Đối thoại với 14 lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân lớn, Thủ tướng hỏi: Nút thắt là gì?
(Dân trí) - "Chính phủ muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, có gì đặt ra để kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển", Thủ tướng cho biết và mong muốn đại diện tập đoàn kinh tế tư nhân "nói thẳng, thật, trách nhiệm".
Tại buổi Toạ đàm Đối thoại chính sách một số tập đoàn kinh tế tư nhân diễn ra sáng nay (30/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ 14 Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế tư nhân: Đặng Văn Thành – Chủ tịch Thành thành công, Đoàn Nguyên Đức – Hoàng Anh Gia Lai, Bùi Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG; bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet…
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, năm 2017 nền kinh tế có những khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để đạt mục tiêu tăng trưởng trong chặng đường phát triển tới đây của đất nước.
"Thủ tướng tổ chức toạ đàm với một số tập đoàn kinh tế tư nhân với chủ đề “Chính phủ và tập đoàn kinh tế tư nhân cùng đồng hành, phát triển kinh tế", lắng nghe và đổi mới chính sách để khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển", ông Ngoạn cho biết.
Phát biểu tại Toạ đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Trước đây, Chính phủ thường gặp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng năm nay chúng tôi quyết định gặp gỡ, đối thoại với khối doanh nghiệp tư nhân".
"Chính phủ muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, có gì đặt ra để kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển", Thủ tướng cho biết và mong muốn đại diện tập đoàn kinh tế tư nhân "nói thẳng, thật, trách nhiệm".
“Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển? Do môi trường kinh doanh hay thuế khoá, lao động? Nếu do môi trường thì Nhà nước cần làm gì nữa để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển? Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Khẳng định những tập đoàn tham dự toạ đàm hôm nay đều là những đơn vị bước đầu thành công, góp phần vào phát triển đất nước, Thủ tướng cũng đánh giá, trước đây chưa từng có những tập đoàn lớn như hiện nay và vai trò kinh tế tư nhân cũng chưa được nhấn mạnh.
"Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, trong cơ cấu thì DNNN chỉ chiếm 0,5% trong khi doanh nghiệp tư nhân chiếm 96,7%, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2,6%... Điều này cho thấy, doanh nghiệp tư nhân chiếm vị thế quan trọng trong cơ cấu về số lượng doanh nghiệp hiện nay", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, nhiều tập đoàn, tổng công ty tư nhân rất thành công, trong số đó có những vị đang ngồi đây ngày hôm nay. Tuy nhiên, trong 496.000 doanhg nhiệp đang hoạt động, doanh nghiệp tư nhân chiếm phần lớn thì doanh nghiệp lớn (quy mô vốn khá) chỉ chiếm chưa tới 10.000, còn lại phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
“Nút thắt ở đây là gì? Các vị hay đưa ra những vấn đề mà cho rằng cần tháo gỡ để kinh tế tư nhân phát triển. Từ tiếng nói này chúng tôi sẽ hình thành chính sách, định hướng để tiếp tục tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân phát triển đúng hướng; ngày càng nhiều tập đoàn lớn mạnh cùng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa” , Thủ tướng nói
Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần 2 – VPSF 2017, Thủ tướng cũng khẳng định, với mỗi đơn vị bổ sung thì doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu nhiều hơn gấp 3 lần doanh nghiệp Nhà nước, cho thấy chìa khoá cho tăng trưởng kinh tế nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân.
“Những gì tư nhân có thể làm tốt thì để tư nhân làm. Đây là con đường đúng đắn để Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích các địa phương chủ động sáng tạo, phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế”, Thủ tướng cho biết.
Ông cũng trích lại lời đại văn hào Mark Twain từng nói “hai mươi năm sau bạn sẽ hối hận vì những gì bạn không làm, hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khơi để đến bến đỗ an toàn và để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió” và nhấn mạnh "kinh tế tư nhân Việt Nam hãy ra khơi bình an”.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình về việc Chính phủ, lãnh đạo có lắng nghe doanh nghiệp không, Thủ tướng một lần nữa khẳng định khu vực tư nhân không chỉ là động lực mà còn là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước.
Phương Dung