ông Bắc nếu ra như ví dụ điển hình. Ông Bắc nêu: “Hải quan có 6 phương pháp để xác định giá, trong đó có phương pháp suy luận. Tuy nhiên, đối với DN kinh doanh xuất nhập khẩu, giá cả nước ngoài thường xuyên biến động, cơ quan hải quan chưa cập nhật thông tin nhưng vẫn bắt DN chịu mức giá cũ. Đây là thực tế kéo dài dẫn đến việc hải quan và DN chưa có tiếng nói chung. Từ đó, hải quan bắt DN chịu theo cách tính suy luận của mình...”.
 
Trả lời thắc mắc của DN, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục phó Tổng cục Hải quan cho hay: Luật Hải quan quy định rõ, chi cục trưởng hải quan được quyền gia hạn những hồ sơ chậm nộp không quá 30 ngày.
 
Về tham vấn giá, theo các quy định, hải quan có 6 phương pháp tính giá, trong đó quy định DN có trách nhiệm tự khai, xác định giá và cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra.
 
Trước khi xem xét có chấp thuận hay không việc tự khai của DN, cơ quan hải quan sẽ dành thời gian tham vấn với DN, để DN giải trình về việc xác định giá của mình chứ không phải cơ quan hải quan bỏ tất cả các phương pháp khác mà chỉ xác định giá theo phương pháp 6.  

“Nếu DN nhận thấy hải quan không xác định giá theo 5 phương pháp kia mà xác định ngay theo phương pháp 6 thì DN có thể khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan hải quan ra tòa”, ông Cẩn nhấn mạnh...

Có thể thấy, trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa thuế - hải quan và DN, nhiều vướng mắc mà DN đang phải chịu đựng ngay từ cấp địa phương đã được gửi tới lãnh đạo của 2 ngành.
 
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cải cách thủ tục hành chính còn chậm sẽ là trở ngại lớn đối với DN. Hiện có 6.500 thủ tục hành chính đang thực hiện tại 4 cấp cơ sở và không thể thống kê chính xác bao nhiêu phần trăm thủ tục thật sự hợp lý, minh bạch. Nếu cải cách hành chính hiệu quả, sẽ tiết kiệm được cho ngân sách 13 - 17 tỷ đồng.
 
Nguyễn Hiền