Nghệ An:
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp "nói không" với hóa chất trừ sâu
(Dân trí) - Sử dụng chế phẩm sinh học, trồng cây dẫn dụ, dùng bẩy… để trừ sâu bệnh gây hại cây trồng ngày càng được nhiều nông dân ở Nghệ An sử dụng. Những phương pháp này đang trở thành hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp với mục đích thu được sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, không gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho người sử dụng.
Sử dụng chế phẩm sinh học, dùng bẩy…
Về xã Tào Sơn huyện Anh Sơn (Nghệ An), không khó để hỏi về bí quyết diệt trừ sâu bệnh gây hại cây trồng từ các loại thảo dược thiên nhiên. Ở đây, mọi người tỉ mỉ, cẩn thận bào chế và sử dụng thuốc.
Từ các loại củ, quả như: Tỏi, ớt cay, gừng xay nhuyễn ngâm với rượu trắng. Sau thời gian nhất định đã tạo ra dung dịch là “khắc tinh” của nhiều loại sâu bệnh.
Có lẽ cũng vì thế mà việc sử dụng thảo dược thay thế hóa chất trong phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng đã và đang được bà con nông dân xã Tào Sơn huyện Anh Sơn (Nghệ An) thực hiện mang lại hiệu quả cao từ nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Viết Bảy - thôn 9, xã Tào Sơn huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: “Chỉ cần chịu khó chứ không khó làm. Việc chế thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc và tỷ lệ nhất định. Sau khi đã ngâm gừng, ớt cay, tỏi xay nhuyễn với rượu trong thời gian 7 - 15 ngày thì lắng lọc cặn để sử dụng. Số bã còn lại tiếp tục cho rượu vào ngâm để sử dụng cho các lần tiếp theo. Tùy theo mật độ sâu để pha thuốc; nhưng với 300ml dung dịch ngâm lần đầu pha với 15-18 lít nước đủ phun cho 1 sào rau màu”.
“Tôi đã dùng thuốc BVTV mua ở các đại lý và thuốc trừ sâu tự chế của mình để đối chứng. Kết quả cho thấy, thuốc trừ sâu tự chế hiệu quả ngang ngửa so với các loại thuốc BVTV trên thị trường”, ông Bảy khẳng định.
Tính đến nay, đã có hàng trăm hộ dân tại xã Tào Sơn áp dụng hình thức sử dụng chế phẩm sinh học này để trừ sâu bệnh. Qua tìm hiểu của chúng tôi, các xã vùng lân cận thuộc huyện Anh Sơn như Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn, Lạng Sơn… cũng đã tự chế thuốc trừ sâu bằng thảo dược để phòng trừ sâu bệnh gây hại. Nhờ sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược, sản phẩm rau màu, lúa, củ, quả của các hộ nông dân nơi đây làm ra đến đâu bán hết đến đó với giá cao.
Ngoài việc sử dụng chế phẩm sinh học từ tỏi, ớt cay, gừng ngâm với rượu để phòng trừ sâu bệnh, bạn trẻ Nguyễn Thị Lê Na tại huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) còn dùng nước cây bồ hòn để trừ sâu vẻ bùa, tro bếp trừ sâu độc thân… trên cây cam.
Bên cạnh đó, Na còn trồng thêm cây dẫn dụ, hoặc xen canh cây khác để giãn sâu bệnh như cây ổi trừ rầy, trồng hàng rào sinh thái để ngăn sâu bệnh của các vườn cam xung quanh tràn sang… Nhờ vậy mà năng suất, hiệu quả vẫn đạt như mong muốn.
Không chỉ cho quả nhiều, chất lượng thơm ngon mà sản phẩm cam quả còn được bán với giá đắt.
“Các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh từ thảo dược hoàn toàn sạch, giá thành rẻ, không gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho người sử dụng như thuốc hóa chất BVTV mua ngoài đại lý”, bạn Lê Na chia sẻ.
Theo những người sử dụng chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt cay ngâm với rượu để trừ sâu bệnh cho biết: “Dung dịch này có thể trừ được nhiều loại sâu, bọ gây hại như sâu tơ, sâu đục thân, sâu đục quả, nhện đỏ, bọ xít xanh...; hiệu lực của thuốc kéo dài do thuốc có khả năng diệt trừ được cả trứng, sâu non và sâu trưởng thành. Đặc biệt, nếu phun vào thời điểm sáng sớm và trên cơ sở mật độ của sâu bệnh nhiều hay ít để hòa dung dịch đậm hay nhạt thì càng cho hiệu quả cao”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lập – Phó giám đốc sở NN&PTNT Nghệ An cho hay: “Đây là cách làm mới nhưng rất thực tế, dễ làm, hiệu quả, giảm được chi phí trong sản xuất. Ngành rất khuyến khích người nông dân sử dụng để vừa bảo vệ môi trường, an toàn cho người sử dụng nhưng quan trọng hơn là để tạo ra nông sản sạch”.
Nói không với hóa chất gây hại
Áp dụng quy trình chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP, không sử dụng thuốc BVTV, tự chế thuốc trừ sâu thảo dược phòng trừ sâu bệnh gây hại nên cây bưởi Diễn mang lại giá trị kinh tế cao gấp đôi cho người dân Nghĩa Đàn.
Gia đình anh anh Lương Quang Yên ở xóm Xuân 1, xã Nghĩa Liên là một trong những người tiên phong đưa cây bưởi Diễn về trồng trên địa bàn xã Nghĩa Liên.
Anh Yên chia sẻ: “Trước đây trên diện tích gần 1ha trồng mía không hiệu quả, năm 2007, qua tìm hiểu và biết được giá trị kinh tế của cây bưởi Diễn nên anh đã quyết định đầu tư trồng 200 gốc. Bưởi Diễn chỉ sau 3 năm là cho thu hoạch, những cây đã trồng từ 5 năm trở lên có thể đạt trên 50 đến 100 quả/cây, trọng lượng 1 -1,2 kg/quả. Chất lượng bưởi không thua kém gì bưởi Diễn Hà Nội”.
Để có quả bưởi Diễn ngon, không sử dụng thuốc BVTV, anh đã chịu khó học hỏi, tạo ra một chế phẩm sinh học bao gồm một số thảo mộc sẵn có ở địa phương, tỏi, ớt, gừng… đem xay nhỏ rồi ngâm với rượu trắng ủ trong vòng 10-15 ngày sẽ cho ra thành phẩm thuốc trừ sâu thảo dược.
Thêm vào đó, gia đình anh đầu tư hệ thống bơm tưới hiện đại, quá trình tưới đảm bảo kỹ thuật sao cho côn trùng rơi rụng. Khi cây đã bắt đầu cho quả, gia đình anh bọc kỹ bằng túi ni lông tránh ruồi vàng gây hại.
“Bắt đầu từ năm 2015, tôi đã mạnh dạn thí điểm loại thuốc trừ sâu thảo dược tự chế này trên diện tích gần 1 ha bưởi của gia đình. So với những sản phẩm thuốc trừ sâu khác, loại thuốc trừ sâu thảo dược tự chế này có ưu điểm đuổi sâu bọ cực kỳ hiệu quả, tỷ lệ đậu quả cao, giúp cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng, lá xanh. Đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và an toàn cho người sử dụng. Không những vậy, nhờ sử dụng các loại thảo mộc tự nhiên nên chi phí cũng giảm 30 - 40% cho mỗi vụ sản xuất”, anh Yên bật bật bí quyết.
Ngược lên vùng đất Phủ Quỳ (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), một vùng đất bấy lâu rất thích hợp với cây cam.
Điển hình cho mô hình không sử dụng thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học… của bạn Nguyễn Thị Lê Na (SN 1986), tại xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An).
Vườn cam sinh thái hơn 1ha của Na đang phát triển tốt và đã cho quả ngọt. Ngoài việc dùng dung dịch tỏi ớt để phun trừ rầy, nước cây bồ hòn để trừ sâu vẻ bùa, tro bếp trừ sâu độc than,…Na và các kỹ sư đã cho trồng cây dẫn dụ, hoặc xen canh cây khác để giãn sâu bệnh như cây ổi trừ rầy chổng cánh, trồng hàng rào sinh thái để ngăn sâu bệnh của các vườn cam xung quanh tràn sang.
Bên cạnh đó nhiều HTX tại Nghệ An, thay vì sản xuất truyền thống có sử dụng phân hóa học, phun thuốc hóa học thì nay các hộ dân áp dụng 100% sản xuất từ hữu cơ. Đặc biệt, thay vì dùng thuốc trừ sâu hóa học, người dân sử dụng một loại “thuốc” tổng hợp, gồm rượu trắng, gừng, tỏi, ớt cay, thuốc lào với tỷ lệ phù hợp, ngâm một thời gian rồi đưa ra phun.
Bên cạnh đó, kết hợp với việc trồng một số loại cây nhử sâu bọ, dùng bẫy sinh học để tiêu diệt bướm… vì vậy, cây trồng được bản đảm an toàn và rất ít sâu bệnh, môi trường trong lành thân thiện.
"Chúng tôi áp dụng sản xuất hữu cơ bằng việc bón 100% phân chuồng và phân xanh. Với 3 sào trồng rau xanh, bí, dưa chuột, mướp, tôi chỉ cần hai can 5 lít thuốc sinh học tự chế là đủ. Mỗi can gồm 1 kg gừng, 1 kg tỏi, 1 kg ớt, 3 lạng thuốc lào, cho vào ngâm cùng 5 lít rượu ngon, sau 15 ngày là có thể sử dụng. Mỗi bình 16 lít nước chỉ cần khoảng 100 ml thuốc là đủ. Cứ 10 ngày, tôi phun một lần, vườn rau không hề có con sâu nào xuất hiện”, nhiều người dân ở huyện Qùy Hợp cho hay.
Sản phẩm nông nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học, trồng cây dẫn dụ, dùng bẩy… không dùng thuốc hóa chất trừ sâu. Ngoài tác dụng làm sạch môi trường sản phẩm ngày càng được thị trường ưu tiên và được khách hàng ưa chuộng.
Nguyễn Duy - Nguyễn Tú