Dịch bệnh Covid-19 lan tràn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
(Dân trí) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thanh toán không tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhằm đảm bảo an toàn hạn chế được sự lây lan, truyền nhiễm của dịch Covid-19.
Cứu cánh từ kinh tế số
Dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nhưng lại là điểm sáng của các loại hình kinh tế số như tài chính trực tuyến, thương mại điện tử…. Chỉ tính riêng thương mại điện tử, thị trường này tại Việt Nam đã có mức tăng từ 0,4 tỷ USD năm 2015 lên 2,8 tỷ USD năm 2018 theo báo cáo Phát triển Việt Nam 2019.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam lớn thứ ba khu vực, sau Indonesia (12,2 tỷ USD năm 2018) và Thái Lan (3 tỷ USD năm 2018) và sẽ còn phát triển hơn nữa. Theo Bộ Công thương, lĩnh vực này sẽ tăng khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.Sự phát triển của lĩnh vực này đang được các cơ quan chức năng thúc đẩy nằm mang lại hiệu quả, bù đắp những tổn thất cho nền kinh tế.
Theo Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 11/2019, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt gần 146,040 triệu món, tương ứng với 87,591 triệu tỷ đồng (tăng 17,77% về số lượng và 32,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018). Bình quân số lượng giao dịch đạt gần 635.000 giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 380.000 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn trong tổng lượng giao dịch tiền mặt tại Việt Nam.
Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm. Rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng.
Thói quen này lại dường như có hại trong bối cảnh hiện nay. Giao dịch trực tiếp với tiền mặt có thể khiến nguy cơ nhiễm virus corona tăng cao khi tiền mặt cũng có thể là nơi khu trú vi khuẩn. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cũng nên dần chuyển sang các hình thức thanh toán số, tận dụng các tiện ích mà thương mại điện tử mang lại.
Thực tế, từ sau Tết Nguyên đán khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, người dùng đang dần thay đổi thói quen có xu hướng dịch chuyển sang hình thức thanh toán không tiền mặt. Tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống chuyển mạch tài chính của NHNN tăng 76% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng được xem là cơ hội “tự nhiên” để bùng nổ thanh toán phi tiền mặt. Liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này hay để nó tuột qua một cách đáng tiếc?
Hoàn thiện hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt
Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong quyết định 149/QĐ-TTg. Chiến lược được các chuyên gia tài chính đánh giá có nhiều điểm sáng, một định hướng mang tính đột phá, đưa nền tài chính Việt Nam bắt kịp với xu hướng của thế giới và là nền tảng cho phát triển kinh tế không tiền mặt.
Chiến lược đề ra các mục tiêu rõ ràng, đến năm 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Đồng thời, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% -25% hàng năm.
Nếu như trước đây, muốn thay đổi hành vi người dùng cần đầu tư thời gian, chi phí… thì ở thời điểm này thói quen và tâm lý của họ đang thay đổi mạnh mẽ dần dịch chuyển sang thanh toán phi tiền mặt, đẩy lùi các nguy cơ lây lan dịch Covid-19 từ tiền mặt. Đây là thời cơ phù hợp, thuận lợi để Việt Nam có thể “tăng tốc” hơn nữa trong cuộc đua không tiền mặt.
Tuy nhiên, lĩnh vực chuyển mạch tài chính có bù trừ điện tử, mới chỉ có Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) là đơn vị duy nhất cung ứng hạ tầng thanh toán cho hàng chục ngân hàng nội địa và quốc tế tại Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia công nghệ, hạ tầng này mới đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán của người dùng.
Để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch và không để tuột “cơ hội vàng” này, chuyên gia kiến nghị Chính phủ tạo phải điều kiện bằng các hành lang pháp lý, các định hướng chiến lược để ngân hàng, các công ty fintech, bigtech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt. Khi có được các hành lang pháp lý và chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý thì các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Với lĩnh vực chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, nội dung của chiến lược mới cho phép thêm các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ này nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch, chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam hiện nay đã có những doanh nghiệp đủ sức tham gia vào việc kiến tạo hạ tầng chuyển mạch tài chính và thanh toán bù trừ. Đó là các tập đoàn công nghệ hay các định chế tài chính mạnh có đủ kinh nghiệm và tiềm lực.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Việc mở rộng thêm cơ hội cho những doanh nghiệp tham gia vào cung ứng dịch vụ chuyển mạch sẽ có lợi, bởi khi có nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia sẽ giúp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, giúp giảm mặt bằng phí, người sử dụng dịch vụ thanh toán sẽ càng hưởng lợi hơn”.
Ông Trần Vi Thoại, chuyên gia luật tài chính nhận định, việc mở cửa cho phép thêm doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này có ý nghĩa bước ngoặt lớn cho toàn ngành, mở ra cơ hội lớn để có thêm các nguồn lực tham gia kiến tạo các hạ tầng quan trọng của quốc gia. Điều này sẽ thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho kinh tế số trong thời đại 4.0.
Thùy Dung