Nhiều tập đoàn Nhà nước: Lương cao, hiệu quả kém
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tiền lương bình quân của người lao động tại các DNNN năm 2010 là vào khoảng 3,7 triệu đồng/tháng, cao hơn 13,5% so với doanh nghiệp FDI và hơn 38% so với doanh nghiệp dân doanh.
Riêng 36 công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt trong năm 2010 đạt khoảng 7,64 triệu đồng/tháng, cao gấp 2,06 lần so với bình quân chung của doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt, tiền lương của thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, giám đốc các Tổng công ty tập đoàn lợi thế đạt khoảng 30-40 triệu đồng/tháng, cao khoảng 2,5 lần so với mức bình quân chung.
Lương cao nhưng vẫn nợ và lỗ
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, mức chênh lệch tiền lương của người lao động, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước có lợi thế và ít lợi thế ngày càng tăng. Nếu giám đốc của nhóm doanh nghiệp ít lợi thế như lâm nghiệp, cà phê, dệt may, giấy, mía đường, vận tải đường sắt…chỉ khoảng 15 triệu đồng/ tháng thì nhóm doanh nghiệp có lợi thế như dầu khí, bưu chính viễn thông, thuốc lá, hàng không, than, điện lực, ngân hàng, tài chính, xây dựng… đạt khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Tiền lương của người lao động thuộc nhóm doanh nghiệp có lợi thế đạt 8,14 triệu đồng/tháng, cao gấp 3,35 lần so với nhóm doanh nghiệp không có lợi thế. Riêng nhóm ngân hàng, tài chính đạt 10,5 triệu đồng/tháng cao gấp 4,32 lần so với nhóm doanh nghiệp không lợi thế.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp, tổng công ty được hưởng mức lương ngất ngưởng nói trên lại đang trong top số ít những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Điển hình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp… Tính đến 31/12/2010, lỗ lũy kế của các doanh nghiệp này lên tới 26 nghìn tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu chỉ ra, tuy quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty đã tăng gấp đôi, từ 317.647 tỷ đồng (năm 2006) lên 653.166 tỷ đồng năm 2010 nhưng tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp này cũng đã tăng mạnh.
Nếu năm 2006, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là 419.991 tỷ đồng, bình quân bằng 1,32 lần vốn chủ sở hữu thì đến hết năm 2010, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là 1.088.290 tỷ đồng, bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu (quy định hiện hành được huy động vốn trong phạm vi nợ phải trả không vượt quá 3 lần vốn điều lệ).
Trong số này vẫn còn tới 30 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, có 7 tổng công ty trên 10 lần, 9 tổng công ty trên 5-10 lần, có 14 tổng công ty từ 3-5 lần.
Đầu tư ngoài ngành tăng cao
Theo Bộ Tài chính, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn, tổng công ty tăng dần theo từng năm. Nếu doanh thu năm 2007 của các doanh nghiệp này là 642.000 tỷ đồng thì đến 2010 đã tăng lên 1.488.273 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng tăng từ 71.491 tỷ đồng (năm 2007) lên 162.910 tỷ đồng năm 2010.
Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nói chung và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng còn chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng của doanh nghiệp.
Đến năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty đang bỏ khoảng 21.814 tỷ đồng vào các khoản đầu tư trên các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư và ngân hàng, tăng so hơn 3 lần so với năm 2006.
Trong đó, có 3.576 tỷ đồng vào lĩnh vực chứng khoán; 2.236 tỷ đồng vào bảo hiểm; 5.379 tỷ đồng vào bất động sản; 495 tỷ đồng vào quỹ đầu tư và 10.128 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng.
Phần vốn đầu tư của một số tập đoàn tổng công ty vào các lĩnh vực trên tăng là do tình hình kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao, các công ty cổ phần do áp lực về vốn đã thực hiện tăng vốn điều lệ theo hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu và cho các cổ đông hiện hữu quyền mua cổ phần phát hành thêm nên cơ bản giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng côngt y tăng nhưng tỷ lệ vốn góp không thay đổi hoặc không vượt mức quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên vẫn còn một số tập đoàn, tổng công ty khi thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm hoặc tiếp tục góp vốn vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ như: Tập đoàn Công nghiệp – Than khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam; Tổng công ty Lương thực Việt Nam.
Tỷ lệ đầu tư vốn vào các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh nói trên tuy vẫn trong giới hạn quy định nhưng đã làm phân tán nguồn lực, nhất là vào các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán vẫn chứa đựng nhiều rủi ro. Đồng thời phần nào làm hạn chế hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí phát sinh các tiêu cực, gian lận như Công ty cho thuê tài chính II.
Cải cách tiền lương và “siết” đầu tư
Theo các chuyên gia, chế độ lương ở các doanh nghiệp nhà nước hiện chưa hợp lý.
Tiêu chí để quản lý tiền lương gồm nộp ngân sách, lợi nhuận và năng suất lao động, trong đó lợi nhuận tuyệt đối chưa phản ánh hết hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn, (lợi nhuận tuyệt đối tăng, nhưng tỷ suất lợi nhuận/vốn không tăng hoặc giảm), năng suất lao động chủ yếu tính theo doanh thu chưa phản ánh đúng giá trị mới sáng tạo ra.
Bên cạnh đó, cũng chưa phân biệt giữa doanh nghiệp có lợi thế và không có lợi thế, dẫn đến quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh chưa thật hợp lý, chênh lệch tiền lương giữa các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng gia tăng.
Tiền lương hội đồng quản trị, Tổng giám đốc , Giám đốc được xác định trước, trong khi tiền lương của người lao động được điều chỉnh tăng theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh nên doanh nghiệp có xu hướng đẩy tiền lương của hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc lên cao hoặc nhập chung vào quỹ lương của người lao động để phân phối, dẫn đến tiền lương, thưởng của đối tượng này vượt quy định làm mất cân đối trong nội bộ doanh nghiệp và so với khu vực hành chính gây bức xúc trong dư luận.
Hiện một số doanh nghiệp trả lương cho Chủ tịch chuyên trách, Tổng giám đốc 70 – 80 triệu đồng/tháng, trong khi khung tối đa của nhà nước khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Chưa phân định rõ tiền lương, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu (Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên) với viên chức quản lý điều hành (Ban giám đốc), trong đó Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên là người đại diện cho chủ sở hữu, nhưng vẫn hưởng lương chung với Ban giám đốc và doanh nghiệp chi trả, làm giảm tính khách quan, độc lập và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành doanh nghiệp.
Do đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ đổi mới cơ chế trả lương với viên chức quản lý theo chế độ bổ nhiệm gắn với kết quả, hiệu quả kinh doanh và hiệu quả quản lý, điều hành theo hướng tách riêng lương của Ban điều hành (Ban giám đốc) và đại diện chủ sở hữu (Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát).
Nhà nước quy định mức lương cơ bản, nếu thực hiện giám sát tốt, hiệu quả cao thì được tăng thêm tiền lương, nếu không tốt thì phải giảm trừ tiền lương, thậm chí không có lương.
Cùng với việc cải cách tiền lương, theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, chính phủ cũng yêu cầu trước năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái vốn tại tất cả các lĩnh vực kinh doanh trái ngành nghề. Từ năm 2015 đến năm 2020, sẽ cổ phần hóa 27 tập đoàn, tổng công ty. Nhà nước giữ cổ phần chi phối trên 65% hoặc 75% vốn điều lệ tại 11 đơn vị./.