Nhiều doanh nhân nổi tiếng góp mặt trong Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

(Dân trí) - Ngày 3/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định số 842/QĐ-HĐTV thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (gọi tắt là Hội đồng).

Ông Trương Gia Bình làm Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Trương Gia Bình làm Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, gọi tắt là Ban IV, do Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính làm Trưởng ban; Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới làm Phó Trưởng ban.

Các thành viên tham gia Ban IV gồm đại diện các cơ quan, tổ chức: Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Hiệp hội tôm Bình Thuận, Hội đồng tư vấn Du lịch, Ban Cố vấn Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, Tập đoàn VinaCapital.

Đi kèm văn bản này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng ký Quyết định ban hành danh sách thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính gồm: Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính; Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương; Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận - thành viên; Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch - thành viên; Ông Vũ Văn Tiền, thành viên Ban cố vấn Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - thành viên; Ông Don Di Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới - thành viên.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia, chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cũng trong hôm 3/10, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, Chính phủ xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW. Trong đó có những giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro cũng như bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Trước đó, Thủ tướng đã có buổi Toạ đàm Đối thoại chính sách với lãnh đạo đến từ 14 Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhằm "lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, có gì đặt ra để kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển".

Theo Thủ tướng, nhiều tập đoàn, tổng công ty tư nhân rất thành công, trong số đó có những vị đang ngồi đây ngày hôm nay. Tuy nhiên, trong 496.000 doanhg nhiệp đang hoạt động, doanh nghiệp tư nhân chiếm phần lớn thì doanh nghiệp lớn (quy mô vốn khá) chỉ chiếm chưa tới 10.000, còn lại phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

“Nút thắt ở đây là gì? Các vị hãy đưa ra những vấn đề mà cho rằng cần tháo gỡ để kinh tế tư nhân phát triển. Từ tiếng nói này chúng tôi sẽ hình thành chính sách, định hướng để tiếp tục tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân phát triển đúng hướng; ngày càng nhiều tập đoàn lớn mạnh cùng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa” , Thủ tướng nói

Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần 2 – VPSF 2017, Thủ tướng cũng khẳng định, với mỗi đơn vị bổ sung thì doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu nhiều hơn gấp 3 lần doanh nghiệp Nhà nước, cho thấy chìa khoá cho tăng trưởng kinh tế nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân.

“Những gì tư nhân có thể làm tốt thì để tư nhân làm. Đây là con đường đúng đắn để Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích các địa phương chủ động sáng tạo, phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế”, Thủ tướng cho biết.

Phương Dung