Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không dùng tiền mặt, phải để người dân thấy lợi ích tham gia
(Dân trí) - “Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ làm tăng sự luân chuyển đồng bộ trong toàn xã hội, huy động vốn của dân, không để tiền chết, không chỉ minh bạch chống rửa tiền, chống tham nhũng, nếu làm tốt sẽ thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ...".
Đó là những chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề "Chuyển động cùng công nghệ chip" (EPF 2019) do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) chủ trì tổ chức, dưới sự bảo trợ của Ngân hàng nhà nước vào sáng nay (10/12).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về Cách mạng 4.0, Chính phủ cũng có nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng làm sao tận dụng tốt thời cơ của Cách mạng 4.0, để Việt Nam không bị bỏ lỡ nhưng phải bằng hành động cụ thể.
“Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ làm tăng sự luân chuyển đồng bộ trong toàn xã hội, huy động vốn của dân, không để tiền chết, không chỉ minh bạch chống rửa tiền, chống tham nhũng, nếu làm tốt sẽ thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ. Đông Nam Á là khu vực năng động, nền kinh tế Internet quy mô 100 tỷ USD, 5 năm tới tăng gấp 3 lần”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
"Vậy Việt Nam đang ở đâu?"- Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và kể lại câu chuyện ông đi phỏng vấn 100 người về khái niệm chính phủ điện tử, đa phần đều nói đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động quản lý nhà nước minh bạch, hiệu quả hơn. Chỉ ít người nói vế thứ 2 là để huy động người dân tham gia vào việc quản lý xã hội nhiều hơn.
“Người Việt Nam có câu đồng tiền đi liền khúc ruột. Khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thì phải thúc đẩy nó gắn an toàn, an ninh và phải để người dân thấy lợi ích tham gia vào”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho biết biết thêm, các bộ ngành phải làm sao để những thông tin y tế, giáo dục, công an phải tích hợp và liên thông với nhau tạo thuận lợi cho người dân.
"Để làm việc này cần sự đồng lòng kêu gọi không chỉ cơ quan nhà nước mà chúng ta cần bàn sâu sát với doanh nghiệp, đây cũng là phần trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước với xã hội. Chúng ta phải thay đổi cả hạ tầng, sẽ là sự tốn kém nhưng nếu cần thiết cho đất nước phát triển thì sự tốn kém ấy về lâu dài bù đắp lại kinh tế xứng đáng. Quan trọng cả đó cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của ngân hàng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nói thêm: Chính phủ điện tử suy cho cùng là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, giúp minh bạch hơn.
"Chúng ta phải đẩy mạnh công nghệ, tiến tới tất cả các thông tin được tích hợp, từ nhân thân, bảo hiểm, y tế, ngân hàng phải được liên thông và kết nối. Và để làm được chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, cả kể việc xem xét thời điểm và cùng với đó là chương trình mọi người dân dù nghèo đều phải có smartphone. Phải vận động giải thích người dân cùng tham gia", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng khẳng định, những năm trước, Chính phủ đã có chỉ đạo rõ tiền thuế, bảo hiểm, điện lực viễn thông phải thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ đầu năm nay cũng quyết định bắt buộc 2 ngành liên quan đến người dân nhiều nhất là Giáo dục, Y tế phải triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
"Hôm nay, Bộ Y tế và số bệnh viện ký cam kết cùng ngân hàng. Đây là tượng trưng thôi, cả ngành y tế đều có văn bản chỉ đạo, vào cuộc rồi. Những hành động như vậy nên khuyến khích bằng hành động cụ thể, thiết thực. Ngân hàng, doanh nghiệp chung tay vì công nghệ, lợi ích chung. Tôi tin rằng lĩnh vực thanh toán điện tử nói riêng, ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng thời cơ cách mạng 4.0 sẽ đạt được kết quả thiết thực", Phó Thủ tướng tin tưởng.
Tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cũng cho rằng, thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính.
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số...", ông Kim Anh nói.
Với vai trò là cơ quan báo chí, truyền thông đồng phối hợp tổ chức diễn đàn EPF 2019, Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam đánh giá: Diễn đàn EPF 2019 đã trở thành không gian để các bên tham gia có thể cùng nhau thảo luận, thống nhất các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử/thanh toán không dùng tiền mặt cho toàn thị trường; cập nhật xu hướng mới về thanh toán điện tử trên thế giới và gợi ý cho thị trường Việt Nam.
Giáo sư Đào Nguyên Cát cũng cho biết, ông đang thấy một Chính phủ chuyển động mạnh mẽ và sáng tạo. Một Chính phủ không ngừng kiến tạo, hành động và hành động quyết liệt. Với tính thần đó, các ngành, các cấp cũng đang vào cuộc mạnh mẽ, tạo nên các xung lực và sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển. Ngành tài chính ngân hàng mang trọng trách là huyết mạch của nền kinh tế, cung ứng những dịch vụ thiết yếu và nền tảng, thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển.
Kinh tế số, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại. Do đó, áp lực đổi mới để cập nhật công nghệ mới trong các dịch vụ tài chính ngân hàng, đã và đang thể hiện sự chủ động và tích cực của hệ thống các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính, phi tài chính tại Việt Nam hiện nay.
An Hạ