Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường:

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mơ hồ về chuyển đổi xanh

Ninh An

(Dân trí) - Chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang trở thành yếu tố sống còn để Việt Nam tiến tới phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Nhiều doanh nghiệp mơ hồ về chuyển đổi xanh

Phát biểu khai mạc Lễ phát động "Chuyển đổi xanh - Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững" do báo Lao Động tổ chức sáng nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành khẳng định chuyển đổi xanh không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà còn là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Những thách thức như ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, cũng như sự phát triển bền vững của kinh tế.

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045. Quá trình chuyển đổi xanh được thúc đẩy bởi nhu cầu đạt được các mục tiêu trung lập và bền vững về khí hậu.

Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2023 và tầm nhìn đến năm 2025. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã lấy kinh doanh xanh là chiến lược, lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tàu đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

"Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn "mơ hồ" về chuyển đổi xanh, dù chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế mà còn là một điều kiện bắt buộc để hàng hóa xuất khẩu", Thứ trưởng đánh giá.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mơ hồ về chuyển đổi xanh - 1

Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi trường Lê Công Thành (Ảnh: BTC).

Cần gấp rút hoàn thiện thể chế

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế Trường đại học Kinh tế (UEB), cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được và nhanh chóng tham gia vào xu hướng chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều rào cản, thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh từ nhận thức, công nghệ, vốn cho đến thể chế chính sách, hỗ trợ.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mơ hồ về chuyển đổi xanh - 2

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia kinh tế Trường đại học Kinh tế (UEB) (Ảnh: BTC).

Đề cập đến các chính sách về chuyển đổi xanh, Thứ trưởng Lê Công Thành nêu ra một số quy định đã được ban hành như: Chỉ thị số 44/2024 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định 232/2025 về việc phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Đến trước tháng 6/2025 hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, tạo cơ sở triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon. Đồng thời, xây dựng hạ tầng vận hành thị trường carbon, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và nhận thức, năng lực tham gia thị trường của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Từ năm 2017 đến nay, Bộ Nông Nghiệp và Môi trường đã cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bước đầu thiết lập "Danh mục dự án xanh" và xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh làm cơ sở để cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thành cũng cho biết các danh mục dự án xanh và hướng dẫn trên đều không có cơ sở phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và không dựa trên các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường của Việt Nam và thông lệ quốc tế; thiếu cơ sở pháp lý nên việc sử dụng mới mang mục đích tham khảo hoặc dùng để thống kê. Nhiều ngân hàng còn lúng túng khi cấp vốn cho các dự án thân thiện với môi trường vì chưa có tiêu chí xanh cụ thể.

"Do đó, Việt Nam cần ban hành tiêu chí xanh cụ thể cho từng ngành", Thứ trưởng Thành nêu vấn đề.

Theo đó, việc xây dựng danh mục phân loại xanh (danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường) gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan để quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả việc cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết cơ quan này vừa trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Dự thảo Quyết định này đặt ra khung pháp lý để đánh giá và hỗ trợ các dự án có lợi ích môi trường. Quy định sẽ áp dụng cho chủ dự án đầu tư, tổ chức phát hành trái phiếu xanh, tổ chức tín dụng và các bên liên quan.