1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhiều hình thức thanh toán "độc" ra đời sau dịch Covid-19

Đại Việt

(Dân trí) - Chỉ cần đưa thẻ đến sát chiếc điện thoại người bán thì việc thanh toán đã hoàn tất, hay người gửi chỉ cần nhắn một đường link cho người nhận thì ngay lập tức tiền vào tài khoản.

Nhiều hình thức thanh toán độc ra đời sau dịch Covid-19 - 1

Nhiều hình thức thanh toán không tiếp xúc mới được ra đời sau dịch Covid-19. Ảnh: Đại Việt

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM cho biết, dịch Covid-19 chính là "đòn bẩy" thúc đẩy sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt một cách mạnh mẽ. Trong đó, nhiều phương thức thanh toán mới lạ và độc đáo đã ra đời trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM chia sẻ, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nổi bật nhất sau dịch Covid-19 chính là kiểu thanh toán không tiếp xúc.

Trong đó, phương thức thanh toán mới nhất phải kể đến chính là "Tap to phone". Đây là phương thức chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.

"Phương thức thanh toán này cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng như một chiếc máy POS để thanh toán không tiếp xúc. Người dùng chỉ cần đưa thẻ lại gần chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng dùng hệ điều hành Android là có thể thanh toán", ông Minh nói.

Theo ông Minh, những giải pháp thanh toán không tiếp xúc mới, độc đáo đã "đánh trúng" tâm lý của người dân. Bởi, người dân luôn mong muốn sở hữu những kiểu thanh toán an toàn trong mùa dịch bệnh. Họ có thể ngồi ở nhà và thanh toán tất cả các dịch vụ như mua sắm, ăn uống, đi lại…

Cũng theo ông Minh, hiện nay, các ngân hàng thương mại tại TPHCM đang phát triển các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt rất nghiêm túc, đúng lộ trình và đúng các giải pháp theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ về việc thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Đức Duy - đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại - "Tap to phone" đang là xu thế rất mới trên thế giới.

"Khi ăn uống tại nhà hàng, người dân có thể "Tap to phone" ngay tại bàn. Khi đó, nhân viên nhà hàng sẽ bấm số tiền cần phải trả của khách trên ứng dụng. Sau đó, khách hàng chỉ cần đưa thẻ lại gần chiếc điện thoại. 3 giây sau, thanh toán được hoàn tất. Rất nhanh chóng và không ai tiếp xúc với ai", ông Duy nói.

Theo ông Duy, không chỉ thanh toán trong lĩnh vực ăn uống mà người dân có thể thanh toán khi giao hàng, mua bảo hiểm… Các tiểu thương, hộ kinh doanh gia đình cũng hoàn toàn có thể thanh toán kiểu "Tap to phone".

Cũng theo ông Duy, hình thức thanh toán mới nói trên có nhiều ưu điểm hơn so với thanh toán bằng máy POS truyền thống vì máy POS có chi phí lắp đặt, bảo trì cao và mất nhiều thời gian của người dùng hơn khi thanh toán.

Bà Nguyễn Thị Ánh Vân, đại diện Tiki cho biết, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại sàn thương mại điện tử này là hơn 40%. Từ năm 2019, đơn vị này đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt qua máy mPOS. Việc này nhằm giúp giải tỏa sự bất tiện cho khách hàng khi cầm theo tiền mặt.

"Dù mới triển khai thanh toán qua máy mPOS nhưng chúng tôi đang triển khai thêm hình thức thanh toán kiểu "Tap to phone". Hình thức này mang đến sự tiện lợi và an toàn cho đội ngũ nhân viên giao vận của chúng tôi", bà Vân nói.

Ngoài hình thức thanh toán "Tap to phone" thì thanh toán mạng xã hội (Social Payment) cũng là một kiểu thanh toán rất mới hiện nay.

Ông Lê Hoàng Gia, đại diện PayME cho biết, thanh toán mạng xã hội giúp doanh nghiệp và người dùng có thể giao dịch thanh toán ngay trên môi trường của nền tảng tương tác, ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram…

"Muốn gửi tiền cho một người nào đó, người gửi chỉ cần nhắn một đường link cho người nhận. Người nhận điền thông tin của mình vào thì tiền ngay lập tức chuyển vào tài khoản người nhận. Không cần mở ứng dụng thanh toán, không cần biết số tài khoản, không cần biết số điện thoại", ông Gia nói.

Theo ông Gia, ưu điểm của hình thức thanh toán này là gần gũi với hành vi dùng mạng xã hội thường ngày của người dân. Người bán hàng cũng giảm tỉ lệ "rớt" đơn hàng, quản lý vận đơn và hậu mãi tốt hơn. Ngoài ra, việc bảo mật, an toàn của hình thức thanh toán mạng xã hội cũng rất cao.

Theo khảo sát của Visa trong năm 2020, hơn 85% người dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một ứng dụng thanh toán hoặc một ví điện tử. 40% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc. Việt Nam cũng có hơn 65 triệu thuê bao di động sử dụng 3G - 4G, điều này cho thấy nhu cầu về giải pháp thanh toán số của người dùng Việt Nam là rất cao.

Trước sự "bùng nổ" của việc thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Hoàng Minh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra một khung pháp lý để tạo điều kiện cho các hoạt động này phát triển một cách vững chắc, an toàn.

Theo ông Minh, hiện nay, bên cạnh việc người dân sử dụng app (ứng dụng) để thanh toán không dùng tiền mặt thì còn một số đối tượng xấu lợi dụng "kẽ hở" của pháp luật để làm app hoạt động tín dụng đen trên mạng.

"Tín dụng đen thì vô cùng nguy hiểm. TPHCM có rất nhiều người là nạn nhân của việc đi vay qua các app tín dụng đen. Chúng tôi cũng đã phối hợp với cơ quan công an để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các cá nhân, tổ chức hoạt động trái pháp luật", ông Minh nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm