Phát triển kinh tế tư nhân: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy cùng đi"

(Dân trí) - Thủ tướng khẳng định, mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.

Phát biểu tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp tư nhân hôm qua (31/7), Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Don Lam đánh giá, nhìn từ chỉ số khảo sát Niềm Tin Doanh Nhân (CEO.CI) do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng ADB cho thấy niềm tin của các nhà lãnh đạo khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục tăng lên.

"Trong bối cảnh khu vực tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam. Điều này rất có lợi cho nền kinh tế Việt Nam", ông Don Lam nói.

Điểm mặt những rào cản

Tuy nhiên, theo vị doanh nhân, chỉ số CEO.CI đã cho thấy một số rào cản quan trọng mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng đang gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Mỗi ngành nghề có những vấn đề riêng, song tựu trung có các vấn đề chính mà tất cả đều gặp phải.

“Người Việt nổi tiếng là giàu tinh thần kinh doanh, nhưng có lẽ ít có điều gì làm suy nhược tinh thần ấy hơn hệ thống quy định rắc rối vô tận như việc áp dụng các quy định và luật lệ một cách chuyên quyền, và một hệ thống mà nhiều người vẫn xem là phân biệt đối xử khu vực tư nhân. Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong rất nhiều sáng kiến và giải pháp, nhưng sự thay đổi cần được thúc đẩy nhanh hơn nữa để bắt kịp thị trường toàn cầu. Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội, và tạo dựng môi trường tối ưu cho khu vực tư nhân phát triển nên được xem là ưu tiên cao nhất", ông Don Lam nhìn nhận.

Thứ nhất, theo ông Don Lam, hệ thống hành chính phức tạp, chồng chéo, không rõ ràng, thiếu hiệu quả đang khiến khu vực tư nhân tốn thêm các chi phí và thời gian không chính thức, và khiến khu vực này kém cạnh tranh hơn.

Ông Don Lam cho rằng, các chủ doanh nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề, tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí mà lẽ ra có thể được sử dụng hiệu quả hơn. Có thể kể đến việc đóng thuế rất khó khăn, cần có một loạt các giấy phép con để thực hiện các chức năng và công việc tưởng chừng đơn giản, các thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp và không rõ ràng, sự phối hợp giữa các bộ ngành hoặc giữa chính quyền trung ương và địa phương thiếu đồng bộ…

“Cần có sự thay đổi về triết lý điều hành, rời khỏi việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải xin giấy phép để thực hiện các công việc vốn rất bình thường ở hầu hết các nơi trên thế giới như quảng cáo, marketing, mở thêm các lĩnh vực kinh doanh mới”, CEO VinaCapital nhận định.

Những khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp tư nhân cũng được nhắc đến. Theo đó, các doanh nghiệp vẫn trông chờ chủ yếu vào nguồn vốn vay ngân hàng, nhưng có tâm lý chung rằng đối tượng mà các ngân hàng Việt Nam ưu ái là các doanh nghiệp Nhà nước chứ không phải khu vực tư nhân.

"Một khảo sát thực hiện với 2.600 doanh nghiệp cho thấy 70% các công ty tư nhân nhỏ và vừa bắt buộc phải tìm đến thị trường tín dụng “đen” để có vốn hoạt động – điều chỉ làm giàu thêm cho bên cho vay chứ không đem lại lợi ích gì cho các công ty và ngân hàng. Quy định của ngành ngân hàng cần được sửa đổi để các doanh nghiệp tư nhân có sự bình đẳng trong tiếp cận vốn vay. Lý tưởng nhất là thị trường sẽ phát triển đến mức độ mà các ngân hàng sẽ cạnh tranh nhau để tiếp cận doanh nghiệp tư nhân chứ không phải là ngược lại", ông nói thêm.

"Muốn đi xa hãy cùng đi..."

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ đối với các bạn”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50–60% GDP.

Doanh nghiệp nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, từ đó, tập trung sản xuất, hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch… thay vì tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ chú trọng phục vụ các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp.

Doanh nghiệp cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi. Mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi", Thủ tướng nói.

"Cây đa dựa thần, thần dựa cây đa"

Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với các khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam; giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn; luôn đồng hành với doanh nghiệp, xem những khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của bộ, ngành mình.

“Phải có cả tâm lẫn tài. Tâm thôi không đủ mà cần phải nâng cao năng lực để bắt nhịp và thích ứng với đòi hỏi của kinh tế tư nhân. Công tác quản lý phải đi kịp sự phát triển, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước hết là thể chế chính sách phải phù hợp, phải sửa đổi kịp thời hơn", ông nói.

Với các địa phương, Thủ tướng mong muốn cần liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau, không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình. Tạo dựng sẵn các nguồn lực như đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách đặc thù… để nhà đầu tư không phải chờ đợi.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắn nhủ ngành ngân hàng cần nhận thức việc doanh nghiệp khó khăn tiếp cận nguồn vốn có phần trách nhiệm của mình. Các doanh nghiệp làm ăn được mới có dòng tiền về ngân hàng, ngân hàng cùng doanh nghiệp phát triển. Hơn lúc nào hết, ngành ngân hàng cần hiểu rõ, thấu đáo các quy trình sản xuất, khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp. Cần phải tư duy theo hướng này và cụ thể hóa bằng những cơ chế cho vay linh hoạt.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, cần liên kết, gắn kết, cùng phát huy thế mạnh, lợi thế của nhau, xác định các mũi nhọn cụ thể, tránh phong trào, dàn hàng ngang; nắm rõ thị trường, hiểu thị trường; lường trước những rủi ro, khó khăn; đổi mới sáng tạo, năng động, tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

“Ở Việt Nam thường có câu, "Cây đa dựa thần, thần dựa cây đa". Chính các bạn, các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp sẽ là tiền đề quan trọng để đất nước phát triển như các tiêu chí mà chúng ta đã đưa ra hôm nay. Bộ ban ngành cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiếp tục có các biện pháp giảm chi phí kinh doanh, bảo vệ các lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, Thủ tướng khẳng định.

Phương Dung