Nhiều nhà đầu tư nước ngoài "xếp hàng" chờ mua nợ xấu
(Dân trí) - Theo tiết lộ của TS.Lê Xuân Nghĩa, hiện không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ, mà các ngân hàng trong nước cũng xếp hàng chờ bán nợ cho VAMC.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tính đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua được 38.900 tỷ đồng nợ xấu của 34 tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt. Ông Hùng chia sẻ, trong các khoản nợ xấu mà VAMC mua từ các tổ chức tín dụng trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước chưa phải dùng một biện pháp hành chính nào, thậm chí tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3% vẫn tự nguyện bán.
“Tuy nhiên, nếu VAMC ra đời sớm hơn thì tin chắc hiệu ứng tốt hơn, tác dụng tích cực hơn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để họ sớm có hướng xử lý tái cấu trúc và tư duy về nợ xấu sẽ mạch lạc hơn. Nhớ lại những ngày đầu, khi rà soát lại khoản nợ, các tổ chức tín dụng chỉ đăng ký lác đác vài nghìn tỷ đồng, khi đó chúng tôi rất lo vì đặt ra mục tiêu phải mua được khoảng 30.000 tỷ đồng”, ông Hùng nói.
Đề cập tới kế hoạch mua bán nợ của VAMC trong năm 2014, ông Hùng cho rằng: “Năm 2014 tiếp tục là năm đầy áp lực đối với VAMC. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên kế hoạch mua nợ từ 70 đến 100.000 tỷ đồng bằng trái phiếu đặc biệt”.
Theo kế hoạch đã đề ra, VAMC sẽ tiếp tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, đồng thời hoàn thiện Đề án mua nợ theo giá thị trường (kèm theo Đề án này là mua hẳn, bán hẳn). Dù vậy, theo Phó Chủ tịch VAMC, đề án mua đứt, bán đoạn đang đặt ra nhiều vấn đề.
Thứ nhất, để thu mua nợ xấu hoặc bảo lãnh tài sản thế chấp cần có rất nhiều tiền, song vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng nên cần phải bổ sung hoặc có thể đi vay nhưng thời gian vay tối thiểu cũng chỉ 5 - 7 năm. Do đó, VAMC đã tính tới phương án xin tăng vốn điều lệ lên khoảng 2.000 tỷ đồng.
Thứ hai, với những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhưng lực không có, VAMC sẽ tính đến chuyện kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài và tái cấu trúc. Để làm được điều này, theo ông Hùng, vẫn còn nhiều rào cản về pháp lý cần phải tháo gỡ như vấn đề sở hữu tài sản, đặc biệt tài sản là bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài hay vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp.
Còn với những doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, VAMC sẽ tìm cách xử lý bằng cách phát mại, hóa giá tài sản...; tuy nhiên, khó khăn ở đây là việc hoàn thiện thủ tục, xử lý và đấu giá. “Điều này rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện thủ tục pháp lý. Khi các nhà đầu tư đồng ý tham gia, họ sẽ yên tâm hơn với khoản nợ đó có đầy đủ yếu tố pháp lý”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, sau khi mua nợ xấu về, VAMC đã thành lập bộ phận rà soát và tiến hành phân loại nợ. Trong năm nay, VAMC sẽ tiến hành bán nợ. “Hiện có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước có ý định tham gia mua lại nợ xấu của VAMC. Nhưng việc mang nợ đi bán rẻ bằng mọi giá không phải là một giải pháp tốt”, ông Hùng lý giải.
Trước đó, đề cập tới việc nhiều “đại gia” nước ngoài xếp hàng mua nợ xấu của Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ cho biết: Các nhà đầu tư nước ngoài đã vào rất nhiều, nhiều hơn chúng ta mong đợi. Thậm chí có những tập đoàn tài chính lớn như Black Stone, chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam vì không có hợp đồng nào đủ lớn để họ tham gia, nay cũng muốn mua nợ xấu từ VAMC.
Theo lời của TS.Lê Xuân Nghĩa, đại diện của Black Stone hy vọng có thể mua được “món hàng” có giá trên 1 tỷ USD. Và theo tiết lộ của TS.Lê Xuân Nghĩa, hiện không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ, mà các ngân hàng trong nước cũng xếp hàng chờ bán nợ cho VAMC.